Chư Prông: Chú trọng chất lượng dạy và học

29/08/2018
(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Prông, Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong năm học mới, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đổi mới phương pháp dạy và học, cũng như sắp xếp lại mạng lưới trường lớp.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
 
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành tốt các chương trình giáo dục theo từng bậc học là nhiệm vụ được ngành GD-ĐT huyện Chư Prông xác định là hết sức quan trọng. Vì vậy, ngành đã xây dựng đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 2 năm triển khai, 100% các trường Mầm non, Tiểu học đã tổ chức dạy tiếng Việt 1-2 tuần trước tuần thực học, góp phần trang bị cho học sinh những kỹ năng nghe, nói tiếng Việt. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ duy trì sĩ số ở bậc Mầm non đạt 100%, bậc Tiểu học đạt 99,9% và bậc THCS đạt 94%. 
 
  Một giờ học Mỹ thuật của các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông).                                                                Ảnh: L.N
Một giờ học Mỹ thuật của các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: L.N
 
Thầy Trần Văn Hải-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (xã Ia O) cho biết: Năm học 2018-2019, toàn trường có 23 lớp với 416 em học sinh. Thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương thành lập Ban Chỉ đạo duy trì sĩ số và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt theo từng lớp; tăng cường thời lượng dạy môn Toán và tiếng Việt bằng cách phụ đạo 2 buổi chiều/tuần. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức rà soát để phân loại đối tượng học sinh rồi tăng cường dạy thêm cho các em yếu về tiếng Việt; bố trí các bảng chỉ dẫn ở cầu thang, trong lớp để các em tiếp cận và hiểu thêm về tiếng Việt; tổ chức giao lưu tiếng Việt giữa các khối lớp, giữa các điểm trường với nhau. Đặc biệt, từ năm học 2016-2017, trong các buổi chào cờ đầu tuần, các lớp đều phân công học sinh thay phiên nhau lên đọc các mẩu chuyện về Bác Hồ cho tất cả trường nghe và học tập.
 
“Qua đó, đến nay đã có trên 90% học sinh nói tiếng Việt tốt. Việc duy trì sĩ số trong năm học 2017-2018 của trường cũng đạt 100%. Trường tiếp tục phấn đấu giữ tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100% trong năm học 2018-2019”-thầy Trần Văn Hải cho hay.      
   
Đổi mới phương pháp dạy và học
 
Trò chơi ghép hình trong thư viện thân thiện. Ảnh: Lê Nam
Trò chơi ghép hình trong Thư viện thân thiện. Ảnh: Lê Nam
 
Năm học 2018-2019, huyện Chư Prông có 62 trường (20 trường Mẫu giáo và Mầm non, 21 trường Tiểu học, 21 trường THCS) với 927 lớp, 28.156 học sinh. Ngay từ đầu năm học, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-cho biết: Đối với bậc Mầm non, ngành GD-ĐT huyện yêu cầu các trường triển khai giải pháp nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 15%, trẻ đi Mẫu giáo 3-4 tuổi đạt 75% và trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ ở mọi nơi, mọi lúc và phát triển kỹ năng giao tiếp...
 
Đối với bậc phổ thông (Tiểu học và THCS), Phòng chỉ đạo các trường tăng cường các hoạt động giao lưu, trải nghiệm cho học sinh; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá định kỳ chất lượng học sinh; tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, pháp luật cho học sinh. Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn, mô hình “Thư viện thân thiện”; đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm tại các tổ, khối trong trường và giữa các trường với nhau...
 
Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hằng, trước thềm năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện đã tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp và hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học để phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Từ các nguồn vốn khoảng 11,5 tỷ đồng, năm nay, huyện xây mới, sửa chữa phòng học, mua sắm trang-thiết bị cho các trường; điều chuyển một số cán bộ quản lý, giáo viên cho phù hợp và cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tạo điều kiện an tâm công tác, nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.         
 
Lê Nam
Baogialai.gov.vn