CHƯ PRÔNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÂY ĂN QUẢ

24/06/2020
Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả đang là xu hướng được nhiều nhà nông trong tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Chư Prông nói riêng nhân rộng. Để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm vươn xa đến các thị trường khó tính, một số địa phương trên địa bàn huyện đã linh động chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang sản xuất theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Là huyện biên giới phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai, Chư Prông có đường biên giới giáp tỉnh Ratanakiri, Campuchia với chiều dài 42 km. Diện tích tự nhiên 169.391,25 ha, dân số 130.200 người. Toàn huyện có 20 đơn vị hành chính cấp xã với 146 thôn, làng, tổ dân phố. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 40 triệu đồng/người/năm. Huyện Chư Prông có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 58,4%. Trong sản xuất, con người Chư Prông luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo, năng động, ham học hỏi, nhất là trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, luôn nỗ lực phấn đấu để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Về thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện có 06 nhóm đất với 16 loại đất, chủ yếu là nhóm đất xám (33,7 %) và nhóm đất đỏ bazan (41,17%). Chư Prông nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, có hai mùa mưa và nắng rõ rệt (mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, chiếm 80% lượng mưa cả năm, hướng gió thịnh hành là Tây Nam, lượng mưa trung bình trong mùa này là 2.306mm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với hướng gió thịnh hành là Đông Bắc). Vì lý do đó, Chư Prông là địa phương có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết thuận lợi, phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của rất nhiều loại cây trồng (kể cả các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu...,các loại cây ngắn ngày như mía, đậu, đỗ… và các loại cây ăn quả như mít, xoài, sầu riêng…)


Ảnh:
vườn chanh dây xen canh tại xã Ia Bang

Trong những năm qua, cây ăn quả đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là nhóm cây trồng tiềm năng, có lợi thế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác của người dân địa phương. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới tiếp tục tăng, đây là cơ hội và triển vọng cho rau, quả của huyện cùng với sản phẩm của toàn tỉnh mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và tiến sâu vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sản xuất rau, quả trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ rau, quả còn nhiều khó khăn dẫn tới tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa; sản xuất chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác còn thấp; khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến chưa được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát, tổn thất sau thu hoạch lớn; vấn đề về an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều tồn tại, hạn chế.
 
Ảnh: vườn bơ xen canh hồ tiêu tại xã Ia Băng
 
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện có 1.690 ha cây ăn quả các loại, trong đó: diện tích cây ăn quả của doanh nghiệp là 869 ha (thanh long 480 ha, xoài 254 ha, bưởi 113 ha, chuối 22 ha); diện tích cây ăn quả của người dân trên địa bàn huyện là 821 ha (chanh dây 276 ha, chuối 08 ha, bơ 276 ha, sầu riêng 170 ha, mít 30 ha, xoài 58 ha, cây ăn quả khác 03 ha). Hiện tại, một số loại cây ăn quả (của người dân) đang cho thu hoạch với sản lượng lớn như cây bơ, diện tích kinh doanh 95 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng 2.375 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 10/2020 (thu hoạch tập trung từ tháng 3 đến tháng 6/2020 chiến 70% sản lượng). Chanh dây, diện tích thu hoạch 276 ha, năng suất 60 tấn/ha, sản lượng 16.560 tấn; đến thời điểm hiện tại, chanh dây đã thu hoạch khoảng 90% sản lượng, sản lượng còn lại thu hoạch tập trung từ tháng 3 đến tháng 6/2020.
 
Theo Kế hoạch, dự kiến phát triển diện tích cây ăn quả đến cuối năm 2025 đạt khoảng 3.946 ha, trong đó: Diện tích sầu riêng 320 ha, diện tích bơ 580 ha (doanh nghiệp: 460 ha), thanh long ruột đỏ 600 ha (doanh nghiệp), chanh leo 500 ha, cây ăn quả có múi 300 ha (doanh nghiệp), xoài 350 ha (doanh nghiệp 330 ha), chuối xuất khẩu 800 ha (doanh nghiệp 700 ha), mít thái 196 ha, dưa các loại 250 ha, các loại cây ăn quả khác 50 ha (dừa, na,…); hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, trong đó các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chanh leo, mít…định hướng phát triển tại vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng là đất đỏ bazan; các loại cây ăn quả còn lại (xoài, cây có múi, thanh long, chuối) phát triển tại các vùng đất cát, cát pha sét để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phấn đấu trên 30% diện tích sản xuất rau, hoa, quả có cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; trên 50% diện tích sản xuất kinh doanh chuyên canh hoạt động theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vào năm 2025 và đến năm 2030 có trên 50% diện tích sản xuất rau, hoa, quả có cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; trên 70% diện tích sản xuất kinh doanh chuyên canh hoạt động theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ảnh: vườn sầu riêng xen canh cà phê tại thị trấn Chư Prông
 
Trong thời gian tới, để ổn định sản xuất cây ăn quả trên địa bàn, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai các giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ; gắn liên kết liên kết sản xuất với bao tiêu sản phẩm; mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư mở vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện nhằm đa dạng hóa hình thức sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân; bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt; kết nối sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhằm nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị về kinh tế, có thương hiệu và có đầu ra ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế./.
Bài, ảnh: Minh Anh
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png