Ngày 18 tháng 4 năm 2022 vừa qua,UBND xã Ia Púch đã tổng kết mô hình trồng lúa nước vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022. Đây là mô hình cấy lúa nước đầu tiên trên vùng biên giới xã Ia Púch (huyện Chư Prông), mô hình được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Tại buổi tổng kết có đồng chí Rah Lan H’Chiểu – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Kpuih Hồ Công Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ VN huyện cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, các chiến sỹ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân xã Ia Púch.
Các đại biểu về dự buổi tổng kết và thu hoạch lúa tại mô hình lúa Đông Xuân tại xã Ia Púch
Ngay từ sáng sớm tại cánh đồng lúa nước ở làng Chư Chư Kó xã Ia Púch, khá đông cán bộ xã Ia Púch cùng người dân làng Chư Kó, Cán bộ, chiến sĩ Công ty TNHH MTV Bình Dương – Binh đoàn 15, Đồn Biên phòng Ia Púch, đã có mặt tại khu vực mô hình 1,5 ha lúa nước. Hôm nay là ngày mà 04 hộ dân trong làng Chư Kó đã tham gia thực hiện mô hình trồng lúa nước vụ Đông Xuân năm 2021-2022 thu hoạch thành quả của mình sau hơn 4 tháng vất vả, cày bừa làm đất trồng cấy, chăm bón cho cây lúa của mình, và đây cũng là buổi xã Ia Púch tổ chức tổng kết mô hình để đánh giá toàn bộ quá trình triển khai mô hình.
Ông Lê Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho biết: “Sau khi mô hình triển khai thực hiện thì địa phương cũng đã vận động từ các nguồn xã hội hóa của các đơn vị doanh nghiệp đứng trên địa bàn, nhất là lực lượng vũ trang như công ty Bình Dương và Đồn Biên phòng cũng đã hỗ trợ kịp thời về nhân lực và phân bón để phục vụ cho mô hình. Có thể nói rằng, hiện nay mô hình đã thành công. Đây là mô hình mới đối với xã, do đó ban đầu cũng rất khó khăn, Đảng ủy, UBND cũng đã họp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo của xã để bám sát mô hình, phối hợp cùng với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, phòng Nông nghiệp huyện để hướng dẫn bà con nhân dân làm cỏ, bón phân, phun thuốc diệt côn trùng kịp thời với quy trình phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng phân công các ngành, đoàn thể tham gia cùng với hộ dân điều tiết nước, duy trì nguồn nước trên các thửa ruộng mô hình lúa nước”.
Xã biên giới Ia Púch huyện Chư Prông có 4 làng dân tộc thiểu số người Ja Rai, trên địa bàn hiện nay đã có một công trình thủy lợi tuy nhiên từ lâu nay người dân nơi đây vẫn quen với tập quán sản xuất chọc tỉa lúa rẫy vì thế năng suất rất thấp, thu hoạch bấp bênh, đất đai ngày càng bạc màu, cằn cỗ, việc trồng cấy lúa nước đối với người dân nơi đây quả là quá khó, vì bao đời nay họ có biết trồng, cấy như thế nào đâu. Vì thế tham gia mô hình này, người dân nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, của các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa bàn. Phòng nông nghiệp huyện đã hỗ trợ cho xã 120 kg lúa giống OM, Trung tâm dịch vụ NN cử chuyên viên kỹ thuật xuống hướng dẫn trồng và chăm sóc lúa Đông Xuân cho các hộ tham gia dự án. Công ty TNHH MTV Bình Dương hỗ trợ nhân dân công đoạn khai hoang ban đầu và công đoạn thu hoạch cho người dân với tổng kinh phí 27 triệu đồng. Về phía Đồn biên phòng Ia Púch đã hỗ trợ người dân 10 khối phân bò để bón lót và 50 công lao động giúp các hộ gia đình trong khâu sản xuất thực hiện mô hình.
Thượng tá Lưu Văn Đoàn – Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Bình Dương, Binh đoàn 15 cho biết: “Khi bắt đầu triển khai, công ty Bình Dương đã tham gia từ đầu và đến ngày hôm nay là gặt lúa. Công ty Bình Dương đã huy động cán bộ, chiến sỹ, người lao động kể cả thủ công, kể cả máy móc để san ủi lấy mặt bằng như ngày hôm nay. Có thể nói, khâu san ủi mặt bằng là khâu khó khăn nhất, vất vả nhất và công ty Bình Dương cơ bản đã đảm nhiệm khâu này. Qua mô hình này, chúng tôi cũng rút ra được: giúp dân cũng là một nhiệm vụ chính trị, nếu mình làm tốt thì dân sẽ theo”. Nếu địa bàn toàn xã được triển khai, nhân rộng mô hình này thì riêng Đảng ủy, Ban giám đốc công ty Bình Dương chúng tôi cũng sẽ hưởng ứng tham gia nhiệt tình, làm sao để mô hình lúa nước trên địa bàn xã phát triển bền vững”.
Cán bộ, chiến sỹ bộ đội, đoàn thanh niên giúp dân thu hoạch lúa.
Có thành quả thu hoạch được như ngày hôm nay trước hết phải nói là nhờ sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Đồng chí bí thư huyện ủy Đinh Văn Dũng, của Lãnh đạo UBND huyện đã thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát qua quá trình làm từ khâu làm đất đến cày, bừa, sạ và chăm sóc cây lúa. Sự nhiệt tình của những hộ dân tham gia mô hình, họ mong muốn mô hình như thế này sẽ tiếp tục được nhân rộng để không chỉ có các gia đình họ mà nhiều bà con khác trong làng, trong xã sẽ được tham gia làm đông hơn, cuộc sống sẽ ấm no hơn. Gia đình ông Siu Kim tham gia mô hình với 4 sào lúa nước, ông thu hoạch được 48 bao lúa ước tính khoảng 2,8 tấn lúa. Nó nằm ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông Siu Kim vui mừng cho biết: “Bốn hộ chúng tôi đăng ký thực hiện làm mô hình, ngay từ buổi đầu bắt tay vào làm khó khăn lắm, vì từ xưa đến nay người dân chúng tôi chưa làm bao giờ do đó còn bỡ ngỡ cứ phải xem cán bộ làm sao thì mình làm theo vừa học vừa làm, được cái cán bộ cũng nhiệt tình chỉ bảo chúng tôi cũng quen dần, trong mô hình này chúng tôi vất vả, nhưng để đạt được mục đích của mô hình thì chúng tôi phải trực thường xuyên làm sao để lúa được sinh trưởng tốt, trong quá trình làm nhiều bà con trong làng cũng thường xuyên vào thăm, để năm tới nếu thấy mô hình phát triển thì bà con sẽ làm theo. Mô hình này chúng tôi làm đầu tiên dó đó có sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, vụ tới chúng tôi có thể tự làm được, nhìn cánh đồng lúa nước chín vàng, trĩu bông như thế này chúng tôi vui mừng lắm, bà con nông dân chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của người dân Ia Puch và Làng Chư Kó ”.
Bộ đội giúp thu hoạch và dân vận chuyển lúa
Sau khi thu hoạch, toàn bộ 1,5 ha của mô hình này ước đạt khoảng 9,2 tấn lúa, bình quân hơn 6 tấn/1ha, năng suất lớn hơn rất nhiều so với việc trọc tỉa trước đây. Sau khi trừ chi phí đầu tư cho sản xuất người nông dân thu lãi trung bình khoảng trên 20 triệu đồng/ha.
Bài, ảnh: Khánh Linh – Rơ Lan Viện.