TÁI CANH CÀ PHÊ – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Ở CHƯ PRÔNG

04/02/2020
Đề án tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 đã đi được 2/3 chặng đường nhưng công việc vẫn còn ngổn ngang khi diện tích cà phê già cỗi vẫn tăng, năng suất, chất lượng sản phẩm chậm được cải thiện, giá cả bấp bênh đã khiến những người trồng cà phê gồng mình nếm “giọt đắng”, từ thực trạng trên để ổn định diện tích cây cà phê hiện có UBND huyện Chư Prông đã và đang chỉ đạo nhân dân thực hiện tái canh cây cà phê trên địa bàn toàn huyện. 

Thực hiện Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT ngày 21/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020; ngày 11/6/2015, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 338/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, kế hoạch giai đoạn 2015 -2020, tỉnh Gia Lai trồng tái canh 13.363 ha và ghép cải tạo 57 ha. Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy trình trồng tái canh cà phê vối, ngày 05/9/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 587/QĐ-UBND, ban hành Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, thay thế Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 11/6/2015. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh trồng tái canh 13.610 ha và ghép cải tạo 50 ha.
 
Ảnh: Cây cà phê – Cây xóa đói giảm nghèo của người nông dân
 
Theo Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2016 -2020 đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, tính đến ngày 30/6/2019 toàn huyện Chư Prông đã thực hiện tái canh được 1.729,6 ha, đạt 124,6% so với kế hoạch trồng tái canh cà phê giai đoạn 2016 – 2019 (kế hoạch trồng tái canh cà phê giai đoạn 2016 – 2019 là 1.388ha), và đạt 89,02% so với kế hoạch đăng ký tái canh cà phê giai đoạn 2016 - 2020 ban đầu (kế hoạch trồng tái canh cà phê giai đoạn 2016 – 2020 là 1.943ha), tất cả diện tích tái canh này là của nông hộ. Theo kết quả tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống cà phê tái canh trên địa bàn huyện trong năm 2020 là 213 ha (Theo Báo cáo số 71/BC-TTDVNN ngày 04/12/2019). Ngoài ra, thông qua chương trình hỗ trợ giống cà phê trồng tái canh của Chi nhánh Công ty TNHH Nestle Việt Nam tại Tây Nguyên (hỗ trợ 1.000đồng/cây giống), UBND huyện đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến đến các địa phương để người dân được biết và đăng ký tham gia tái canh diện tích cà phê già cỗi hàng năm.

Nhìn chung, diện tích cà phê tái canh trong các năm qua được quản lý tốt về khâu kỹ thuật, đặc biệt là nguồn gốc giống, và các đặc tính giống (năng suất cao, chất lượng tốt, cỡ hạt lớn, chịu hạn tốt và kháng cao với bệnh gỉ sắt)… điển hình là cây giống cà phê TR4 và TRS1 được người dân quan tâm, lựa chọn. Qua khảo sát, đánh giá cây cà phê tái canh trên địa bàn huyện đến nay vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, các diện tích tái canh năm 2016 đã cho thu hoạch.
 
Ảnh: Vườn cà phê tái canh sau 7 tháng
 
Công tác tổ chức sản xuất cà phê bền vững và quản lý nhà nước về cây giống cà phê luôn được UBND huyện và các ngành chức năng, các địa phương quan tâm; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất được nhân dân hưởng ứng tích cực và đạt được hiệu quả. Năm 2018, UBND huyện đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp bền vững Gia Lai (Vn SAT) triển khai xây dựng 03 mô hình tái canh bền vững tại thị trấn Chư Prông, xã Ia Kly và xã Ia Boòng; năm 2019, UBND huyện đã triển khai xây dựng 05 mô hình tái canh bằng giống cà phê vối, áp dụng tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm (thuộc Dự án Nông thôn miền Núi) tại các xã Ia Phìn, Ia Kly, Ia Boòng, Ia Drang, Ia Bang. Đồng thời, huyện còn phối hợp với Ban Quản lý Dự án VnSAT triển khai các lớp tập huấn về sản xuất cà phê bền vững, tái canh cà phê bền vững cho người dân tham gia Dự án trên địa bàn 7 xã và thị trấn Chư Prông.
 
Ảnh: Công nghệ tưới tiết kiệm của WASI áp dụng trên cây cà phê
 
Trước những biến động về giá cả thị trường cà phê trong những năm qua, đã khiến một số hộ dân không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bám trụ với cây cà phê; diễn biến thời tiết ngày càng biến đổi phức tạp; cùng với sự suy thoái về chất lượng đất, xói mòn, rửa trôi, bạc màu ngày càng phổ biến; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, manh mún và vấn đề thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, thiếu nhân công nhất là lao động thu hái, chế biến cà phê khi vào vụ thu hoạch... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm cà phê. Chương trình tái canh cà phê là chương trình được người dân nhiệt tình tham gia đăng ký thực hiện, nên diện tích tái canh hằng năm đều đạt so với kế hoạch. Hiện tại, huyện đã xây dựng vườn ươm giống tái canh tại chỗ nên rất thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng cây giống, công tác cấp phát giống cho người dân.

Rút kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2016 - 2019. Để thực hiện tốt kế hoạch trồng tái canh cà phê năm 2020, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các các xã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đó là:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đẩy nhanh kế hoạch trồng tái canh cà phê, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận; đồng thời, thúc đẩy tập quán canh tác bền vững, chú ý đến vấn đề cây trồng xen trong vườn cà phê để làm cây che bóng, chắn gió và đa dạng sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập cho người trồng cà phê...

- Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, có định hướng và đề án trồng xen cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của địa phương, theo định hướng và “tín hiệu” của thị trường.

- Tăng cường công tác chỉ đạo hỗ trợ thành lập và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các Hợp tác xã, Tổ hợp tác; hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê bền vững ở từng địa phương; chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê thông qua việc lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp đang triển khai thực hiện tại địa phương (Dự án VnSAT, v.v…).

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các của địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp với Hội Nông dân; Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao tuyên truyền, vận động hội viên nông dân về chủ trương chính sách tái canh cà phê để giúp nông hộ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tư vấn và hỗ trợ các hội viên thực hiện có kết quả việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện có kết quả chương trình tái canh cà phê tại địa phương.

- Theo dõi sát sao tình hình tái canh, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện về UBND huyện (qua Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện) để kịp thời theo dõi, chỉ đạo.

Có thể thấy, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong quá trình tái canh cà phê là vô cùng quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện trong quá trình tái canh cà phê; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ giống cây cà phê đảm bảo năng suất, chất lượng cho người nông dân, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống trôi nổi trên toàn địa bàn huyện, và phối hợp với các ngân hàng đứng chân trên địa bàn huyện đơn giản hóa các thủ tục vay vốn tín dụng để ngày càng có nhiều nông dân được tiếp cận vốn ưu đãi, đẩy nhanh quá trình tái canh, phát triển ngành cà phê bền vững trên địa bàn huyện Chư Prông./.
 
                                                                                  Bài, ảnh: Minh Anh
 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png