Gia Lai: Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số

21/11/2018
(GLO)- Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” vừa được Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Gia Lai tổ chức thành công. Với tinh thần cởi mở, các em học sinh đã mạnh dạn chia sẻ nhiều ý kiến, thông điệp ý nghĩa, thể hiện quyền trẻ em. Nhiều vấn đề liên quan cũng đã được đại diện các sở, ban, ngành liên quan giải đáp cụ thể.
 

Những thông điệp ý nghĩa
 
Tham gia diễn đàn có trẻ em các huyện: Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa và thị xã Ayun Pa. Diễn đàn đã tạo cơ hội cho các em thảo luận những vấn đề về thực hiện quyền của trẻ em theo 4 chủ đề chính: phòng-chống xâm hại trẻ em trong thế giới công nghệ số; trẻ em nghiện game, facebook và các trang mạng xã hội khác; đảm bảo thực hiện quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trong thế giới công nghệ số; góc nhìn trẻ em với vấn đề gắn kết tình cảm gia đình trong thế giới công nghệ số.
 
 Thông điệp mà các em học sinh gửi đến diễn đàn. Ảnh: P.L
Thông điệp mà các em học sinh gửi đến diễn đàn. Ảnh: P.L
 
Bằng hình thức sân khấu hóa, những tiểu phẩm do chính các em dàn dựng đã mang đến diễn đàn không khí hài hước, vui nhộn kết hợp chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Các em nhỏ huyện Ia Grai và Đak Đoa mang đến diễn đàn tiểu phẩm “Điều con muốn nói” phản ánh “vấn nạn” lạm dụng công nghệ của tất cả thành viên trong gia đình. Trong bữa ăn nhưng ai cũng cắm đầu vào điện thoại, bố mẹ ít nói chuyện với con cái mà để mặc các con thỏa sức lên mạng, không loại trừ thông tin độc hại dễ làm trẻ phát triển lệch lạc về tư duy, nhận thức, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Với sự diễn xuất rất nhập vai của các nhân vật, tiểu phẩm đã mang đến tiếng cười chua xót về thực trạng chung của nhiều gia đình hiện nay. Em Rơ Mah Quân (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Thế giới công nghệ đã khiến tình cảm nhiều gia đình dần lạnh nhạt, mọi người cô đơn trong chính tổ ấm của mình. Qua tiểu phẩm này, chúng em muốn nhắn nhủ đến bố mẹ rằng: Hãy để điện thoại xuống và quan tâm tới con cái của mình nhiều hơn”.
 
Trong khi đó, “Con không muốn đưa ảnh lên facebook đâu mẹ ơi” là thông điệp mà các em huyện Mang Yang và Kông Chro muốn chuyển tải trong tiểu phẩm của mình. Tiểu phẩm đề cập đến câu chuyện của cậu bé Minh không được bố mẹ tôn trọng quyền riêng tư, bất kỳ hoạt động nào của con bố mẹ cũng đưa lên facebook, đặc biệt là hình ảnh lúc Minh còn nhỏ. Lên lớp, Minh bị bạn bè trêu đùa, chế giễu, gây ảnh hưởng đến việc học tập. Còn các em nhỏ huyện Đức Cơ và Chư Prông lại gây ấn tượng với tiểu phẩm kể về câu chuyện đau lòng của một học sinh tên Hiếu. Từng là cậu bé học rất giỏi, nhưng từ khi được bố mẹ tặng một chiếc điện thoại, Hiếu trở nên lười học, chỉ biết chúi đầu vào chơi game, kết bạn với những người không tốt. Bạn thân của Hiếu là Ngọc Anh vì can ngăn bạn nên đã bị một nhóm lưu manh đâm chết.
 
Với sự chuẩn bị chu đáo, các em đã thể hiện tốt phần tiểu phẩm cũng như khả năng hùng biện về ảnh hưởng của thế giới công nghệ số. Nhiều thông điệp đã được các em gửi tới diễn đàn như: “Thực tế ảo-tổn thương và xâm hại thật! Hãy hành động để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tổn thương và xâm hại trên môi trường mạng”; “Mạng xã hội là ảo-Cuộc sống của bạn mới là thực”; “Con không muốn bị đăng ảnh lên facebook đâu mẹ ơi”; “Hãy dành thời gian quan tâm đến trẻ, hướng dẫn cho trẻ em biết cách sử dụng công nghệ số an toàn, đúng cách và khoa học”. Phát biểu tại diễn đàn, em Đinh Thị Anh Thư (huyện Chư Prông) cho biết: “Lứa tuổi chúng em được bố mẹ cho sử dụng thiết bị công nghệ khá thoải mái, nếu không ý thức được sẽ dễ bị nghiện game, nghiện sống ảo. Đến với diễn đàn, chúng em muốn nhận được nhiều lời khuyên từ các cô chú lãnh đạo, hướng dẫn cách chọn lọc thông tin khi tham gia mạng xã hội”.
 
Lắng nghe và chia sẻ
 
 Bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi của các em học sinh. Ảnh: P.L
Bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi của các em học sinh. Ảnh: P.L
 
Nội dung quan trọng nhất của diễn đàn là hoạt động đối thoại trực tiếp giữa trẻ em với lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Trong số 16 câu hỏi được các em đặt ra có nhiều câu khá hay như: biện pháp nào để hạn chế tình trạng nghiện game ở các tụ điểm internet; hiện nay có nhiều trang mạng không phù hợp với độ tuổi của trẻ em, biện pháp nào để sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả... Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho hay: “Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý các đại lý game online để tránh tình trạng nghiện game ở học sinh. Theo quy định, đại lý game phải cách trường học 200 m, tuân thủ giờ đóng-mở cửa theo quy định. Công tác tuyên truyền cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, như Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều chuyên đề hướng dẫn các em học sinh sử dụng, khai thác mạng internet sao cho hợp lý và hiệu quả; Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thi Tin học trẻ nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp các em sử dụng internet hợp lý. Vấn đề quan trọng là các em phải tự ý thức sử dụng công nghệ, biết chọn lọc khi tiếp nhận thông tin trên mạng.
 
Những câu hỏi như “khi bị xâm hại, địa chỉ nào để trẻ em liên hệ để được hỗ trợ; biện pháp nào để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em trên mạng xã hội” cũng đã được bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trả lời chi tiết: “Các em phải thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, không nên tiếp cận những tài khoản không phù hợp, không like, share, comment những thông tin không đúng. Không nên đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội. Trong trường hợp bị xâm hại, các em có thể gọi đến tổng đài quốc gia 111 để được hỗ trợ kịp thời. Sau diễn đàn, chúng tôi cũng sẽ gửi các số điện thoại có liên quan đến tất cả các trường học để các em được trợ giúp khi gặp sự cố”.
 
Còn với câu hỏi “Những trường hợp đưa clip trẻ em bị xâm hại tình dục bị đưa lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào?”, ông Dương Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Tư pháp-khẳng định: “Luật trẻ em đã quy định trẻ em có quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, quyền được bảo vệ. Nếu người xâm hại tình dục bị xử lý hình sự thì người đưa clip xâm hại tình dục lên mạng xã hội cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”.
 
Phan Lài
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png