Già làng H’Lâm, ngọn đuốc dẫn đường ở Ia Mơr

14/01/2022
Đến vùng biên giới Tây Nguyên, nhắc đến già làng H’Lâm rất nhiều người biết. Bởi bà là một cựu chiến binh, nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên đã can đảm dẫn dắt dân làng “bước qua lời nguyền”, vươn lên trong cuộc sống, giúp bà con thoát đói nghèo, lạc hậu.

H’Lâm thực sự là ngọn đuốc dẫn đường cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Ia Mơr.

Nữ già làng “cải cách kinh tế”

Trở lại vùng biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), chúng tôi rất ấn tượng bởi những con đường bê tông trải dài, những nương lúa bạt ngàn đang mùa thu hoạch, những vườn cà phê xanh tốt, vườn điều trĩu quả, những chuyến xe nối đuôi nhau giao thương hàng hóa, minh chứng cho một vùng đất trù phú phát triển. Thành quả ấy có công lao không nhỏ của nữ già làng Ksor H'Lâm.

Năm 1945, một ngày mưa tầm tã, trong nhà chòi gần con suối nhỏ ở làng Krông, xã Ia Mơr, Ksor H’Lâm được mẹ “vượt cạn” sinh ra. Hơn chục mùa rẫy thì H'Lâm bước chân theo cách mạng. Đầu tháng 11-1965, H’Lâm là một trong ít "chiến sĩ gái” tham gia vào Chiến dịch Plei Me. Đất nước thống nhất, H’Lâm tiếp tục gắn bó với binh nghiệp cho đến năm 1978 thì nghỉ hưu với quân hàm thượng úy. Trở về làng bản với cuộc sống thường nhật, H'Lâm không lấy chồng, bởi tuổi xuân đã gửi lại chiến trường.

Bao nhiêu năm đi làm cách mạng trở về, ngôi làng của H’Lâm vẫn chưa có sự thay đổi là bao. Vẫn những ngôi nhà tranh lụp xụp, bao đứa trẻ thất học, đi theo cha mẹ làm nương rẫy, tóc cháy hoe vàng; những chòi lúa chưa đến mùa gặt nhưng đã lép kẹp chỏng chơ, trống hoác. Bao đêm nằm trăn trở, với suy nghĩ “mình là cán bộ, đảng viên mà để bà con đói khổ là có tội”, H’Lâm đi sâu tìm hiểu, tìm ra nguyên nhân của cái đói nghèo, lạc hậu và cách giúp đỡ người dân.

Nữ già làng Ksor H’Lâm (bên trái) trong buổi vận động bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc dọc tuyến biên giới. 

"Để bà con nghe theo, trước hết mình phải nói được, làm được". Từ suy nghĩ đó, ngày đêm H’Lâm tích cực phát quang cây cối, mở rộng diện tích đất sản xuất và chọn các loại cây phù hợp, trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Cây lúa nước được bà chọn đầu tiên, bởi theo H’Lâm, có hạt gạo để ăn, no cái bụng thì mọi việc sẽ thuận lợi. Cùng với đó, bà nuôi thêm một đàn bò hơn ba chục con, mấy con heo nái, rồi gà, vịt...

Vừa làm, H’Lâm vừa vận động bà con làm theo, hết lòng giúp đỡ những gia cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Trong công tác tuyên truyền xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, già làng H’Lâm luôn tiên phong. H’Lâm cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức làm chủ vùng biên giới, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một số bà con người DTTS nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép qua Campuchia, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và dịch Covid-19.

Ksor H’Lâm chia sẻ: "Thấy bà con khổ cực, mình phải tìm cách xóa đói, giảm nghèo, nhưng phải làm thế nào đây? Cho chị, cho em mượn vốn, mượn bò về nuôi, mình sẵn sàng, chỉ có điều nguồn vốn và đàn bò của mình có hạn, không giải quyết được bao nhiêu...".

Nói đến đây, giọng của nữ già làng bỗng chùng xuống. Tôi hiểu tấm lòng của H’Lâm, người chiến sĩ cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ. Làng Krông quê hương của H’Lâm vẫn còn nghèo. Đó là một thực tế cần giải quyết, nhưng làm thế nào thì một mình già làng chưa đủ sức. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài vận động bà con vùng biên giới bỏ chặt rừng, đốt cây lấy đất trồng lúa nương, chuyển sang khai phá đất trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, phát triển mô hình VAC... thì gần như người dân cả vùng biên này đều được H’Lâm hỗ trợ cây giống, vật nuôi, cho mượn vốn, mượn bò để phát triển kinh tế.

Bà Ksor H’Liêl, một người dân ở làng Klăh cạnh làng Krông của H'Lâm, đã ngoài 80 tuổi, không giấu được niềm vui khi nói chuyện cùng chúng tôi. Bà cho biết: “Ở vùng biên giới này, già làng Ksor H’Lâm là người của Bộ đội Cụ Hồ, người đem lại hạnh phúc, niềm vui đến cho mọi nhà, mọi người. Có được cuộc sống ấm no như hôm nay, chúng tôi thực sự tự hào về nữ già làng Ksor H’Lâm!”.

“Dắt làng bước qua lời nguyền”

Nói đến nữ già làng H’Lâm là nói đến một tấm gương sáng, bởi có những việc làm không ai dám nghĩ tới, không ai làm được thì H’Lâm lại làm và quyết làm bằng được. Trong chuỗi dài thành tích của H’Lâm, có lẽ đặc biệt hơn cả là chuyện “dắt làng bước qua lời nguyền”, đó là vận động bà con DTTS ở vùng biên giới bỏ đi luật tục chôn chung, một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật.

Ở đây, người Gia Rai thường khi chết sẽ được chôn chung một nấm mồ. Có những người vừa mới về với atâu (ông bà) chưa đầy mười ngày, thân thể chưa phân hủy thì người sau bị chết, dân làng lại “bật nắp” lên và đưa thêm vào, mùi hôi thối cùng với những vi trùng mang mầm bệnh có điều kiện tán phát. Đây là nguyên nhân khiến các dịch bệnh lây lan. Thương đồng bào, thương những đứa trẻ xấu số chết đi vì môi trường sống không lành mạnh, H’Lâm quyết làm cuộc vận động: “Đưa người chết ra nghĩa địa” và bỏ đi tập tục chôn chung.

H’Lâm kể: “Lúc đầu, chuyện đưa người chết ra nghĩa địa không phải là dễ. Cả làng nhao nhao đòi phạt mình 5 con bò vì “vi phạm” lời nguyền vạn kiếp của ông bà để lại, có tội với atâu, có tội với yang (thần linh)... Phạt thì cứ phạt, nhưng H’Lâm vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Mưa dầm thấm lâu, bà con thấy H’Lâm “vi phạm lời nguyền” đã lâu mà không thấy yang phạt gì, dân trong làng không ai ốm đau, trâu bò vẫn sinh nở, lúa tốt, bắp nhiều hạt, con chuột, con hoẵng không đến phá... Thế là H’Lâm nói đúng, dân làng mình nghe theo thôi! “Cuộc cách mạng dành cho người ra đi” đã thành công.

Không dừng lại, H’Lâm tiếp tục vận động bà con bỏ đi hủ tục “vượt cạn” sinh con và cả hủ tục “năn tui mí” (mẹ mất chôn con theo). Chỉ vì hủ tục lạc hậu mà bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh vô tội đã phải ra đi cùng với người mẹ xấu số. Đến từng nhà nói chuyện, chỉ cho người dân thấy bao nhiêu cái chết thương tâm cũng vì thiếu hiểu biết, rồi giải thích ý nghĩa của việc sinh con ở bệnh xá, bệnh viện... để cho mẹ tròn con vuông, những đứa trẻ sinh ra lành lặn, mạnh khỏe.

Lúc đầu chỉ một số chị em người nhà của H’Lâm đến bệnh xá để sinh và kết quả tốt đẹp, dần dần chị em trong làng cứ sinh là đến bệnh xá... Phong trào chị em phụ nữ bỏ tục một mình “vượt cạn” đã thành công, hủ tục “năn tui mí” cũng không còn. 5 năm qua, trong làng và trên địa bàn đã hết cảnh mẹ "vượt cạn" qua đời, con phải đi theo... cái bụng, H’Lâm mừng vô kể, cuộc sống đồng bào thay đổi, no đủ, bệnh tật đã lui dần...

Trao đổi với chúng tôi về nữ già làng H'Lâm, anh Rơ Châm Phót (21 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở làng Krông xúc động: “Nếu như ngày ấy không có già làng H’Lâm đến cứu thì bây giờ tôi và em trai Rơ Châm Phét đã không còn trên cõi đời này. H’Lâm không chỉ là ân nhân cứu mạng của anh em tôi, mà ở vùng biên giới này còn nhiều người được nữ già làng cứu lắm...”.

Còn bà Rơ Châm Thon, mẹ của cặp anh em sinh đôi ở trên thì vẫn nhớ như in câu chuyện sinh con của mình: “Cách đây hơn 20 năm, hôm đó trời mưa như trút nước, đường sá lầy lội, con suối nhỏ nước dâng cao gầm réo hung dữ, cũng là lúc mình chuyển dạ sinh con. Hai đứa con trai bụ bẫm chào đời, chưa kịp vui thì nỗi buồn ập đến, đó là dân làng bắt buộc phải giết một trong hai đứa, bởi theo lệ tục ở đây, ai sinh đôi là điềm gở. Hàng chục người dân đốt đuốc, cầm dao rựa hùng hổ tìm đến...

Tôi chỉ biết ôm con vào lòng và cầu mong mọi chuyện tốt đẹp. Nghe tin, H’Lâm vội chạy đến thăm, động viên và kiên quyết không cho ai giết đứa nhỏ. Bà nói và giải thích với dân làng: “Con người sinh ra là phải được sống, ai giết người là có tội với yang, là vi phạm pháp luật, bị xử tù...”. Lúc đầu họ không nghe, la ó phản đối, đòi phạt heo bò, H’Lâm không nản, vừa ôm chặt để cứu hai đứa nhỏ, vừa tích cực vận động... Cuối cùng, bà con hiểu ra, trở về làng. Đón lại hai đứa con từ tay H’Lâm, tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc".

Đánh giá về vai trò của nữ già làng Ksor H'Lâm, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông khẳng định: “H’Lâm là nữ già làng đầu tiên ở vùng biên giới Gia Lai. Người dân địa phương rất tự hào về bà. Trong cuộc sống, bà luôn gương mẫu đi đầu, từ tham gia cách mạng cho đến vận động và giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân địa phương. Trong chiến tranh, H’Lâm đã hy sinh cả tuổi thanh xuân đi làm cách mạng. Thời bình, già làng H’Lâm lại lặng thầm tỏa sáng, bà thực sự là ngọn đuốc dẫn đường cho bà con vùng biên giới Chư Prông".
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI
Nguồn: 
https://www.qdnd.vn
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png