Nông thôn mới Chư Prông Trước năm 2010

22/07/2019
Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Chư Prông được triển khai thực hiện trong điều kiện kinh tế trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy; giám sát chặt chẽ của HĐND huyện, sự phối hợp đồng bộ của UBMTTQ huyện, sự điều hành quyết liệt khoa học của UBND huyện, hệ thống chính trị từ huyện đến xã cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện đã vào cuộc quyết liệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tiêu chí về nông thôn mới tăng đều qua các năm. Tính đến nay đã có 05 xã trên địa bàn đạt chuẩn xã nông thôn mới, đã tạo được khí thế quyết tâm của cả hệ thống trị, tạo sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và ổn định. Người dân đã thực hiện đúng vai trò chủ thể của mình chung sức góp nhiều tỉ đồng, hàng ngàn ngày công, hàng ngàn m2 đất để xây dựng Nông thôn mới.

 
Bí thư HU Bùi Viết Hội và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Dũng trong lễ công nhận xã Ia Drăng đạt chuẩn NTM

Từ Nghị quyết ý Đảng, hợp lòng Dân
Việc xây dựng NTM ở Chư Prông không chỉ bắt đầu từ năm 2011mà thực sự nó đã bắt đầu từ những năm 1997, xuất phát điểm chính là ngày 26/02/1997 Huyện uỷ Chư Prông đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ - HU về xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiệm vụ cụ thể của nghị quyết là: Tập trung hoàn chỉnh qui hoạch phát triển nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới; thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư theo hướng Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn.
Cần nói lại rằng từ những năm 1996 trở về trước, tuy đã cơ bản hoàn thành công tác định canh định cư, nhưng do quan niệm và nhận thức lúc bấy giờ công tác định canh, định cư chủ yếu là qui tụ và hướng dẫn nhân dân lập vườn hộ gia đình, chưa chú trọng đến công tác qui hoạch nên công tác định canh, định cư còn rời rạc, manh mún; khoảng cách làng này đến làng kia từ 2 - 3km, bất tiện cho sinh hoạt, đi lại, học hành, chữa bệnh... chưa tạo nên những cụm dân cư tập trung; chưa gắn kết mạng lưới điện, mạng lưới giao thông cũng như trường học, trạm xá và các công trình phúc lợi khác. Vì vậy sau khi xây dựng phương án bố trí lại dân cư cho phù hợp, còn 11 làng với 507 hộ - 2.725 nhân khẩu phải di dời, định cư mới và 959 hộ - 4.891 khẩu phải dịch chuyển, củng cố lại cho đảm bảo theo qui hoạch mới.
 
 
Những ngày đầu vận động nhân dân xây dựng “Nông thôn mới theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” ở Chư Prông
 
Nghị quyết 03 ngày 26/2/1997 đã đến với các tầng lớp nhân dân, chính quyền cơ sở được hướng dẫn, qui hoạch định canh, định cư.  Nhân dân đã được vận động định cư, cải tạo vườn tạp, thiết lập và qui hoạch các cụm công trình dân cư theo làng, liên làng và cụm xã. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở qui hoạch mạng lưới giao thông cùng với các cụm công trình công cộng làng, xã, cụm xã. Những nơi khi đã định cư ổn định xúc tiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học và đầu tư hỗ trợ cải tạo vườn tạp, hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi và các khu vui chơi giải trí... mang tính ổn định, lâu dài trên cơ sở qui hoạch đã được trưng cầu ý kiến nhân dân bàn bạc công khai, dân chủ. Các địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác qui hoạch gắn với công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới theo hướng Công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hàng loạt các làng đồng bào nằm rải rác, xa trung tâm, xa đường lớn đã được di chuyển ra vùng thuận lợi, phù hợp quy hoạch từ đó đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn cũng dần thay da đổi thịt. Điều quan trọng là chính từ sự đồng thuận, thông suốt, sự đoàn kết phát huy nội lực của cán bộ và nhân dân toàn huyện mà ở thời điểm đó kinh phí dành cho đền bù giải phóng mặt bằng gần như không cần.
 
Đón luồng sinh khí mới từ chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Năm 2011 khi cả nước chung tay xây dựng NTM thì Chư Prông tiếp tục đón nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới như một luồng sinh khí mới có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của huyện. Chư Prông đã đề những công việc cụ thể gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cấp uỷ, chính quyền, mặt trận đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới; huy động sức mạnh nội lực của toàn dân tham gia phong trào, thực hiện trước những tiêu chí mà chưa cần đến sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước. Tập chung vào giải quyết 19 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp với từng địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo đúng quy định đạt hiệu quả. Thực hiện lồng ghép những chương trình, dự án đã có trên địa bàn… Nông thôn Chư Prông đang thay đổi từng ngày. Người dân đã đóng góp làm hệ thống đèn đường chiếu sáng, không ít người hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã; các hủ tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ, mọi người đều thực hiện nếp sống văn hóa, cùng nhau giữ gìn bản sắc dân tộc. Hình ảnh những người trẻ, người già ai vào việc nấy cùng hăng hái lao động dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tự giác tháo bỏ những hàng rào vi phạm lộ giới đã không còn xa lạ với người dân Chư Prông. Những phần việc không cần đến sự đầu tư của nhà nước, những công việc mang tính thường nhật đã và đang được các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân Chư Prông thực hiện quyết liệt vì một nông thôn mới hiện đại nhưng cũng đậm đà bản sắc, làng Klũh, Klăh xã Ia Boòng là một ví dụ cho điều đó.
 
Người dân Chư Prông đón hồ hởi cùng nhau xây dựng NTM
 
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Chư Prông về xây dựng làng điểm NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu năm 2018, Đảng ủy xã Ia Boòng đã chọn làng Klũh Klăh để triển khai. Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện đã tích cực vào cuộc cùng xã để giúp bà con làng Klũh Klăh xây dựng NTM. Trong đó, các đơn vị tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân huy động sức mạnh nội lực thực hiện những phần việc chưa cần sự đầu tư của Nhà nước. Nhận thức rõ những lợi ích của việc xây dựng làng NTM, nhiều hộ dân ở làng Klũh Klăh đã tự nguyện đóng góp ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cổng chào, hàng rào và hiến đất để có những con đường được cứng hóa giúp bà con đi lại rất thuận lợi. Dân làng phấn khởi.
Để Klũh Klăh trở thành làng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Ia Boòng luôn xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phân công cụ thể các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách công tác xây dựng làng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Các tổ chức chính trị-xã hội cùng vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện những công việc cụ thể. Ngoài ra, xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đời sống của 128 hộ ở làng Klũh Klăh, từ đó đưa ra những giải pháp, hướng hỗ trợ phù hợp.
 
 
 Các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên xuống cơ sở đôn đốc xây dựng NT
 
Với 19 xã và 01 thị trấn, song song với việc tập trung xây dựng NTM thì công tác xây dựng đô thị văn minh cũng luôn được huyện Chư Prông quan tâm thực hiện, các tổ dân phố, các khu dân cư trên địa bàn thị trấn Chư Prông đã luôn được chỉnh trang, đầu tư xây dựng, người dân văn minh trong ứng sử, lịch sự trong giao tiếp, mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày… thôn Đông Hà là một trong những nơi như vậy, 3 năm liền thôn Đông Hà giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện, hiện toàn thôn có 316 gia đình văn hóa trong đó có 12 gia đình văn hóa tiêu biểu, Người dân trong thôn luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong việc thực hiện cuộc vận động, thôn Đông Hà đã thay đổi một cách nhanh chóng. Mọi người dân đều được đóng góp ý kiến, hiến kế để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình. Các con đường trong thôn đã phong quang sạch sẽ, hai bên đã có đường rãnh thoát nước, những mảnh vườn đã được bao bọc bời hàng rào, không còn cỏ dại và cây rừng mọc tự do mà thay vào đó là những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói từ việc xây dựng NTM, người dân Chư Prông đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để có những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, vượt khó vươn lên. Mô hình chăn nuôi nuôi hươu, nai của anh Nguyễn Văn Thuận, làng Xom, xã Ia Pia huyện Chư Prông là một ví dụ. Năm 2013 nhiều diện tích tiêu trên địa bàn huyện Chư Prông nói chung và xã Ia Pia nói riêng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gia đình anh Thuận cũng có 3 sào hồ tiêu vừa kịp phủ kín trụ  đã đổ bệnh rồi chết  hoàn toàn. Đang loay hoay suy tính tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, tình cờ một lần xem ti vi, thấy ở tỉnh Nghệ An có mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã tìm hiểu kỹ về 2 loài động vật này và quyết định đầu tư chăn nuôi. Từ 3 con nai giống ban đầu được mua với giá 75 triệu đồng, chỉ  sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, số nai nhà anh phát triển tốt, cho thu hoạch hơn 1 kg nhung, bán được 15 triệu đồng. Vui mừng vì khởi đầu chăn nuôi thuận lợi, anh quyết định mở rộng trang trại và mua thêm giống hươu, nai về nuôi. Đồng thời tận dụng diện tích đất trồng tiêu bị chết để trồng cỏ làm thức ăn cho hươu, nai. Đến nay trại nuôi hươu nai của gia đình anh Thuận luôn duy trì từ 20-22 con, có thời điểm anh tăng đàn lên trên 30 con. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ, đàn hươu, nai của gia đình anh phát triển tốt, cho nhung đều đặn 2 lần/năm. Khoảng 16-24 tháng tuổi, hươu, nai đã cho thu hoạch nhung. Hiện tại, 1 kg nhung hươu có giá khoảng 16 triệu đồng và 1 kg nhung nai có giá 1từ 10-12 triệu đồng. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh Thuận có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
 
 
 
 
Phát huy nội lực cùng với tranh thủ các nguồn đầu tư và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân là một trong những thành công của Chư Prông trong xây dựng NTM
 
 NTM ở Chư Prông còn thể hiện ở việc chính quyền cơ sở đã biết khơi dậy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tranh thủ sự đầu tư, giúp đỡ của các Mạnh thường quân đồng thời với đó là thắt chặt tình đoàn kết giữa cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, công nhân các doanh nghiệp để cùng với nhân dân xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nhìn lại công tác xây dựng NTM trong suốt những năm qua, Chư Prông có thể tự hào về những kết quả đã đạt được, tự hào vì ngay từ những năm 1997 huyện đã có NQ 03, đây chính là thể hiện tầm nhìn, sự quyết tâm của cán bộ, quân và dân huyện nhà. Tuy nhiên bên cạnh đó hiện nay vẫn còn đó những tồn tại, ở một số thôn làng người dân vẫn trông chờ ỉ lại, vẫn coi việc xây dựng nông thôn mới chỉ là sự đầu tư của cấp trên về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vẫn còn cảnh gia súc, gia cầm được thả rông, vườn tược không có hàng rào, hoang hóa.   
Xây dựng nông thôn mới là một việc làm lâu dài, khó khăn nhưng rất hợp với lòng dân. Để xây dựng thành công Nông thôn mới, hơn ai hết mỗi người dân Chư prông đã và đang ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể dần từng bước hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM.
 
                                                                                Bài, ảnh: Khánh Linh
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png