Rơ Châm Luih với bí quyết chỉnh chiêng

06/11/2020
Sinh ra và lớn lên tại làng Tơ Bang, xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Được cha mẹ nuôi ăn học đến hết lớp 9. Từ nhỏ sống cùng gia đình trong làng được tiếp xúc với âm thanh cồng chiêng trong các đám tang, lễ hội bỏ mả, đâm trâu, mừng lúa mới. Rơ Châm Luih dần đam mê múa hát với các làn điệu dân gian của đồng bào; đặc biệt là âm thanh cồng chiêng, các bài chiêng truyền thống biểu diễn trong các dịp lễ, tết...
 


Ông Rơ Châm Luil đang chỉnh chiêng

Làm quen với cồng chiêng từ thời niên thiếu, nhưng đến năm 1980, ông mới thật sự trưởng thành và thành thạo trong việc nắm giữ các điệu chiêng truyền thống. Trong quá trình tham gia trình diễn, có thời gian dài làm quen với âm thanh, giai điệu cồng chiêng; âm thanh, giai điệu lúc trầm bổng, hào hùng, lúc tự sự thiết tha, lúc buồn, vui đã thấm vào máu thịt ông từ lúc nào. Chỉ biết từ năm 1980, Luih bắt đầu tự chỉnh những chiếc chiêng không còn phù hợp âm thanh, âm thanh không còn được chuẩn, chỉnh cả bộ chiêng theo cùng cung, bậc. Đó là sự mày mò, khám phá của tuổi trẻ; khi thấy những bộ chiêng hư hỏng, khi nghe âm thanh của dàn chiêng không còn “lọt tai”, tìm cách khắc phục, chỉnh sửa. Ban đầu việc “tìm lại âm thanh” cho một bộ cồng chiêng cũng gặp không ít khó khăn; nhưng nhờ sự yêu thích, đam mê, khám phá, sự nỗ lực của bản thân và thêm chút năng khiếu, ông đã đưa âm thanh của các bộ chiêng hư tới sự hoàn thiện. Từ chỉnh sửa một bộ ban đầu, đến nhiều bộ; từ hư hỏng nhẹ đến những bộ hư hỏng nặng… Lâu dần kỹ năng tay nghề chỉnh chiêng của ông từng bước vững vàng. Đến năm 1990, việc chỉnh sửa cồng chiêng thực sự thành thạo; kỹ năng nhìn nhận, nắm bắt (bắt bệnh) chính xác; ngón nghề chỉnh sửa chuẩn mực; từ đó rút ngắn thời gian “chữa bệnh” cho chiêng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài chỉnh chiêng, ông còn biết chế tác các loại đàn nhạc cụ dân tộc như:  Đàn T’rưng, klông Pút, goong, đàn nhị, biết tạc tượng, trang trí cây nêu trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai.
Nhiều năm liền ông là cộng tác viên của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, tham gia giảng dạy các lớp chỉnh chiêng, truyền dạy cồng chiêng ở một số địa phương trong tỉnh. Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện cũng thường mời ông giảng dạy, hướng dẫn các lớp cồng chiêng, múa dân gian tổ chức hàng năm tại địa phương.
         Nói về chỉnh chiêng, điều cần lưu ý nhất khi bắt đầu chỉnh từng chiếc chiêng cho đúng “tông” trong cả dàn chiêng: Một dàn cồng chiêng thường có 13 đến 18 cái, có lúc lên đến 24 cái; được sắp xếp từ lớn đến bé. Trong lúc chỉnh phải lấy 01 chiếc chiêng mang âm “đô” làm chuẩn, sau đó chỉnh cả dàn cho phù hợp độ cao, thấp khác nhau. Thao tác chỉnh chiêng: Điều quan trọng là phải biết phát hiện chiếc nào hỏng âm, lệch âm trong cả dàn cồng chiêng; nếu sai, hỏng âm, nó sẽ lệch pha. Cách phát hiện từ cảm quan, quan sát bằng mắt đến nghe âm thanh; quan sát từng chiếc, nghe âm thanh của cả dàn. Nghĩa là cần phải biết cách “chẩn đoán đúng bệnh” của chiêng, để xác định phương pháp “chữa bệnh” đúng đắn; đập, gõ đúng chỗ, gõ mặt nào trước, mặt nào sau, độ nặng nhẹ cũng khác nhau; động tác phải chuẩn mực, dứt khoát (tuỳ bệnh để gõ mặt nào trước, mặt nào sao, độ năng nhẹ, dùng búa nào thì phù hợp, cầm chiêng lên hay kê bệ gỗ…). Tư thế, cách ngồi cũng phải thoải mái, tâm trí thư thái, khoáng đạt. Dụng cụ chỉnh chiêng đảm bảo về tính khả dụng, búa sắt (có nhiều loại) có kích thước vừa tay, bệ gỗ (loại gỗ tốt) có độ ổn định và chắc chắn.
Kích thước các loại chiêng chỉnh sửa: Chiêng bằng nhỏ thường có 2 vòng (vòng tròn theo lớp, nhỏ dần theo chu vi), chiêng vừa 3 vòng, chiêng lớn có hơn 4 vòng. Lúc chỉnh phải dùng búa tạo độ phẳng cho chiêng, sau mới đến lượt chỉnh âm thanh cho cùng cung bậc trong cả dàn chiêng. Chiêng núm phức tạp hơn, nhưng điều quan trọng là núm và mặt chiêng phải có độ bền vững nhất định trên nền tảng kết cấu vững chắc của chất liệu kim loại đồng có chất lượng; chất liệu càng tốt, âm thanh càng chuẩn mực và có độ vang càng tốt. Điều đó đem lại sự khác biệt giữa chiêng cổ và chiêng cải tiến hiện nay (chất liệu kim loại chiêng cổ tốt hơn chất liệu kim loại chiêng cải tiến hiện nay).
Bộ dụng cụ chỉnh chiêng cũng đơn giản; mấy cái búa sắt nhỏ, một dùi đánh chuẩn để thẩm âm và một, hai cái bệ đế bằng gỗ. Tùy theo chiếc chiêng “bệnh” nặng hay nhẹ, cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp để gõ vào mặt bên này, hoặc bên kia với cường độ nặng, nhẹ khác nhau. Từ lúc biết chỉnh cồng chiêng đến nay, chỉnh được bao nhiêu bộ ông cũng không nhớ nổi. Thời gian gần đây, lượng cồng chiêng trên địa bàn theo phong tục, tập quán (chia cho người chết) và thời gian bị thất lạc, hao hụt. Có hộ gia đình chỉ còn một vài chiếc, gia đình nhiều còn nguyên bộ hoặc không đủ bộ. Ông đi gom về cho đủ bộ; sửa sang tinh chỉnh và nhượng lại cho bà con với mục đích lưu giữ hiện vật văn hóa của đồng bào.

Trong đời ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần chỉnh dàn chiêng 24 chiếc ở nhà thờ Kon Tum. Bởi yêu cầu được đặt ra khá “hóc” là ông phải chỉnh âm dàn chiêng theo tiếng đàn Organ. Điều từ xưa đến nay ông chưa từng, nhưng đã thành công; đó là sự hoà quyện giữa truyền thống và nhạc cụ hiện đại.

Hỏi về việc truyền dạy cho thế hệ sau; ông tâm sự: Việc truyền dạy cồng chiêng đối với tôi cũng là một lẽ tự nhiên. Lúc đầu, tôi hướng dẫn bà con trong làng luyện tập phục vụ cho việc thực hành các nghi lễ truyền thống, tham gia tổ chức Hội thi các cấp. Qua kết quả tham gia Hội thi các cấp, sau dần, các cơ quan, tổ chức biết đến tôi, biết đến khả năng nắm bắt trình diễn cồng chiêng. Từ năm 1990, tôi chính thức tham gia truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng làng. Năm 2018 đi truyền dạy tại các huyện trong địa bàn tỉnh, theo lời mời của Trường Văn hoá ngệ thuật tỉnh Gia Lai.
Từ khả năng chỉnh chiêng và sự đóng góp cho cộng đồng; vừa qua, các cơ quan chức năng đã xem xét làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể đợt 3 năm 2021 cho Rơ Châm Luih.
 
                                                                                              Bài, ảnh: Hà Huy Văn
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png