Thực trạng và giải pháp các công trình cấp nước sạch nông thôn ở Chư Prông

21/09/2020
Công trình cấp nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Thời gian qua, cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai nói chung huyện Chư Prông nói riêng đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

 
 
 
Bà con đồng bào dân tộc thiểu số bên công trình cấp nước tập trung của làng
 
Mặc dù, công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng quá trình vận hành, khai thác và sử dụng các công trình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Chư Prông có 22 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó, có 06 công trình hoạt động tương đối bền vững, 07 công trình hoạt động kém bền vững, 06 công trình đã dừng hoạt động và 03 công trình được xây dựng mới trong năm 2019, hiện chưa đi vào hoạt động. Các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện Chư Prông hầu hết được đầu tư từ nhiều Chương trình, dự án để cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, hầu hết đối tượng dùng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt còn khó khăn, người dân chưa nhận thức được một cách đầy đủ về vai trò của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý và thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình; một số công trình sau một thời gian hoạt động cung cấp nước cho người dân và thực hiện việc thu tiền nước thì người dân không sử dụng nước từ công trình nữa và tự tạo nguồn nước nhỏ lẻ riêng cho gia đình; một số địa phương đã chủ động xuất kinh phí để hỗ trợ đóng tiền điện cho công trình cấp nước tập trung nhằm đảm bảo công trình hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân.


Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung làng Griêng, xã Ia Boòng đã ngừng hoạt động
 
Mặt khác, trong quá trình quản lý, vận hành khai thác các công trình cấp nước tập trung do UBND xã quản lý chưa có sự đồng bộ và thiếu tính bền vững; một số công trình hoạt động theo hình thức không thu tiền nước, chỉ thu tiền điện, nên không có kinh phí sửa chữa khi bị hư hỏng. Khi có sự cố Trưởng thôn chịu trách nhiệm huy động nhân lực, vật lực nên ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục công trình. Ngoài ra, tổ quản lý vận hành không có trình độ chuyên môn, thù lao thấp hoặc không có thù lao, quyền lợi không gắn với kết quả vận hành công trình, không phải chịu trách nhiệm bảo toàn tài sản nhà nước đã đầu tư, lại ít được đào tạo tập huấn về công nghệ, nghiệp vụ dẫn tới tình trạng quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa chưa tốt... Từ các nguyên nhân đó ngày càng làm suy giảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện.
 

Công trình cấp nước tập trung tại thôn Bình An, xã Bàu Cạn đang trong quá trình lắp đặt
 

Đến cuối năm 2019, dân số toàn huyện Chư Prông đạt 130.116 người/29.947 hộ gia đình. Trong đó có 61.802 người/13.404 hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ dân số đô thị được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,7%, tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,5%, tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87,3%. Trong năm 2020, khi 03 công trình cấp nước tập trung nông thôn tại 03 xã Bàu Cạn, Ia Tôr, Ia Me đi vào vận hành, sẽ góp phần nâng tỷ lệ người dân toàn huyện được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh trung bình đạt trên 95%. 



Công trình cấp nước tập trung tại làng Siu, xã Ia Me đang
trong thời gian vận thành thử nghiệm
 

Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn huyện trong thời gian tới, UBND huyện Chư Prông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cơ quan cấp trên về tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn huyện để có thể sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn huyện. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước, vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn tham gia sửa chữa đường ống, cụm đầu mối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào, giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời tuyên truyền cho người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch nông thôn chuyển dần từ phục vụ sang dịch vụ để góp phần đảm bảo các chi phí cần thiết trong việc quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng đối với công trình; Có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp cụ thể cho từng khu vực; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước sạch theo quy định; Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước nông thôn tập trung để có cơ sở đề xuất phương án điều chuyển, cho thuê, chuyển nhượng, thanh lý công trình nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả và đúng mục tiêu đầu tư ban đầu của các công trình cấp nước tập trung nông thôn cũng như ngày càng nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn huyện được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường của Chương trình xây dựng Nông thôn mới toàn huyện trong thời gian sớm nhất.
            Bài, ảnh: Minh Anh