Chư Prông: Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân

25/07/2012
Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Kết quả bước đầu
Nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh và trên địa bàn huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và các đối tượng chính sách được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, nên việc tiếp cận dịch vụ y tế của những đối tượng nói trên ngày càng được cải thiện. Ngay sau khi có Chỉ thị 38-CT/TW, ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 13-CT/TU, ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, huyện đã chỉ đạo Phòng Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, Hội nông dân, Phòng Tư pháp huyện tổ chức tốt công tác truyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế trên toàn địa bàn huyện chú trọng đến các vùng sâu, vùng xa, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Do đó, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, lãnh đạo các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực cùng tham gia và vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng.
Sau 02 năm triển khai thực hiện số lượng, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tăng lên rõ rệt, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng lên, đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh chủ yếu ở tuyến y tế xã, tuyến huyện, giảm tải việc khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh, tiết kiệm đi lại cho bệnh nhân mắc các bệnh thông thường, quyền lợi của người có thẻ được đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Nhân dân và người lao động đã từng bước hiểu được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay, đã có 29 đơn vị khu vực kinh tế tư nhân tham gia bảo hiểm y tế với 162 lao động trong đó có 19 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 5 hợp tác xã, 5 hộ kinh doanh cá thể; nếu năm 2009 số lượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc là 76.145 người thì đến năm 2010 đã tăng lên 80.771 người tăng 106% so với năm 2009 trong đó phần đông là người nghèo, dân tộc thiểu số với 50.612 người; trẻ em dưới tuổi là 13.605 người; khối doanh nghiệp nhà nước 3.478 người; khối hành chính sự nghiệp là 1.807 người; người có công là 1.517 người; học sinh sinh viên là 6.113 người; cán bộ hưu trí là 1.580 người…trong khi số lượng người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc đang tăng lên từng năm thì số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện lại có xu hướng giảm năm 2009 đối tượng này là 7.856 người thì sau năm 2010 giảm còn 982 người giảm 12.5%. Theo số liệu thống kê của phòng thống kê huyện thì số người được cấp thẻ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2010 là 81.753 người chiếm tỷ lệ 80.67%. Ngoài ra, việc thu bảo hiểm y tế qua các năm cũng đạt khá, năm 2009 là 12.752.203.000 đồng thì đến năm 2010 đã tăng lên 27.734.584.000 đồng.
Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện trong những năm qua vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Chưa có chế ưu đãi để thu hút các bác sỹ giỏi về công tác tại huyện, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trình độ cao còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của các đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế; đơn giá các dịch vụ y tế theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh khác với đơn giá dịch vụ của liên bộ Y tế - Tài chính ban hành nên rất khó khăn trong việc áp giá và thanh toán; nhiều thủ thuật, phẫu thuật theo quy định không đủ chi phí cho thực hiện chi trả như việc bó bột (chỉ tính riêng tiền bó bột đã mất 300 ngàn đồng trong khi bệnh viện chỉ thanh toán 40 ngàn đồng, một bệnh nhân bị nhiều vết thương đến điều trị chỉ được thanh toán đơn giá một vết thương…) nên dễ xảy ra tình trạng kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc ở ngoài; người bị tai nạn giao thông không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế; một số đơn vị tổ chức đặc biệt là doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động; số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện phần lớn là người có bệnh mãn tính và người có nguy cơ mắc bệnh cao chưa chiếm đa số trong nhân dân; công tác tuyên truyền vận động và hướng dẫn sử dụng thẻ bảo hiểm y yế đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...
Và một số giải pháp 
Đứng trước những khó khăn, thách thức trong việc chỉ đạo thực hiện công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện, trong thời gian đến và những năm tiếp theo huyện tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đối với công tác bảo hiểm y tế coi việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, giúp nhân dân hiểu được quyền lợi, ý nghĩa của việc thực tham gia bảo hiểm y tế, cùng với đó là việc rà soát và có đề xuất để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực các trạm y tế xã nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế đồng thời mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế và quản lý chặt chẽ các hoạt động hành nghề y dược tư nhân đặc biệt quan tâm đến giá thuốc, không để giá thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh cao hơn giá thuốc ngoài thị trường từ đó tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện.
 
Nguyễn Đông