Những năm qua, huyện Chư Prông luôn chú trọng triển khai chương trình tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng loại cây trồng này, giúp người dân cải thiện thu nhập. Theo Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, diện tích tái canh cà phê của huyện Chư Prông giai đoạn này là 1.943 ha. Tuy nhiên, nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, tính đến thời điểm hiện tại, huyện Chư Prông đã thực hiện kế hoạch tái canh cà phê đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Ước đến cuối năm 2020, toàn huyện thực hiện tái canh được 1.973,6 ha, đạt 101,88% kế hoạch. Đây là kết quả đáng phấn khởi cho nỗ lực của các cấp, ngành với quyết tâm cao để thực hiện thành công chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, qua đó, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Mô hình tái canh cà phê tại xã Ia Bang, trồng năm 2019
Việc xác định các yếu tố then chốt để thực hiện thành công chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn huyện có ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì vậy, mà từ năm 2016 đến nay, huyện Chư Prông đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các cơ quan đoàn thể của huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chương trình tái canh cà phê, những chính sách hỗ trợ tái canh, điều kiện để thực hiện tái canh cà phê… đến từng hộ dân để đăng ký thực hiện; thành lập các tổ công tác cấp huyện do Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện rà soát, hướng dẫn, kiểm tra các diện tích đăng ký tái canh đảm bảo đúng theo quy định; đồng thời, yêu cầu UBND các xã có diện tích cà phê thành lập Ban Chỉ đạo tái canh cà phê của xã để đôn đốc, rà soát diện tích tái canh trên địa phương quản lý; phân công Thành viên của Ban Chỉ đạo phụ trách các thôn, làng có diện tích tái canh để đôn đốc người dân thực hiện đảm bảo tiến độ tái canh và giám sát việc nhận giống và trồng của các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND huyện Chư Prông giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp Chi nhánh Công ty TNHH Nestle Việt Nam tại Tây Nguyên hỗ trợ (hỗ trợ 1.000 đồng/cây giống) cho khoảng 475.600 cây giống đến với người nông dân địa phương, riêng trong năm 2020, có khoảng 52.000 cây giống chất lượng cao, gồm các giống TRS1, TR4. Song song với đó, huyện cũng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo bà con về cách chọn và ươm giống cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê đảm bảo năng suất, chất lượng. Nhờ đó, ngoài trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, người dân địa phương đã mạnh dạn và chủ động hơn trong việc tái canh.
Mô hình tái canh cà phê tại xã Ia Boòng, trồng năm 2017
Một trong những kết quả tích cực cần nói đến nữa là ngày càng nhiều số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Chư Prông đã mạnh dạn và chủ động thực hiện tái canh cà phê. Đến nay, địa phương có hơn 347 hộ đăng ký tái canh với diện tích trên 126 ha. Việc giúp bà con thay đổi nhận thức về việc đưa giống mới có năng suất, chất lượng hơn để thay thế giống cũ thoái hoá không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần nâng cao hiệu quả xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng được huyện Chư Prông chú trọng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, cùng với đó là việc tháo gỡ vướng mắc về chính sách hỗ trợ để giúp đông đảo người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ.
Bài, ảnh: Minh Anh