Đi tìm tiếng nói của đá tiền sử

24/07/2015
(GLO)- Giữa những ngày nắng tháng 5 như thiêu như đốt, cái nắng gay gắt của thời tiết lúc giao mùa thật khó chịu, ấy vậy mà có một người vẫn cặm cụi trên khắp các nương rẫy của huyện Chư Prông cả tháng trời, đi tìm tiếng nói từ đá để trả lời cho những câu  hỏi của lịch sử đã chôn vùi cả hàng ngàn năm qua. Xin được chia sẻ với nỗi vất vả nhọc nhằn cũng như những đam mê nghề nghiệp của nhà khảo cổ học trẻ Phan Thanh Toàn.

Phan Thanh Toàn sinh ra và lớn lên trên quê hương miền Tây sông nước, tốt nghiệp cử nhân ngành Khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm công tác trong ngành khảo cổ với chuyên môn nghiên cứu về khảo cổ học tiền sử, Phan Thanh Toàn đã tham gia khảo sát và khai quật khá nhiều di chỉ khảo cổ trên cả nước. Hiện anh cũng là thành viên tham gia, hợp tác nghiên cứu với Viện Dân tộc học và Khảo cổ học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nghiên cứu hang Con Moong (Thanh Hóa) trong 5 năm qua; ngoài ra anh còn tham gia nghiên cứu lập hồ sơ khu quần thể danh thắng Tràng An (đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên-văn hóa của thế giới…).

Nhiều năm trong nghề, có thể nói mảnh đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã mang đến cho anh nhiều cơ duyên. Anh tâm sự, trong 6 năm đầu, anh đã theo các thầy gắn bó với Gia Lai. Chính vùng đất này đã để lại cho anh nhiều câu hỏi lớn: Phải chăng văn hóa tiền sử Gia Lai chỉ bắt đầu từ hậu kỳ Đá mới thôi sao? Điều đó đã thôi thúc anh nhiều lần phải quay trở lại nơi đây. Trong 2 năm qua anh và đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát và bắt đầu có những phát hiện mới mang tính chất đột phá về thời tiền sử ở Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung, đó là những phát hiện mới về con người cách nay hàng trăm ngàn năm với tổ hợp công cụ cực kỳ phong phú (ven đôi bờ sông Ba-An Khê năm 2014). Và phát hiện mới nhất tại suối Ia Me (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) vừa qua cho thấy sự tồn tại của con người cách đây trên dưới 10.000 năm. Từ đó có thể kết luận, cư dân tiền sử Gia Lai không chỉ có mặt từ hậu kỳ Đá mới cách chúng ta 3.000-4.000 năm. Những công cụ lao động mới phát hiện, với những kỹ thuật chế tác đá tinh xảo cho biết chúng thuộc nền văn hóa Hòa Bình, một nền văn hóa khảo cổ đã đặt dấu mốc quan trọng cho sự mở đầu và phát triển rực rỡ của thời kỳ Đá mới, đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều nền văn hóa sau này như văn hóa Bắc Sơn, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn…

Mồ hôi vẫn thấm đẫm trên vai Phan Thanh Toàn trong niềm vui khôn tả của nhà khảo cổ học trẻ luôn hướng tâm mình với đá và chủ nhân của nó. Tự hào với nghề mà anh gọi vui là “người ta tự hào ngước mặt lên để nhìn đời, còn chúng tôi cứ cắm mặt xuống đất để đi tìm lời giải cho đá”, cứ thế anh lại tiếp tục đi đến những miền đất mới...

Nguyễn Thị An