Phần 3: Đặc điểm cụm cứ điểm 711 – 601 làng Siêu và các lực lượng tham chiến.

25/11/2021

Đường đến di tích chụp từ Google Map điểm đầu từ Bưu điện tỉnh Gia Lai
 đến vị trí dự kiến đặt nhà bia di tích.

Theo sách Một số trận đánh của các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên, tập 2 và sách 65 năm chiến công và nghĩa tình, tập 2: cứ điểm 711 – 601 làng Siêu nằm trên đường 21thuộc xã E8, huyện 5 đoạn giữa ngã ba Phú Mỹ quốc lộ 14 đi Pleime. Nay thuộc thôn 4, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông (tỉnh lộ 675), cứ điểm gồm có hai điểm chính là điểm cao 711 và điểm cao 601 (cách nhau hơn 300m theo hướng Đông Nam).
Xung quanh cụm cứ điểm 711 – 601 làng Siêu: phía Bắc cứ điểm khoảng 700m là bình độ 570, 525 có cây cối rậm rạp, thuận lợi cho việc đặt trận địa pháo cối quan sát ngắm bắn trực tiếp; phía Nam là bản Plei Seo và điểm cao 670 có nhiều vạt rừng non xen kẽ nương rẫy, bộ đội dễ cơ động; phía Tây Nam gần 1.000m là bản Plei Ngolho đông dân có nhiều nương rẫy, trống trải thuận lợi cho việc cơ động nhưng dễ bị phát hiện; phía Đông Nam 800m là điểm cao 700 có rừng non tái sinh tiện cho việc giấu quân và tiếp cận địch. Có hai con suối: Ia Muen và Ia Thyoa chảy song song ở phía Bắc và phía Nam đường 21. Cách đường từ 200m đến 1000m, về mùa khô dòng chảy nhỏ không mấy cản trở cho bộ binh và cơ giới phát triển.
 
 
Khu vực cụm cứ điểm 711 - 601(làng Siêu) năm 1974
(Ảnh: Huỳnh Bá Tính chụp tháng 9 năm 2020).
 
Cứ điểm 711 làng Siêu có cấu trúc dạng hình thang (170m x 120m x 150m x 60m) cạnh Tây Bắc dài 170, cạnh Đông Bắc dài 120m, cạnh Đông Nam dài 150m, cạnh Tây Nam 60m. Địch dùng xe ủi, ủi đất và cây cối bên trong ra xung quanh tạo thành một tường hộp cao 1,5m, rộng 0,8m, chân rộng 1,5m có thể chống đạn B40, B41. Tiếp theo là 4 hàng rào thép gai lò xo, mái nhà: ngoài cùng là hàng rào nữa mái nhà có cuộn lò xo, hàng rào thứ hai rào mái nhà có 2 cuộn lò xo bên trong, hàng rào thứ 3 rào củi lợn có 2 cuộn lò xo bên trong, hàng rào thứ 4 là hàng rào đơn. Mỗi hàng rào rộng 0,8m, cao 1,5m. Hàng rào 1 – 2 - 3 cách nhau từ 7m - 10m. Hàng rào 3 - 4 cách nhau 30m, xen kẽ các hàng rào là các bãi mìn chống tăng và chống bộ binh. Phía mặt tường trong được xếp các bao cát thành 24 ụ súng lô cốt (tính từ góc Tây Bắc đến Tây Nam) các ụ súng hình vuông mỗi cạnh dài 1,5m (chứa được 3 - 4 quân) mỗi ụ súng cách nhau 1,5m  –  3m có chỗ xa hơn. Ở bốn góc là 4 lô cốt hình vuông (3m x 3m) nắp dày 1m, cao 1,5m, trên nắp các lô cốt có chòi quan sát gắn súng đại liên. Phía sau các lô cốt là các nhà bạt cho lính ngủ, trung tâm có 8 dãy nhà nửa nổi nửa chìm gồm khu chỉ huy, khu thông tin, nhà kho đều có nắp bằng bao cát dày 0,8m, nhà rộng 3m, dài 5m, cao 1,8m. Các công sự, nhà hầm tại cứ điểm 711 được bố trí trên mặt bằng trũng dần về phía trong và không cao hơn dãy tường hộp ngoài cùng gây khó khăn cho pháo ta quan sát và bắn các mục tiêu bên trong.
Cứ điểm 601 có hình bầu dục theo hướng Đông – Đông Nam (200m x 150m), có chiều dài 200 m, rộng 150m, được bảo vệ bằng hai hàng rào thép gai lò xo và 1 hàng rào tre cách hàng rào thép gai 50m. Địch đã xây dựng thành hai tuyến công sự: tuyến ngoài có 18 công sự chiến đấu có nắp, dài 1,5m, rộng 1m, sâu 0,8 m cách nhau từ 30 – 40m, xen kẽ các công sự có nắp là hố cá nhân không có nắp, dài 0,8m, rộng 0,6m, sâu 0,5 – 0,6m; tuyến thứ 2 cách tuyến ngoài từ 40m – 50m, bao gồm 16 nhà nửa chìm nửa nổi, dài 5m, rộng 3m, sâu 0,5m, trong đó 12 nhà đã có nắp gỗ đất, có lỗ châu mai hướng ra xung quanh. Khu thông tin, chỉ huy ở phía đông bắc, trận địa pháo ở đông nam, khu để xe ở phía nam.
Cứ điểm 711 – 601 làng Siêu nó có thể quan sát và khống chế được 4 hướng xung quanh với phạm vi khá rộng. Cứ điểm cắt đôi huyện 5 thành 2 vùng Nam – Bắc nhằm ngăn cản mọi hoạt động của ta. Đây là một cụm cứ điểm có vị trí chiến thuật quan trọng đồng thời là tiền đồn bảo vệ căn cứ Pleime trên trục đường 21 của địch. Chính vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 2 bố trí bộ binh, pháo binh, thiết giáp Sư đoàn 22, Liên đoàn Biệt động quân 25 ở Thanh An, La Sơn, Phú Mỹ và không quân ở sân bay Cù Hanh sẵn sàng chi viện cho cứ điểm khi bị quân ta tấn công theo yêu cầu.
  

Sơ đồ bố trí lực lượng Việt Nam Cộng hòa năm 1974 trên đường 21
(nay là tỉnh lộ 675 đoạn từ ngã ba Phú Mỹ đến Pleime)
Nguồn: http://bachvietnhan.blogspot.com/2020/09/20200912-tran-pleime-nam-1974-ky-3.html.
 
Về lực lượng địch: Ngay từ khi mở cuộc hành quân tái chiếm tỉnh lộ 21 lập tuyến phòng thủ (tháng 11/1973), Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 địch liên tục duy trì cụm cứ điểm 711 – 601 làng Siêu. Chốt giữ cứ điểm này là Tiểu đoàn 82 Biệt động quân, 1 Trung đội pháo 105mm, 1 Trung đội pháo 155mm, 4 khẩu cối 81mm, 1 khẩu cối 106,7mm, 1 trung đội Công binh (02 xe ủi). Đến chiều 13/4 địch tăng cường Chi đoàn Thiết giáp (thuộc Thiết đoàn 19) nâng tổng quân số tại cụm cứ điểm hơn 400 tên.
Trong cứ điểm 711 địch bố trí BCH Tiểu đoàn 82 Biệt động quân; 1 Đại đội công vụ; trận địa cối 106,7mm ở Đông Bắc; Đại đội (cBB5): 1Trung đội ở Tây Bắc, 1Trung đội ở Tây Nam, 1Trung đội ở Đông Nam cùng trận địa pháo gồm 2 khẩu 105mm. ĐKZ 57mm ở lô cốt số 8, 2 khẩu cối 81mm ở Tây Bắc, 2 khẩu cối 61mm ở Tây Nam. Hơn một chục xe M113 bố trí rải rác khắp đồn. Tại cứ điểm 711 quân địch tập trung hướng phòng ngự chủ yếu ở Tây Bắc, hướng phòng ngự thứ yếu ở Tây Nam.
Ở cứ điểm 601 và Plei Ngol Ho địch bố trí Đại đội BB2: 1Trung đội chốt ở cứ điểm 601, 1Trung đội chốt ở ngã ba Plei Ngolho, 1Trung đội cơ động ở đông bắc Plei Ngolho án ngữ phía Đông Bắc cứ điểm. Ngoài ra còn một số xe M113 bố trí rải rác trong các chốt.
Riêng Đại đội BB4 địch bố trí ở phía Nam, làm lực lượng cơ động kiểm soát đường 21 từ cứ điểm 711 đến Pleime: 1 Tiểu đội chốt ở Tây Nam cách cứ điểm 600m (tọa độ 18 – 17.5), 1 Tiểu đội chốt phía Nam cách cứ điểm 800m (tọa độ 17 – 18.8), 1 Tiểu đội chốt ở Plei Toal.
Để phát hiện và chặn phá từ xa sự chuẩn bị tiến công của ta, hàng ngày từ 05h30’ địch còn cho 1 Trung đội (1b) hoặc 1 Đại đội (1c) chia thành 3 – 5 toán nống ra xung quanh cứ điểm từ 200m – 1000m để lùng sục thăm dò, gài các bãi mìn trên đường mòn nghi ta tiếp cận. Có Đại đội (1c) thường xuyên đi rải chốt dọc đường 21 từ 711 đến Pleime. Ban đêm, ngoài 4 vọng gác chính ở 4 góc đồn còn có các toán tuần tra bí mật trên mặt tường hộp không mang đèn.
Do phán đoán ta sắp tấn công nên địch tích cực phòng thủ, đêm dùng 2 khẩu pháo bắn ra xung quanh làm ba đợt lúc 17h00’, 24h00’, 03h00’ chủ yếu vào khe suối phía Bắc cứ điểm khoảng 1km, đoạn đường Tây Nam cứ điểm. Hàng tháng dùng 1Trung đội – 1 Đại đội sục sạo 3 - 4 lần vào các bản Plei Thoung, Plei Toal, Plei Thia để bắt dân tra khảo. Ngoài ra chúng còn tung các toán viễn thám vào sâu hậu phương ở khu Plei Xôm để phát hiện sự chuẩn bị của ta. Khi bị tấn công thì địch dựa vào công sự vật cản tập trung hỏa lực xe thiết giáp ngăn chặn ta từ xa đến gần. Nếu bị mất một phần trận địa thì địch tích cực phản kích hoặc cố thủ gọi pháo binh, máy bay chi viện, chờ viện binh tới giải tỏa.
Nhằm giữ vững cứ điểm 711, 601, địch bố trí một lực lượng ứng cứu, chi viện lớn, có khả năng cơ động từ nhiều hướng: hướng 1 địch từ Thanh An gồm Tiểu đoàn 67 (d67), BCH Liên đoàn 25, BCH d1/e47 và 1c, 1Chi đoàn Thiết giáp có thể đi qua cao điểm 575, 510 xuống 711, 601. Hướng 2: d bảo an 255, trận địa pháo 105mm ở Phú Mỹ, Trung đoàn 42 (e42), lực lượng thiết giáp, trận địa pháo 175mm ở La Sơn chi viện và ứng cứu. Song chủ yếu là lực lượng địch ở Phú Mỹ theo đường 21 xuống. Hướng 3: BCH nhẹ Tiểu đoàn 82 (d82), 1c ở Pleime, theo đường 21 ứng cứu. Các trận địa pháo ở Thanh An, 710, Phú Mỹ, Pleime, La Sơn (từ 15 – 20 khẩu) và khoảng 40 – 60 lượt máy bay các loại từ Pleiku chi viện cả ngày lẫn đêm.
Tóm lại, địch ở cứ điểm 711 - 601 làng Siêu có quân số đông, thiết giáp hỏa lực mạnh, công sự tương đối vững chắc, hệ thống vật cản phức tạp ngăn chặn từ xa, có lực lượng viện binh hỏa lực mạnh ở gần chi viện, địa hình quen thuộc, có kinh nghiệm phòng thủ, địch chưa bị tấn nên rất ngoan cố xảo quyệt.
Về lực lượng ta: Trung đoàn bộ binh cơ giới 48 thuộc Sư đoàn 320 dođồng chí Trần Ngọc Chung làm Trung đoàn trưởng, Chính ủy Đoàn Đình Vinh đã chiến đấu liên tục hơn 3 năm ở chiến trường Tây Nguyên, thông thạo địa hình. Đơn vị gồm 3 Tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3) và các phân đội hỏa lực, bảo đảm.
          - Tiểu đoàn Bộ binh 1(d1) do đồng chí Lê Minh Hược làm Tiểu đoàn Trưởng, Chính ủy, Tiểu đoàn được tăng cường 2 khẩu pháo 85mm, một khẩu ĐKZ 75mm, một khẩu ĐKZ 82mm, 4 khẩu 12,7mm, đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Tây Bắc đánh xuống. Có nhiệm vụ đánh chiếm CHS d82 Biệt động quân, khu thông tin, các lô cốt ở hướng Tây Bắc cùng với đơn vị bạn đánh chiếm toàn bộ cứ điểm. Tổ chức chặn diệt viện binh và địch tháo chạy ở phía bắc cứ điểm. Sau khi làm chủ cứ điểm thì để lại 1 Đại đội chốt giữ lùng quét thu dọn chiến lợi phẩm, lực lượng còn lại về vị trí xuất phát tiến công làm lực lượng dự bị Trung đoàn sẵn sàng cùng Tiểu đoàn 2 tiến công cứ điểm 601 – Plei Ngolho và ngã ba làng Thoung. (vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 1 ở Tây Bắc cứ điểm 500m (tọa độ 18-18,1)
          - Tiểu đoàn Bộ binh 2 được tăng cường 2 khẩu ĐKZ 75mm, một khẩu ĐKZ 82mm, bốn khẩu súng máy 12,7mm đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu phía Đông – Đông Nam. Có nhiệm vụ tiêu diệt 1 Đại đội của địch ở Tây Nam cứ điểm, diệt viện binh địch từ hướng Tây Nam lên và lực lượng rút chạy phía Đông, tổ chức một mũi nghi binh dương công ở Nam cứ điểm. Khi đánh chiếm xong 711 sẽ trở thành lực lượng chính tiến công trên hướng chủ yếu của Trung đoàn vào 601 – Plei Ngolho và sẵn sàng phát triển tiến công Plei Thoung. Vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 2: ở Đông cứ điểm 700m (tọa độ 18-19.7)
          - Tiểu đoàn Bộ binh 3 do đồng chí Nguyễn Hữu Mạo làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 3 bố trí ở đoạn 686 đến ngã ba Plei Thoung có nhiệm vụ phục kích diệt viện từ Phú Mỹ tăng viện cho cứ điểm 711 và đường không từ Hàm Rồng vào. Vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 3 ở Tây cách đường 21khoảng 800m (tọa độ 23-21.9).
          - Ngoài ra, còn được tăng cường Tiểu đoàn Bộ binh 12 địa phương do đồng chí Kpă Klơng Tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Tiểu đoàn 12 địa phương bố trí ở Nam Plei Seo, có nhiệm vụ khi nổ súng sẽ nhanh chóng tiêu diệt các điểm chốt vòng ngoài cứ điểm 711 làng Siêu, chặn viện binh của chúng từ Pleime xuống. Vị trí chỉ huy ởTây đường 21 khoảng 700m (tọa độ 14-16.1).
          - Trong quá trình chiến đấu Sư đoàn tăng cường Tiểu đoàn Bộ binh 7 Trung đoàn 64 (thiếu một Đại đội). Tiểu đoàn 7 (dự bị) cùng các trận địa pháo binh, cao xạ và súng máy phòng không phối thuộc Trung đoàn bố trí sau lưng hướng tiến công chủ yếu hướng Tây Bắc cứ điểm, sẵn sàng chiến đấu trên hướng Tiểu đoàn 1 và tiến công 601.
Bộ Tư lệnh Sư đoàn tăng cường 2 Đại đội pháo 105mm của Tiểu đoàn 47; một Đại đội pháo hỗn hợp cối 120mm và 85mm của Tiểu đoàn 14. Được bố trí như sau: hai khẩu pháo 85mm bố trí ở Tây Bắc cứ điểm 711 khoảng 1700m, có nhiệm vụ bắn phá diệt lô cốt, ụ súng, xe thiết giáp ở tuyến tường hộp, chi viện cho bộ binh đánh chiếm đầu cầu khi bộ binh xung phong thì 1 khẩu bắn xe thiết giáp ở cứ điểm 601.
Một khẩu pháo 105mm bố trí ở Tây Nam cứ điểm 711 (tọa độ (16-13.5) và cối 120mm có nhiệm vụ: giai đoạn đầu bắn phá chi viện bộ binh mở cửa, sau bắn tập trung vào CHS, khu thông tin. Khi bộ binh mở cửa xong thì chuyển bắn vào cứ điểm 601 - Plei Ngolho và ngã ba Plei Thoung.
Súng phòng không d16 gồm 4 khẩu 12,7mm, 2 khẩu 14,5mm, 1Đại đội (1c) cao xạ 37mm 2 khẩu. Được bố trí như sau: 4 khẩu 12,7mm và 2 khẩu 14,5mm ở Tây Bắc cứ điểm (19-16.8) và (20-16.5) có nhiệm vụ bắn máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu, trận địa pháo. Cao xạ 37mm có hai khẩu bố trí ở Bắc trận địa pháo 105mm (17-14.5) có nhiệm vụ bắn máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu, trận địa pháo.
Quân y 1 đội phẩu bảo đảm cho Tiểu đoàn 3; 1 Trung phẩu và 10 đồng chí vận tải bảo đảm cho Tiểu đoàn 2, 1 Đại phẩu của Sư đoàn và 6 đồng chí vận tải đảm bảo cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 7.
Vận tải của Trung đoàn bảo đảm chuyển các thương binh từ Tiểu đoàn về các trạm phẩu và tiếp tế gạo, đạn. Mỗi trung đội có 3 bộ nẹp, 1 cáng 2 đòn. Mỗi người có 2 cuộn băng.
Hậu cần đạn bộ binh mang theo súng 2 cơ sở. Trung đoàn bảo đảm 1 cơ số dự trữ ở kho. Đạn 14,5mm, 12,7mm: 500 viên/khẩu; pháo 85mm: 100viên/khẩu; pháo 105mm: 100viên/khẩu; cối 120mm: 9 viên/khẩu; B40, B41: 6viên/khẩu; ĐKZ: 30 viên/khẩu; cối 82mm 60 viên/khẩu. Gạo đủ ăn 10 ngày, Trung đoàn dự trữ 5 ngày ăn ở kho.
Nhìn chung, thời gian chuẩn bị cho trận đánh cụm cứ điểm 711 – 601 làng Siêu ngắn (03 ngày từ ngày 12 – 14/5), Trung đoàn cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ tiến công cụm cứ điểm và đánh viện binh địch. Nhưng với truyền thống “Trung đoàn giúp dân đánh giặc” và được cấp trên tăng cường các đơn vị chiến đấu. Nên cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (còn tiếp)
 
                                                                             BIÊN TẬP:
                                                                      Bảo tàng tỉnh Gia Lai
                                                                Phòng Văn hoá và Thông tin 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png