Cựu chiến binh Ia Vê giúp nhau vươn lên thoát nghèo

14/12/2018
(GLO)- Giúp hội viên cựu chiến binh (CCB) phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội CCB xã Ia Vê (huyện Chư Prông, Gia Lai) tập trung triển khai trong thời gian qua.

Hiện nay, số hộ CCB nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã Ia Vê vẫn còn rất cao với 71/207 hộ; trong đó, riêng tại 2 làng đặc biệt khó khăn (làng Siu và Neh) có đến 34 hộ nghèo và cận nghèo. Trên cơ sở nguồn thu chủ yếu của hội viên đều từ trồng trọt, Hội đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
 
  Hội viên cựu chiến binh xã Ia Vê (huyện Chư Prông) trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: P.D
Hội viên cựu chiến binh xã Ia Vê (huyện Chư Prông) trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: P.D
 
Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Đức Chiến thông tin: Tổng diện tích gieo trồng của hội viên là 256 ha, trong đó, diện tích cà phê là 118 ha, cao su 18 ha, hồ tiêu 30 ha, điều 16 ha, lúa nước và cây ngắn ngày 74 ha; đàn gia súc với 194 con bò, dê. Để giúp hội viên có thêm kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, Hội đã phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ... Hội cũng tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình: trang trại nuôi gà ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định); nuôi hươu, nai lấy nhung và cải tạo vườn tạp, tái canh cà phê ở thị trấn Chư Prông... Sau khi tham quan, học hỏi, một số hội viên đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để triển khai mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung và nuôi gà.
 
Bên cạnh đó, Hội cũng vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp quỹ để giúp đỡ hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp, đồng thời tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ngân hàng. Đến nay, toàn xã có 7/11 chi hội xây dựng nguồn quỹ Hội với số tiền 195 triệu đồng, giải quyết cho 22 hội viên vay 10-15 triệu đồng/người. Hội cũng tạo điều kiện cho 174 hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền gần 1,6 tỷ  đồng.
 
Ngoài ra, để thúc đẩy phong trào giúp hội viên CCB làm kinh tế, Hội cũng đã tổ chức cho các chi hội người Kinh kết nghĩa với chi hội dân tộc thiểu số; thành lập câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” để hội viên có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Nhờ đó, cuộc sống của hội viên từng bước được cải thiện, toàn xã hiện có khoảng 80/207 hộ hội viên có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên và 10 hộ hội viên thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên.
 
Là một trong những CCB có thu nhập cao từ 4 ha cà phê và 2.000 trụ hồ tiêu, ông Trần Văn Hào (thôn 4) chia sẻ: “Cách đây vài năm, khi thấy 4 ha cà phê 17 năm tuổi của gia đình bắt đầu già cỗi, năng suất sụt giảm, tôi đã quyết định tái canh 2,5 ha. Thay vì mua cây giống trôi nổi ngoài thị trường, tôi chọn giống cà phê đa dòng của Viện Ea Kmat Tây Nguyên vì giống này cho cây chắc, tán rộng và quả to”. Cũng theo ông Hào, vườn cà phê tái canh của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ 2 với năng suất như mong đợi, bình quân 5 tấn cà phê nhân/ha. Mới đây, gia đình ông đã tái canh 1,5 ha còn lại và trồng xen 300 cây bơ, sầu riêng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hào còn tận tình hướng dẫn hội viên trong xã tái canh cà phê, trồng xen cây ăn quả trong diện tích cà phê, hồ tiêu để cải thiện thu nhập.
 
 Phương Dung (GLO)