Quá trình hình thành và phát triển huyện Chư Prông

huyen_Chu_Prong.jpg
 
     I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, BIẾN ĐỔI ĐỊA GIỚI
          Huyện Chư Prông ở về phía tây nam của tỉnh Gia Lai, phía bắc giáp thành phố Pleiku và huyện Ia Grai; phía đông, đông nam giáp huyện Chư Sê; phía nam giáp tỉnh Đăk Lăk; phía tây nam giáp huyện Đức Cơ và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia với chiều dài là 42 km.
          Nằm trong tọa độ từ 13°18' đến 13°45' vĩ độ bắc và 107°25' đến 108°06' kinh độ đông. Chư Prông có diện tích tự nhiên là 169.551,56 ha. Dân số của huyện là 110.430 người, trong đó, dân tộc Jrai: chiếm 33%; dân tộc khác: chiếm 14%% dân sô" toàn huyện.
          Là một trong ba huyện biên giới của tỉnh, Chư Prông có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh, địa bàn này là một trong những cửa ngõ giữa Việt Nam - Campuchia được ví như một tiền đồn án ngữ vùng biên giới của tỉnh Gia Lai. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Chư Prông. Tên huyện được đặt theo tên ngọn núi cao nhất vùng “Chư Prông” và là nơi diễn ra trận đánh vang dội năm 1965: Chiến dịch Plei Me, thung lũng Ia Drăng dưới chân núi Chư Prông nằm về phía tây huyện.
          Địa bàn huyện Chư Prông có các trục đường chiến lược 14, 19 chạy qua. Quốc lộ 19 chạy theo hướng đông tây từ cảng Quy Nhơn ngang qua địa phận huyện Chư Prông - Bàu Cạn lên đến cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).
          Hai tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện: Tỉnh lộ 663 nối từ Bàu Cạn, chạy qua địa phận xã Ia Phìn, thị trấn, xã Ia Drăng, Ia Bòng, Ia Púch nối vào quốc lộ 14 tại Phú Mỹ (huyện Chư Sê) có chiều dài khoảng 23 km.
          Tỉnh lộ 665 (trước là tỉnh lộ 675) từ ngã ba Phú Mỹ (huyện Chư Sê - Quốc lộ 14) qua xã Ia Tôr, Ia Pia, Ia Ga, Ia Mơr tiếp giáp với Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới, có chiều dài khoảng 60 km.
          Ngoài ra, huyện có hệ thông đường giao thông liên xã đến tận trung tâm các xã với 15 tuyến có chiều dài khoảng 250 km.
          Vùng đất Chư Prông ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính.
          Thời kỳ trước 1945, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định (ngày 24-5- 1932) thành lập tỉnh Pleiku bao gồm phần đất phía nam tỉnh Kon Tum. Vùng đất Chư Prông thuộc tỉnh Pleiku, gồm hai huyện Chư Ti và Pleikli.
          Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1954: Huyện Chư Ti và Pleikli (thuộc địa bàn huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ ngày nay) được chính quyền thực dân thành lập. Ranh giới huyện Chư Ti bao gồm vùng dất từ Đức Cơ xuống đến phía tây Plei Me. Ranh giới huyện Pleikli từ Plei Me kéo dài sang đông đường 14.
          Từ 1954 - 1975: Chính quyền Sài Gòn vẫn lấy tên tỉnh là Pleiku. Ngày 22-12-1959, tỉnh Pleiku chia thành 3 quận: Lệ Trung, Lệ Thanh và Phú Nhơn. Địa bàn huyện Chư Ti dưới thời Pháp thuộc được đổi thành quận Lệ Thanh, gồm 3 tổng, 24 xã, trong đó có 4 xã người Kinh và 20 xã người dân tộc Jrai. Huyện Pleikli thuộc quận Phú Nhơn, gồm 4 tổng và 9 xã người dân tộc Jrai.
          Về phía ta, sau Hiệp định Giơnevơ 1954, tỉnh Gia Lai chia thành 9 khu (tương đương huyện, thị). Các khu từ khu 1 đến khu 7 là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu 8 là vùng Kinh ở An Khê. Khu 9 là thị xã Pleiku và các đồn điền, vùng phụ cận. Khu 5 là vùng đồng bào dân tộc phía tây đường 14 (thuộc địa bàn huyện Chư Prông, một phần huyện Đức Cơ và tây huyện Chư Sê ngày nay) và phía nam đường 19 kéo dài.
          Tháng 7-1960, do yêu cầu của công tác lãnh đạo phong trào, khu 4 và khu 5 phía tây đường 14 được sáp nhập thành khu 45. Đến giữa năm 1961, khu 45 được giải thể, tách ra thành hai khu 4 và 5 như cũ.
          • Năm 1975 sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TVV ngày 20-9-1975, hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, sáp nhập các khu trước giải phóng thành huyện lớn. Khu 5 được đổi thành huyện Chư Prông.
          Trong thời kỳ xây dựng và phát triển, địa giới hành chính của tỉnh và các huyện tiếp tục có sự thay đổi do tách nhập và thành lập huyện mới.
          Ngày 17-8-1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 34-HĐBT tách 7 xã của huyện Chư Prông là Ia Giai, Ia H'lốp, Ia Blang, Ia H'rú, Ia Ko, Ia Le, Nhơn Hòa và 5 xã của huyện Mang Yang là Ia Tiêm, Bơ Ngong, Albă, Dun và Hơ Bông để thành lập huyện Chư Sê.
          Ngày 12-8-1991, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Sau khi tách tỉnh, huyện Chư Prông là 1 trong 10 đơn vị hành chính của Gia Lai.
          Ngày 15-10-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 315-HĐBT, tách diện tích đất đai và dân số 4 xã Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Lang, Ia Kriêng của huyện Chư Prông và 4 xã Ia Krêl, Ia Dơk, Ia Kla và Ia Dom của huyện Chư Pah, thành lập huyện Đức Cơ. Huyện Chư Prông lúc này còn lại 15 xã, thị trấn.
          Ngày 13-5-2002, theo Nghị định số 54/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Chư Prông được thành lập thêm xã mới Ia Ga, Ia Piơr, Ia Drăng, trên cơ sở điều chỉnh diện tích và nhân khẩu của xã Ia Pia và Ia Lâu, Thăng Hưng, Bình Giáo và Ia Bòng.
          Ngày 17-4-2008, theo Nghị định số 46/2008/NĐ-CP của Chính phủ, xã Ia Kly và Ia Bang được thành lập trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị trấn Chư Prông, xã Ia Tôr và xã Ia Vê.
Đến nay, toàn huyện Chư Prông có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị trấn Chư Prông và các xã Ia Drăng, Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Ga, Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Me, Ia Bòong, Ia Mơr, Ia O, Ia Púch, Ia Phìn, Ia Băng, Ia Vê, Ia Tôr, Ia Kly, Ia Bang và Ia Pia, với 180 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 117 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thị trấn Chư Prông là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.
          II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN
          Chư Prông thuộc cao nguyên Pleiku. Địa hình này có dạng vòm, đỉnh ở Chư Hdrung (Hàm Rồng) có độ cao 1.028m, quốc lộ 14 phân chia cao nguyên thành hai phần: sườn đông và sườn tây. Địa bàn huyện Chư Prông nam ở sườn tây, có độ cao trung bình từ 700 - 800m, giảm dần về phía tây nam còn khoảng 200 - 300m.
          Nền địa chất của vùng cao nguyên Pleiku tương đối đồng nhất, chủ yếu là đá bazan màu xám đen. Do bazan có cấu trúc dạng khôi nên rất dễ bị phá hủy và tạo nên lớp vỏ, phong hóa dày, hình thành trên nó lớp đất dày, tơi xốp, màu mỡ. Cách đây hàng triệu năm, do sự chuyển động của kiến tạo vỏ trái đất, dẫn đến hoạt động mạnh của núi lửa, phun ra các lớp nham thạch, tạo nên bề mặt cao nguyên lớp bazan dày vài chục mét màu mỡ.
          Hệ thông núi ở Chư Prông thuộc dãy Chư Djú, độ cao thấp dần về phía tây nam đến giáp biên giới Campuchia. Đỉnh cao nhất là Chư Prông 732m nằm về phía tây nam huyện. Ngoài ra còn có các dãy núi quanh vùng có độ cao trung bình trên dưới 500m.
          Đất đai Chư Prông chủ yếu là loại đất feralit nâu đỏ, nâu vàng trên đá bazan và đen xám. Thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét ít, chứa hàm lượng limom và cát mịn cao, mùn nhiều ở tầng mặt, giàu chất lân và kali phù hợp với các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn và dài ngày như đậu đỗ các loại, mè, lạc, chè, cao su, cà phê, hồ tiêu... Diện tích đất tự nhiên của huyện là 169.551,56 ha. Trên địa bàn huyện có các cơ sở kinh tế quốc doanh như Công ty cao su Chư Prông, Nông trường chè Bàu Cạn, nông trường cà phê Ia Phìn... Những đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn đồng bào Jrai phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế trong vùng.
          Do địa hình nghiêng dần từ hướng đông bắc xuống tây nam nên hệ thống suối trong huyện đều đổ về phía tây nam. Suối Ia Drăng, Ia Lốp chính là các nhánh của sông Sêrê Pok ở phía tây nam tỉnh bắt nguồn từ phía tây dãy Hdrung. Lưu vực chiếm toàn bộ diện tích huyện Chư Prông và một phần phía tây huyện Chư Sê tạo nên vùng trũng Ia Lâu, Ia Mơr. Suối Ia Drăng chảy từ địa phận xã Ia Phìn, qua thị trấn, xã Ia Drăng, Ia Bòong, Ia Púch đổ về phía huyện Đức Cơ. Suối Ia Lốp chảy từ xã Ia Lâu, qua Ia Piơr sang địa phận tỉnh Đăk Lăk. Ngoài ra, còn có các suối khác như suối Ia Púch chảy từ vùng Bàu Cạn, qua các xã Bình Giáo, Ia Drăng, Ia o, Ia Púch về hội tụ tại suối Ia Drăng thuộc địa phận xã Ia Púch. Suối Ia Mơr bắt nguồn từ vùng xã Ia Băng, qua Ia Tôr, Ia Kli, Ia Bòng, Ia Me, Ia Ga và Ia Mơr. Do bắt nguồn từ vùng đồi núi trọc, nên lượng sinh thủy ít, nhưng vì nằm trong vùng mưa lớn của tỉnh nên đó chính là nguồn cung cấp nước quan trọng cho huyện Chư Prông và Chư Sê.
          Hồ Hoàng Ân thuộc địa phận xã Ia Phìn có diện tích khoảng 43,69 ha... cũng là nguồn tài nguyên nước quan trọng cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ sản xuất cho nhân dân trong vùng, đồng thời còn là nguồn cung cấp năng lượng cho các đập thủy điện Ia Drăng 1, Ia Drăng 2 (công suất 1.200KW), Ia Drăng 3, Ia Mơr, Ia Púch, Ia Hlốp.
          Khí hậu Chư Prông mang đặc tính chung của khí hậu vùng cao nguyên Pleiku. Nhiệt độ trung bình 21,6°c. Chênh lệch nhiệt độ trung bình của các tháng trong năm không lớn (tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất trên dưới 5°C). Tháng nóng nhất là tháng 5, nhiệt độ 23,8°C; tháng nhiệt độ thấp nhất là tháng giêng đạt 18,6°c. Biên độ nhiệt dao động trong năm là 5,2°c.
          Nằm trong vùng khí hậu của Tây Nguyên, Chư Prông có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa hàng năm bắt đầu từ tháng 5, đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11, kết thúc vào tháng 4 năm sau. Với thời gian 6 tháng mùa mưa kéo dài trong năm nên lượng mưa trên địa bàn chiếm 90% và có độ ẩm khá cao. Trong khi đó vào mùa khô do lượng mưa thấp, độ ẩm giảm, bên cạnh đó chế độ gió đông và đông bắc thổi mạnh nên lượng bốc hơi nước lớn, thường thiếu nước, gây khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
          Do thuộc vùng cao nguyên Pleiku nên chế độ gió vùng Chư Prông cũng chịu ảnh hưởng gió mùa khu vực Đông Nam Á và thay đổi theo từng mùa. Mùa khô (đông) gió đông bắc, mùa mưa (hè) hướng chủ yếu là gió tây và tây nam. Vào mùa khô, gió tây khô nóng đã ảnh hưởng đến độ ẩm, nên thường gây hạn hán.
Diện tích rừng tự nhiên của huyện chiếm 100.618,04 ha. Rừng và thảm thực vật thuộc hệ rừng nhiệt đới ẩm rụng lá savan, cây bụi thứ sinh với các loại quần thể dẻ, săng lẻ, cẩm liên.
          Tài nguyên khoáng sản của huyện chủ yếu là khoáng hóa bôxit tập trung ở khu vực Thanh Giáo, Bàu Cạn, Plei Me.
          Địa bàn huyện Chư Prông còn có các danh lam thắng cảnh phục vụ cho ngành du lịch như thác Sung Queng thuộc địa phận xã Ia Drăng cách trung tâm thị trấn khoảng 10 km. Thác thủy điện thuộc xã Bàu Cạn cách trung tâm thị trấn 15 km, thác làng Gà thuộc xã Ia Bòng... là những điểm có khả năng thu hút du lịch sinh thái của huyện.
          Vùng đất Chư Prông còn gắn liền với địa danh thung lũng Ia Drăng - Plei Me đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, cách trung tâm thị trấn từ 15 đến 25 km. Tại đây, năm 1965 từng ghi dấu chiến công vang dội của bộ đội Quân khu V, B3 và lực lượng địa phương trong trận đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, tiêu diệt Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 2 Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ. Chiến thắng thung lũng Ia Drăng và chiến dịch Plei Me đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân Mỹ. Năm 2009, địa danh Plei Me đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngoài ra, làng Bak thuộc xã Ia Phìn (E5) còn có chứng tích về tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc thảm sát đồng bào Jrai năm 1962. Đảng bộ và nhân dân huyện Chư Prông đã đặt bia tưởng niệm 162 người dân đã bị địch giết hại tại cuộc thảm sát này.
          III. ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI
          Trên địa bàn huyện có 18 thành phần dân tộc sinh sống, đó là Kinh, Jrai, Bahnar, Tày, Thái, Nùng, Mường, Hoa, K'Ho, Dao, Sán Chỉ, Sán Chay, Sán Dìu, H'Mong, Xê Đăng, Stiêng… Trong đó chiếm số lượng đông nhất là dân tộc Kinh đến cư trú đầu tiên ở vùng đất Chư Prông vào những năm đầu thế kỷ XX (chiếm 53% dân số toàn huyện), tiếp đến là dân tộc Jrai, cư dân bản địa có nguồn gốc lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này, chiếm 33% dân số trên địa bàn.
          Từ năm 1909 đến 1945, thực dân Pháp ra sức chiếm đất đai lập đồn điền, khai thác tài nguyên ở nước ta. Tại Pleiku, chính quyền thực dân đã lập nên 14 đồn điền và Sở thí nghiệm với tổng diện tích hàng vạn hécta. Đồn điền Bàu Cạn thuộc Công ty nông nghiệp chè và cà phê Kon Tum - An Nam (CATECKA) được thành lập năm 1923, chủ yếu trồng chè và một số diện tích trồng cà phê.
          Đi đôi với chiếm đất đai, lập đồn điền, thực dân Pháp tăng cường chiêu mộ nhân công. Hàng ngàn nông dân nghèo bị mất đất, bị bần cùng hóa do chính sách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến từ các tỉnh đồng bằng miền Trung bị đưa lên làm công nhân trong các đồn điền chè, cà phê và công nhân lục lộ trên các công trường làm đường 14, 19, Chư Ti - Thanh Bình. Người Kinh sông tập trung tại các khu Bàu Cạn, Nước Đổ, Sở số 2 (Thông Phương)... và xen cư với đồng bào dân tộc ở một số vùng. Ngoài ra, còn hình thành một số điểm dân cư ở Thanh Bình, Phú Mỹ, Mỹ Thạch. Đồn điền Bàu Cạn vào năm 1925 đã có khoảng 1.500 công nhân thường xuyên làm việc. Đây là những công nhân người Kinh đầu tiên lên sinh sống tại Chư Prông, có vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền từ tự phát đến tự giác chống chế độ cai trị của thực dân, phong kiến.
          Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Ở Tây Nguyên từ năm 1957 - 1962, Mỹ - Diệm ráo riết thực hiện chính sách chiếm đất lập dinh điền. Trên địa bàn Chư Prông, 11 điểm dinh điền được thành lập. Cùng với việc lập dinh điền là các đợt cưỡng ép dân nghèo, những người có gia đình tham gia kháng chiến và đi tập kết từ các tỉnh đồng bằng miền Trung lên. Người Kinh bị đưa lên các dinh điền đã làm cho số người Kinh ở địa phương ngày càng tăng.
          Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, huyện Chư Prông tiếp nhận đồng bào từ các tỉnh phía Bắc vào xây dựng quê hương mới, trong các nông trường và số dân di dân tự do. Chính sách xây dựng kinh tế mới đã làm cho cơ cấu dân cư của huyện thay đổi lớn. Đến đầu năm 2009, số người Kinh chiếm 50,02% dân số toàn huyện, cư trú ở khu trung tâm thị trấn và các xã.
          Người Kinh đến định cư ở Chư Prông đã mang đến vùng đất mới những nét văn hóa riêng của mình, có tác động lớn đến đời sống văn hóa của người bản địa. Ngoài những tác động về văn hóa vật chất, đó là phương thức canh tác nông nghiệp tiên tiến, còn có những tác động lớn đến văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây.
          Dân tộc Jrai là cư dân bản địa sinh sống lâu đời ở vùng đất Chư Prông, thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Malayo- Polinesien). Dân tộc Jrai Chư Prông thuộc nhóm người Jrai Tbuăn và Jrai Hdrung. Nhóm Jrai Tbuăn (Pnôn) tập trung chủ yếu ở phía tây huyện. Nhóm Jrai Hdrung tập trung chủ yếu ở vùng nửa phía đông của huyện Chư Prông. Mang tên Hdrung do bộ phận đầu tiên của nhóm này từng tụ cư sinh sống ở quanh vùng núi Chư Hdrung (Hàm Rồng), nằm ở ngã ba quốc lộ 14 và 19, cách thành phố Pleiku 11km về phía đông nam. Nhóm này do gần đường quốc lộ nên có điều kiện trong việc tiếp thu, giao lưu văn hóa với đồng bào Kinh.
          Là bộ phận dân cư chiếm số lượng đông sau người Kinh, đồng bào Jrai ở Chư Prông có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng bộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào dân tộc Jrai Chư Prông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Mảnh đất Chư Prông sinh ra những anh hùng đã đi vào trang sử của dân tộc: Anh hùng lực lượng vũ trang Kpui Thu, Kơpă Klơng, nữ anh hùng Kpă Ó... Phát huy truyền thông cách mạng, từ sau ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào dân tộc Jrai đã đoàn kết cùng các dân tộc anh em cùng sinh sông trên địa bàn chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương.
          Ngoài ra, một số đồng bào các dân tộc khác được phân bố rải rác ở các xã trên địa bàn của huyện như dân tộc Mường ở Ia Lâu, Ia Mơr.
          IV. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
          Chư Prông là địa bàn đã có cư dân cư trú lâu đời. Những kết quả khảo cổ học trên vùng đất Chư Prông, Gia Lai đã chứng minh điều đó. Những năm đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học của người tiền sử. Năm 1956, trong tập san Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), B.F.Lafon, nhà nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ học người Pháp đã công bố kết quả phát hiện các di chỉ của cư dân thời tiền sử, trong đó có di chỉ Ia Púch trong đợt khảo sát dân tộc học tháng 11-1953 đến tháng 6-1954. Tại di chỉ Ia Púch, trong quá trình đào đất làm đập thủy điện ở suối Ia Púch, công nhân đồn điền CATECKA người dân tộc Jrai đã thu thập được gần 200 rìu bôn có vai bằng đá Silic và Phtanite, được mài nhẵn với nhiều mảnh gốm thô và mộ chum của cư dân thời đại đồ đá mới.
          Trong những năm chống Mỹ, những dấu tích của người Việt cổ được phát hiện khi các chiến sĩ quân giải phóng thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) đào hầm hào đã phát hiện một số công cụ bằng đá thời tiền sử: rìu, đồ gốm ở vùng đất Chư Prông. Số hiện vật này đã được gìn giữ và chuyển về Viện Khảo cổ học. Tháng 3-1974, qua chuyến khảo sát của các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam đã xác định 2 điểm di tích tiền sử mới, đó là di tích Ia Gama phía bắc huyện Chư Prông giáp biên giới Campuchia (nay thuộc xã Ia Púch, huyện Chư Prông) và Plei Chư Klan gần đường 14 (sau thuộc về địa bàn huyện Chư Sê). Hiện vật được phát hiện ở các di tích này là những chiếc rìu đá có vai và mảnh gốm. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng các di tích này về cơ bản giống nhau qua một số đặc trưng trang trí trên mảnh đồ gốm và hình dáng rìu bôn có vai. Từ đó có cơ sở xác định sự tồn tại của "văn hóa Biển Hồ" thuộc giai đoạn cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời đại đồ đồng cách đây 4.000 năm ở vùng đất Chư Prông.
          Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), một số di chỉ khảo cổ học tiếp tục được phát hiện. Năm 1984, phát hiện di tích Plei Bò bên bờ Suối Ia Yak gần thị trấn Chư Prông. Năm 1993, phát hiện thêm các di chỉ ở thôn 7 bên bờ Suối Ia Bo, nhánh của suối Ia Púch (thị trân Chư Prông), hồ 14 thuộc đội 3, nông trường chè Bàu Cạn cùng với các di chỉ được phát hiện và đã được khai quật như Biển Hồ, Trà Dôm (Pleiku), Plei Gran và Pleikli Phun, xã Nhơn Hòa (nay thuộc Chư Sê).
          Tuy nằm ở về sườn tây của cao nguyên Pleiku, nhưng những hiện vật đá và đồ gốm tìm thấy được ở Chư Prông giống với các di chỉ ở sườn phía đông (Biển Hồ, Trà Dôm), thể hiện ở địa điểm di tích cùng tồn tại vết tích cư trú, trình độ kỹ thuật cao về ghè đẽo, mài đá và chế tác công cụ đá, đồ trang sức và đồ gốm. Các điểm di chỉ trên địa bàn huyện Chư Prông và các nơi khác trong tỉnh chứng tỏ trên cao nguyên Pleiku là vùng đất được các tập đoàn cư dân cổ định cư sinh sống, mang đặc trưng nền văn hóa Biển Hồ - di chỉ đầu tiên được phát hiện và khai quật ở Tây Nguyên. Qua vết tích bề dày của tầng văn hóa và khối lượng lớn các công cụ lao động rìu đá, các hiện vật đồ gốm, dụng cụ đánh cá, chứng tỏ có hoạt động trồng trọt của cư dân cổ sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, ngoài săn bắt và hái lượm trên cao nguyên đất đỏ bazan.
Văn hóa truyền thông: Mỗi dân tộc thiểu số có truyền thông văn hóa riêng, độc đáo và phong phú. Văn hóa truyền thông của đồng bào dân tộc Jrai Chư Prông mang nét văn hóa chung - văn hóa cổ của vùng Đông Nam Á, đậm bản sắc dân tộc cao nguyên. Qua quá trình phát triển lịch sứ, văn hóa, Chư Prông đã cỏ sự giao thoa với văn hóa truyền thông của các dân tộc từ các vùng miền đến sinh sồng, lập nghiệp, tạo nên nhừng nét văn hóa riêng trong nền văn hóa Việt Nam.
          Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai Chư Pông mang nét chung của nhóm dân tộc Jrai trong tỉnh. Đặc trưng của văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Jrai Chư Prông cũng như các dân tộc trên cao nguyên là sinh hoạt cộng đồng, nó chi phối mọi hoạt động của từng cá nhân và toàn bộ tộc. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Jrai rất đa dạng, phong phú và giàu tính nhân văn. Các giá trị văn hóa được thể hiện qua tổ chức cộng đồng làng, kiến trúc nhà cửa, tượng nhà mồ, văn hóa dân gian truyền khẩu và những áng sử thi, âm nhạc truyền thống, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, âm nhạc, cồng chiêng...
          Đồng bào sông quần cư thành từng làng ở gần nguồn sông, suối để thuận tiện cho sinh hoạt và canh tác. Tên làng gắn với tên nguồn nước hoặc người lập nên làng. Cấu trúc nhà sàn theo hướng bắc - nam, cửa mở đầu hồi gần như là một quy định và các nhà sàn dều được dựng gần nhau tạo sự gần gũi trong cộng đồng. Đồng bào Jrai Chư Prông có nhà rông, một công trình kiến trúc thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của vùng Tây Nguyên. Mái nhà mang hình lưỡi rìu cao vút tượng trưng cho sự ngay thẳng, ý chí vươn lên chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự xâm nhập của các thế lực bên ngoài của đồng bào dân tộc nơi đây. Ngôi nhà Rông chính là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức các dịp tế lễ thần linh, lễ hội, xử phạt theo luật tục và cũng là nơi lưu giữ những vật thiêng của dòng họ, cộng đồng.
          Khu vực làng luôn gắn với vùng đất canh tác và khu dành cho những người đã chết. Những khu nhà mồ là nơi thể hiện rõ nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng những người đang sống đối với người đã chết, thông qua lễ bỏ mả, cấu trúc nhà mồ và tượng nhà mồ.
          Nghệ thuật tạo hình, điêu khắc dân gian của đồng bào dân tộc Jrai Chư Prông có lịch sử lâu đời và phát triển khá cao thể hiện qua những nét chạm trổ hoa văn trang trí, trên tượng nhà mồ độc đáo, những tượng đàn ông, tượng đàn bà, tượng mẹ bồng con, chim thú, khỉ hai mặt. Tuy đường nét điêu khắc rất đơn giản, thô phác nhưng rất sống động, phản ảnh những hoạt động của cộng đồng đối với người đã chết.
Nghề thủ công của đồng bào cũng rất phát triển thể hiện qua công trình kiến trúc nhà rông, nhà sàn. Với cồng cụ thô sơ là chiếc rìu nhỏ, những ngôi nhà rông cao vút được dựng lên, những ngôi nhà sàn ngắn, dài hình thành với hàng rui mè là những cây gỗ dài hàng chục mét đứng vững vàng trước các mùa mưa bão của vùng cao nguyên. Sự khéo léo của đôi bàn tay những nghệ nhân bản địa tài hoa thể hiện qua hoa văn trang trí trên mái nhà, sự trang trí tấm đan lót mái tranh, liếp vách, đầu hồi, những nét chạm trổ điêu khắc độc đáo trên cột nhà, cầu thang; cây nêu trong lễ hội, những chiếc gùi của mỗi dân tộc.
          Ngoài ra, những đường nét hoa văn trang trí trên thổ cẩm, trang phục truyền thống váy, áo, khố, tấm choàng và những trang sức đeo tai, vòng cổ, vòng tay cũng đã khắc họa nét văn hóa riêng biệt của cư dân vùng này.
Trang phục truyền thông của người Jrai Chư Prông được dệt bằng thổ cẩm với kiểu cách đơn giản. Đàn ông để khố (toai), có lúc mặc áo hoặc khoác tấm choàng (aban). Phụ nữ mặc váy quấn tấm (eng) với áo chui không cổ. Màu trang phục của người Jrai Hdrông chủ yếu là màu đen, có sọc vàng nhỏ xen kẽ. Dải hoa văn trang trí trắng, đen, đỏ tươi nên thường sặc sỡ hơn trang phục của nhóm Jrai khác, mô típ hoa văn chân rết, ô trám, hình người dắt nhau...
          Trang phục nhóm Jrai Tbuăn thường màu chàm ngả đen, không có hoa văn sặc sỡ và phức tạp, thường là các màu xanh, đen, xanh đỏ vàng.
          Chiếc gùi cũng là nét văn hóa riêng của đồng bào Jrai nơi đây, có mặt trong cuộc sông sinh hoạt của con người với nhiều loại và kiểu dáng khác nhau, và được sử dụng vào những mục đích sinh hoạt khác nhau: gùi có nắp dùng để đựng các vật quý như váy, áo, đồ trang sức, gùi đi rẫy có độ bền chắc, gùi lấy nước... Những chiếc gùi là sản phẩm đan lát của cư dân vùng cao nguyên Pleiku nói chung và Chư Prông nói riêng đều mang giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng, thể hiện nét đẹp trong cuộc sống và văn hóa của người dân.
          Đồng bào Jrai Chư Prông có nền văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú và độc đáo. Cũng như các cộng đồng dân tộc sinh sống trên cao nguyên Pleiku, dân tộc Chư Prông đều ưa thích âm nhạc, với nghệ thuật văn hóa cồng chiêng địa phương. Trong các làng đều lưu giữ các công cụ nhạc khí. Nhạc cụ dân gian của đồng bào đều được chế tác bằng chính nguyên liệu của núi rừng: đá, tre, nứa, gỗ.
          Cồng chiêng là nhạc cụ mang đậm tính văn hóa cộng đồng, gắn với đời sống sinh hoạt và đời sống tâm linh của làng. Chiêng được dùng theo bộ, gắn với vòng đời một con người từ lúc sinh ra đến lúc về với ông bà tổ tiên. Do vậy tiếng cồng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng và của từng cá nhân mỗi người, trong lễ mừng chiến thắng, mừng lúa mới, tạ thần linh trời đất, đến lễ thổi tai, trưởng thành và bỏ mả... Tiếng cồng vang lên trong những lúc vui và cả những khi gia đình, cộng đồng có chuyện buồn, bên cạnh ghè rượu cần. Cồng chiêng biểu đạt tình cảm, tâm tư, khát vọng của con người, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn người dân cao nguyên đầy tính trữ tình và khát vọng tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sồng. Ngoài chức năng nhạc cụ, cồng chiêng còn là vật linh của gia đình và cộng đồng. Ngày 25-11-2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cồng chiêng của dân tộc Jrai Chư Prông cũng có những đóng góp to lớn trong kho tàng văn hóa phi vật thể của nhân loại.
          Ngoài ra, kho tàng văn học dân gian của đồng bào Jrai Chư Prông còn phải kể đến sử thi, truyện cổ, nói vần, kể khan, ca dao... được lưu truyền trong cộng dồng. Văn học dân gian còn gọi là văn chương truyền miệng, là nền tảng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Jrai. Luật tục không được ghi thành văn nhưng được ghi nhớ và thực hiện trong cộng dồng, đó chính là kho tàng tri thức của người dân bản địa rút ra từ kinh nghiệm thực tế phong phú trong dân gian truyền miệng độc đáo và là di sản văn hóa của mỗi dân tộc. Luật tục đều được diễn đạt theo thể văn vần giàu hình tượng, phản ảnh mọi mặt xã hội của các dân tộc trên vùng đất cao nguyên cổ xưa, quy định cụ thể về mối quan hệ giữa cộng đồng, trách nhiệm con cái với cha mẹ, luật đất đai, hình thức xử phạt... và được lưu giữ trong cộng đồng cho đến ngày nay.
          Ngoài truyện cổ, nói vần, đồng bào Jrai còn có thể loại trường ca - sử thi (thể loại hát kể có vần, có điệu, kể khan), văn vần dài hàng ngàn câu. Có thể coi là biên niên sử của các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi làng đều có từ một đến hai nghệ nhân thuộc lòng những câu chuyện kể, thường thu hút đông người nghe vào những dịp nông nhàn, mừng múa mới hoặc mùa mưa dầm. Các dịp lễ hội cũng chính là những dịp để cộng đồng tập trung nghe kể khan hàng đêm. Nghệ thuật múa (soang), hát nói cũng là đặc trưng của dân ca Tây Nguyên, phản ánh những hoạt động trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
          Trong đời sống của người dân Jrai Chư Prông, tín ngưỡng luôn tồn tại, do nhận thức và vì không lý giải được những hiện tượng bí ẩn của trời đất, nên trong ý thức của đồng bào đã hình thành quan niệm các thần linh ngự trị khắp nơi. Nhận thức của đồng bào cũng giản đơn, lễ nghi đầy đủ để được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nói chung, mọi nghi lễ của người dân đều gắn với nông nghiệp. Mỗi vị thần linh (Yang) đều có ý nghĩa quan trọng, tác động và chi phối mọi mặt cuộc sống của con người: thần núi, thần sông, thần bến nước, thần nhà, thần làng... Trong môi trường sông với rừng núi, thiên nhiên khắc nghiệt, quan niệm về thần linh của cư dân đã giúp họ vươn lên để tồn tại, do vậy mà những tập quán, tín ngưỡng của đồng bào vẫn được duy trì cho đến nay.
          Lễ hội cổ truyền của cư dân bản địa rất phong phú, gắn với cuộc sống sinh hoạt và sản xuất với hai lễ hội chính: lễ vòng cây trồng (chu kỳ canh tác nương rẫy) và lễ vòng đời người. Hầu hết các lễ nghi của cư dân Chư Prông đều gắn với sản xuất nông nghiệp theo từng chu kỳ canh tác, từ lúc chọn đất, đốt phát rẫy, trỉa hạt, trừ sâu bọ, đến cầu mưa thuận gió hòa, mừng thu hoạch lúa mới và liên quan đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng như lễ mừng nhà mới, lễ cúng bến nước...
          Truyền thống văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng của đồng bào Chư Prông mang nét đặc trưng riêng, độc đáo của vùng đất phía tây nam tỉnh Gia Lai, nhưng không tách rời và có sự thống nhất trong bản sắc văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và văn hóa Việt Nam. Văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai cũng có tác động nhất định đến đời sống của dân tộc Kinh khi họ lên sinh sống lập nghiệp ở cao nguyên. Từ sau ngày giải phóng 30-4-1975, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương được quan tâm gìn giữ và bảo tồn. Lược bỏ những mặt hạn chế trong những phong tục, tín ngưỡng lạc hậu thì những yếu tố tích cực, những nét tiêu biểu, đặc trưng của nền văn hóa cổ mang đậm bản sắc dân tộc bản địa vùng Chư Prông cần luôn được lưu giữ và truyền tụng, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của tỉnh và cả vùng cao nguyên này.
          Trên địa bàn Chư Prông có 4 tôn giáo hoạt động: Đạo Phật chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào Kinh. Tín đồ Phật giáo là nhân dân lao động từ các tỉnh đồng bằng lên sinh sống lập nghiệp. Huyện có 9 ngôi chùa tập trung ở các xã Thăng Hưng, Bình Giáo, Ia Băng, Ia Drăng và Bàu Cạn. Đồng bào theo đạo Phật đều có chung một nguyện vọng được sống trong tự do, độc lập, xây dựng cuộc sông ấm no hạnh phúc, gắn việc đạo với việc đời, cùng chung tay xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
          Thiên Chúa giáo tập trung chủ yếu ở các xã Thăng Hưng, Bình Giáo, thị trấn, Ia Băng, Ia Phìn, Ia Băng và Ia Drăng, có 4 nhà thờ ở các khu xứ. Tổ chức đạo Thiên Chúa giáo Chư Prông hoạt động trong tổ chức đạo Thiên Chúa của tỉnh thuộc Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam. Dưới sự vận động tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể địa phương, các tín đồ Thiên Chúa giáo Chư Prông chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt mọi nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, luôn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đao.
          Tín đồ theo đạo Cao Đài ở huyện ít, chủ yếu tập trung ở các xã Thăng Hưng, Bình Giáo, Bàu Cạn.
          Các tín đồ, giáo dân phần lớn hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng và không tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quần chúng đều tích cực tham gia trong các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thông nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục phát huy truyền thống đó trong thời kỳ xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước từ sau 1975 đến nay.
          V. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC, ĐẤU TRANH CHỐNG ÁP BỨC
          Nhân dân các dân tộc Chư Prông có truyền thông yêu nước từ bao đời. Trong quá trình phát triển của lịch sử, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và chống lại quá trình xâm nhập của các thế lực ngoại bang, đồng bào các dân tộc Chư Prông đã đoàn kết bên nhau vượt qua muôn vàn khó khăn cùng đấu tranh bảo vệ quê hương, thôn làng để tồn tại và phát triển.
          Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đồng bào dân tộc huyện Chư Prông cùng với đồng bào các vùng đã liên tiếp nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào nổ ra tự phát từ một làng, lan đến nhiều làng chống các cuộc hành quân càn quét, chiếm đất lập đồn điền, chông bắt lính, đi xâu, chống sưu thuế... Các cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương chứng tỏ truyền thống yêu quê hương, ý thức độc lập dân tộc, kiên quyết đứng lên đấu tranh chống lại bè lũ cướp nước và bán nước để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ dân tộc mình.
          Từ năm 1930, dưới sự lãnh của Đảng, Bác Hồ, phong trào cách mạng trong cả nước diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt nhằm mục tiêu đánh đuổi đế quốc, thực dân xâm lược, đánh đổ phong kiến tay sai, giành độc lập cho đất nước, giành tự do cho dân tộc. Ảnh hưởng của phong trào cách mạng cả nước lan đến tỉnh và huyện Chư Prông. Trong các đồn điền, đảng viên đi vô sản hóa đến, tổ chức ra các hội ái hữu, cứu tế, công hội đỏ và lãnh đạo công nhân đấu tranh chông chủ sở, cai đồn điền, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
          Từ tháng 5 đến tháng 7-1930 tại đồn điền Bàu Cạn đã nổ ra nhiều cuộc đình công của công nhân đồn điền chống chủ sở, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sự cai trị hà khắc của cai, xếp, đòi dân sinh, dân chủ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hà Phú Hương (Hà Thế Hạnh) một đảng viên từ Huế đi "vô sản hóa" vào đồn điền làm công nhân và tổ chức "Công hội đỏ". Ảnh hưởng của các cuộc đình công lan rộng sang các đồn điền lân cận. Phong trào đấu tranh đi từ mục tiêu kinh tế đến mục tiêu chính trị có ảnh hưởng lớn đến nhân dân trong vùng.
          Tháng 10-1939, công nhân làm đường 19 đoạn Chư Ti - Thanh Bình đã đấu tranh quyết liệt với chủ sở đòi tăng lương, giảm giờ làm, nâng khẩu phần ăn, phản đối việc cho ăn gạo mục, cá khô. Cuộc đâu tranh kéo dài hơn một tuần. Tên chủ sở lục lộ đã đưa một trung đội lính đến để đàn áp, làm 1 công nhân bị chết, 7 người bị thương, đã tạo nên làn sóng căm phẫn cao độ trong công nhân. Công nhân đồn điền Bàu Cạn hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân làm đường Chư Ti - Thanh Bình đã tổ chức đình công nhằm đưa lương thực, thực phẩm ra đường 19 để tiếp tế cho công nhân trên công trường.
          Trong suốt quá trình lịch sử đâu tranh chống kẻ thù xâm lược, nhân dân các dân tộc trong huyện, đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc Jrai luôn phát huy truyền thông đoàn kết, đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, thôn làng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương, một lòng tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước.

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN