Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa X) về "Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện"

19/10/2018
Đồng chí: Nguyễn Đình Lương
                                         UVBTV - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ
 

            Thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện kèm theo Quyết định 1153-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trong những năm qua, cấp ủy huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm BDCT huyện thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và mở các loại lớp theo yêu cầu của cấp trên. UBND huyện quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng, mua sắm các trang thiết bị, phương tiện làm việc và cấp kinh phí mở lớp, đảm bảo cho Trung tâm hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị của huyện nhà.
            Về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách. Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ luôn quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Hiện nay, Trung tâm có 04 người, trong đó 01 giám đốc, 01 giảng viên, 01 kế toán và 01 văn thư, lưu trữ, thư viện (hợp đồng), cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Về chế độ chính sách, thực hiện đúng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, giảng viên và nhân viên theo quy định hiện hành.
            Hàng năm, huyện đảm bảo kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên cho Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, từ năm 2008 - 2018 huyện đã cấp kinh phí cho Trung tâm là: 16.686.921.000 đồng: trong đó chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng là 4.017.790.000 đồng (trong đó: Năm 2012 đầu tư nhà hiệu bộ, nhà học 02 tầng, sân bê tông: 3.596.701.000 đồng; năm 2017 đầu tư  sân bê tông, nhà để xe: 421.089.000 đồng); chi thường xuyên là 12.669.131.000 đồng ( trong đó chi cho đào tạo bồi dưỡng 6.203.128.000 đồng).
            Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên được quan tâm đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, Trung tâm có 02 giảng viên chuyên trách và 5 giảng viên kiêm chức, trong đó 100% có trình độ đại học, 6/7 người có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị và 01 trung cấp chính trị. Với những "lợi thế" về kinh nghiệm, cương vị công tác, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ. Chất lượng giảng dạy vì thế cũng từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm.
            Về kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Ban Thường vụ Huyện uỷ thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện thường xuyên chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Công tác chiêu sinh, khảo sát, quản lý hồ sơ, thủ tục của mỗi loại hình lớp học đều đảm bảo quy trình. Số lượng các lớp và học viên tham gia học tại Trung tâm năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn (2008 - 2018), Trung tâm bồi dưỡng Chính trị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được được 291 lớp với 24.544 người học luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng, mở lớp 10 năm qua ở tại Trung tâm BDCT huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Công tác chiêu sinh, tổ chức, quản lý lớp cũng như công tác giảng dạy và học tập thực sự đã đi vào nề nếp, đạt nhiều kết quả. Trung tâm đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Qua hoạt động, đội ngũ cán bộ đảng viên của huyện và cơ sở đã vận dụng những kiến thức được nghiên cứu tiếp thu vào trong thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.
            Phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học viên được Trung tâm chú trọng đổi mới. Trong những năm qua, các giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp người học tiếp cận và hiểu nội dung chuyên đề nhanh hơn. Bên cạnh đó, giảng viên lên lớp còn yêu cầu học viên phải ghi chép đầy đủ, kết hợp nghiên cứu tài liệu. Trong quá trình diễn ra các lớp học, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức quản lý tốt các lớp học, điểm danh học viên, làm căn cứ cho việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và cấp giấy chứng nhận hoàn thành các chương trình học cho học viên, góp phần nâng cao chất lượng học tập của học viên.
            Trong giảng dạy, giảng viên luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học giáo dục lý luận chính trị, lý luận gắn liền với thực tiễn, cập nhật thông tin mang tính thời sự, lồng ghép thực tiễn địa phương, đơn vị để bài giảng thêm phong phú, sinh động, từ đó nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cũng như tạo sự hứng thú cho người học, làm cho những buổi giảng dạy, học tập lý luận chính trị không khô cứng, giáo điều. Người học có ý thức trách nhiệm hơn trong học tập, nghiêm túc chấp hành nội quy của Trung tâm.
            Về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Trong những qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ xác định việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tự giác trong học tập, chủ động trong nghiên cứu của học viên. Trong mỗi bài giảng tùy vào đối tượng người học để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Phần lớn các lớp học đều dành một buổi cho học viên thảo luận, hệ thống lại kiến thức đã học và giải đáp các thắc mắc từ phía người học để củng cố lại kiến thức cho học viên, cuối đợt học căn cứ vào kết quả viết bài thu hoạch để đánh giá, xếp loại học viên.
            Cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ làm việc, giảng dạy và học tập tại Trung tâm được cấp ủy, các ngành quan tâm. Hiện Trung tâm có trụ sở làm việc riêng với tổng diện tích: 7.200 m2, trong đó: 03 phòng học, 01 phòng họp và 6 phòng làm việc cho cán bộ viên chức, có 01 Hội trường phục vụ cho việc mở lớp giảng dạy; nhà nội trú cho học viên có diện tích 225 m2 với 06 phòng ở học viên, 01 phòng ăn học viên và 02 phòng ở của giảng viên được trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết; có 03 bộ máy vi tính trang bị cho cán bộ, viên chức và 01 máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy.
            Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế nhất là trong công tác chiêu sinh mở lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nguồn nhân lực tuy đã được đầu tư, bổ sung cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu xây dựng Trung tâm đạt chuẩn. Đội ngũ biên chế tại Trung tâm còn thiếu; thư viện còn thiếu nhiều đầu sách chưa đáp ứng được yêu cầu của đội ngũ giảng viên và học viên; thiếu nguồn kinh phí để tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế.
            Nguyên nhân tồn tại, hạn chế trên là: Do nguồn nhân sự bố trí cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị có thời điểm chưa bố trí kịp thời; một số chương trình đào tạo chưa thay đổi, bổ sung kịp thời nên chưa thu hút được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia học tập; đối tượng người học của Trung tâm chủ yếu ở các thôn, làng, trình độ học vấn còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, là lực lượng lao động chính trong gia đình, bên cạnh đó chế độ hỗ trợ cho người học thấp (chỉ 40.000 đồng/ ngày/người) nên khi được triệu tập, nhiều người không thể tham gia học tập.
            Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong thời gian tới cấp uỷ cần tập trung thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo  Huyện uỷ đồng thời là giám đốc Trung tâm. Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm bồi dưỡng chính trị sau khi thực hiện chủ trương này. Hàng năm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thường xuyên cải tiến công tác quản lý, đảm bảo các điều kiện cho hoạt động dạy - học, sinh hoạt ở Trung tâm nhằm nâng cao chất lượng học tập, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức , lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức của cơ quan và học viên về học tại Trung tâm; quán triệt, tuyên truyền nội dung các Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương khóa XII của Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh hàng năm. Xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nói đi đôi với làm; thường xuyên chủ động trong công tác, học tập, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png