Nghề đan gùi – bản sắc văn hóa của người Jrai

11/09/2018
     Tháng 11/2018, Gia Lai sẽ tổ chức Festivanl văn hóa cồng chiêng Tây nguyên năm 2018; sự kiện văn hóa quy mô này được thực hiện tại thành phố Plei ku và một số địa điểm vệ tinh. Đặc biệt, tại Festivanl trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm cũng được đưa vào nội dung chính bên cạnh các nội dung khác như Lễ hội đường phố; Ngày văn hóa cồng chiêng Tây nguyên; Phục dựng nghi lễ/lễ hội truyền thống; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng…Chư Prông đang gấp rút chuẩn bị chương trình tham gia.
 

     Bằng sự cần mẫn, khéo léo, những người thợ đan lát như ông Rơ Châm Jem, Siu Hinh ở làng Bih xã Ia Puch huyện Chư Prông đã “thổi hồn” vào những cây lồ ô để tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tính tiện ích, gắn với cuộc sống thường nhật của bà con. Chính những người thợ tài năng này đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai nơi đây.
     Nói về chiếc gùi, ông Rơ Châm Jem chia sẻ: Muốn làm được một chiếc gùi, trước tiên phải chọn những cây lồ ô to, đẹp và những sợi mây rừng thật dẻo. Sau đó là chẻ nan, nan cũng cần phải vót trơn nhẵn, đều đặn để khi đan mới tạo ra được độ kín và khít. Quan sát ông Jem vót những chiếc nan dẹp mỏng, bo tròn đều đặn đã thấy vui mắt. Theo kinh nghiệm lâu năm của ông Jem thì để làm ra một chiếc gùi không chỉ cần kinh nghiệm trong việc tìm kiếm nguyên liệu (tre, nứa, lồ ô, cây săm lũ, dây mây...), mà quan trọng nhất là đòi hỏi người đan lát luôn cần cù, chịu khó, siêng năng và khéo léo. Học đan gùi từ khi lên 10 tuổi nên ông Jem có thể đan rất nhiều loại gùi với các mẫu khác nhau, ông cho biết: “Một chiếc gùi bình thường, mình làm trong vòng 2 ngày là xong. Gùi hai lớp thì khó hơn, phải đến 5 ngày mới xong. Vì thế mỗi chiếc gùi loại này có giá khoảng 200 -300 nghìn đồng tùy loại và chủ yếu là phục vụ cho gia đình và anh em họ hàng dùng”.
     Nhìn đôi tay của ông khéo léo lận những chiếc nan để có đáy của một chiếc gùi đúng kiểu dáng, có những hình hoa văn cách đều theo một kích cỡ nhất định mà không cần đến bản vẽ, hay một dụng cụ hỗ trợ nào ngoài chiếc rựa và mẫu mã hoa văn in sẵn trong đầu mới thấy được sự cần mẫn, trải nghiệm của một nghệ nhân thạo nghề quan trọng như thế nào.
     Chia tay với gia đình ông Jem chúng tôi ghé thăm ông Siu Hinh, người đã gắn bó với nghề đan lát trên 30 năm nay. Tuổi đã cao nên sản phẩm mà ông làm ra không nhiều, chủ yếu chỉ đủ phục vụ nhân dân trong làng. Mấy năm gần đây, ông lại muốn truyền đạt nghề đan lát cho con cháu trong gia đình nhằm lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhìn những ngón tay đầy vết sẹo, vết chai sần nổi lên thành cục ở mép ngón tay đủ để biết rằng ông Hinh gắn bó với nghề như thế nào. Mỗi chiếc gùi bán ra với giá từ 200 - 350 nghìn đồng thì trung bình mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 120 -150 nghìn đồng. Mặc dù hiện tại rất nhiều sản phẩm bằng nhựa, nilon lấn át, nhưng sản phẩm ông làm ra đều tiêu thụ hết.
     Chiếc gùi không chỉ để mang lên rẫy hay phục vụ đời sống hàng ngày, mà còn là một vật trang trí không thể thiếu trong văn hóa tâm thức của người Jrai. Ông Siu Băp, khách hàng thân thiết của ông Hinh chia sẻ: “Sản phẩm mà ông Hinh làm rất tỉ mỉ và sáng tạo nhưng không hề mất đi cái hồn của dân tộc. Trong gia đình tôi có những mấy cái gùi vừa để đi chợ vừa đi rẫy, đó là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày”.
     Mặc dù đan gùi chưa phải là công việc không phổ biến và du lịch địa phương chưa thực sự phát triển để sản phẩm này nhiều người biết tới. Nghệ thuật đan lát để trở thành “nghệ nhân” không phải chuyện dễ, không phải ai cũng làm được. Nghề này đòi hỏi khéo tay và đặc biệt là tính tỷ mỷ, cần mẫn. Với những người có kinh nghiệm lâu năm như ông Jem, ông Hinh cho rằng: Công việc này phải làm thường xuyên, vì lâu không làm, tay mất cảm giác, vót nan không đều, tay đan không chặt nữa thì những chiếc gùi không còn đẹp và tinh xảo. Và sâu xa hơn, việc gìn giữ nghề đan gùi cũng chính là giữ bên mình một “người bạn” và giữ cái “hồn” cho làng, “nét cốt cách văn hóa” của đồng bào Jrai. Nếu như một ngày nào đó, trong làng đồng bào Jrai không còn chiếc gùi nữa?
     Trao đổi với chúng tôi, chị Siu Blơch - Chủ tịch Mặt trận xã Ia Puch cho biết: Những sản phẩm được chính bàn tay của ông Jem, ông Hinh làm ra được mọi người đón nhận, không đơn thuần là vật dụng mà còn là tâm huyết của một con người yêu nghề. Chính nhờ những người này mà nghề đan lát truyền thống ở làng Bih sống được đến ngày hôm nay”./.
 
                                                                                                          Bài: Lê Hằng
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png