Với vị trí địa lý đặc thù, nằm phía tây nam tỉnh Gia Lai, tổng diện tích đất tự nhiên 169.551,56 ha. Dân số toàn huyện 124.150 khẩu, 28.137 hộ. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47% dân số toàn huyện, gồm có: 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ (Jrai) chiếm 33%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 14 % (bao gồm Bana, Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao, Mông ...). Huyện có 19 xã, 01 thị trấn; với 180 thôn, làng, tổ dân phố.
Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm quy hoạch, tăng cường đầu tư ngân sách cho lĩnh vực thể dục, thể thao; dành quỹ đất và có chính sách phát huy nguồn lực. Huyện có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao với nhà thi đấu đa năng, sân vận động, sân bóng chuyền, cầu lông đạt yêu cầu. Tại các xã, theo quy hoạch nông thôn mới đều đã quy hoạch được diện tích đất giành cho thể thao (khoảng 10.000 m2/xã). Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Chưa xã nào có khu thể thao được đầu tư đạt chuẩn; nhiều xã chưa có sân vận động (quy hoạch nhưng chưa xây dựng, san ủi). Kinh phí giành cho thể thao cấp huyện từ 250 – 300 triệu đồng/năm; cấp xã từ 8 đến 15 triệu đồng/xã/năm, trong đó có hoạt động thể thao. Kinh phí hoạt động thường xuyên chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Nguồn vận động tài trợ (XHH) nhỏ, chủ yếu giành cho việc tổ chức, tham gia các giải thi đấu ở cấp xã, thôn, làng, các cơ quan đơn vị. Việc xây dựng các công trình thể thao theo diện tích được quy hoạch thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới tại cơ sở chậm được thực hiện. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao tập trung tổ chức thực hiện phát triển thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục thể thao. Nhờ đó, văn hóa, thể thao đã đạt được những thành tựu đáng kể: Đến nay tại các xã, thị trấn đều có sân bóng đá hoặc sân bóng chuyền; tại các thôn, làng nhân dân đã có ý thức tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 94 sân bóng đá (trong đó có 32 sân bán kiên cố), 153 sân bóng bóng chuyền (trong đó có 41 sân bán kiên cố); có nhiều sân bóng đá mini cỏ nhân tạo và sân bóng chuyền nền xi măng ở các xã Ia Phìn, Thăng Hưng, Thị trấn, Bàu Cạn, Ia Drang và Ia Boòng….
Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển rộng rãi; số người tham gia tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng. Toàn huyện hiện có 160 đội bóng chuyền; 136 đội bóng đá; số người tham gia tập luyện các loại hình thể dục thể thao ngày càng đa dạng, như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, võ thuật và đi bộ; đặc biệt có câu lạc bộ võ thuật Vovinam việt võ đạo, có hàng trăm võ sinh tham gia và đã đạt nhiều huy chương tại các kỳ thi đấu cấp tỉnh và khu vực. Khối trường học phổ thông đảm bảo giáo dục thể chất đạt 100%. Đến nay, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên của huyện đạt 30%; Tỷ lệ hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt 19%.
UBND huyện luôn chú trọng công tác xã hội hóa, tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để xây dựng, đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao. Các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao, văn nghệ và các hoạt động văn hóa; tạo nên sự đa dạng phong phú trong hoạt động văn hóa tại địa phương. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức được 4 – 6 giải thi đấu/năm; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 1 – 2 giải thi đấu thể thao. Hàng năm, các xã, Thị trấn đều tổ chức được từ 2 đến 3 giải thi đấu thể thao có từ 1 đến 2 môn; có xã đã duy trì được các giải thi đấu truyền thống bóng đá, bóng chuyền. Theo chu kỳ 4 năm, 100% số xã, Thị trấn tổ chức được Đại hội TDTT; các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn huyện cũng được tổ chức thành công, đó là tiền đề để cổ động phong trào thể dục, thể thao phát triển.
Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện có phong trào thể dục thể thao tương đối phát triển, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thể thao như: Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông, Công ty Bình Dương, một số hộ dân đầu tư kinh doanh sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền nền xi măng; hiện nay trên địa bàn huyện có 19 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 16 sân bóng chuyền, 31 bàn bida và 01 điểm tập thể hình, 04 câu lạc bộ võ thuật: Vovinam Việt võ đạo, karatedo và Taekwondo, 01 hồ bơi. Tại Quảng trường huyện đã được lắp đặt bộ dụng cụ tập luyện thể thao đa năng để phục vụ nhân dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, địa phương đã cố gắng giữ gìn, duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, địa phương đều tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống (trò chơi dân gian) như: Kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, đi cà kheo, đập bầu nước, bắn nỏ. Hàng năm, huyện đều tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số từ cấp cơ sở đến cấp huyện; thành lập đoàn vận động viên tham gia thi đấu Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh Gia Lai.
Trong những năm qua, chất lượng dạy và học môn thể dục chính khóa ở các nhà trường đã đạt hiệu quả đáng kể. 100% học sinh đạt yêu cầu trở lên trong việc học tập môn thể dục chính khóa; 100% số trường thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa; tổng số trường học (cấp phổ thông) trên địa bàn huyện thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 100%; số trường có giáo viên TDTT đạt 100%; số học sinh được đánh giá xếp loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%.
Phong trào tập luyện tại các đơn vị lực lượng vũ trang đảm bảo; mỗi đơn vị đều có từ 1 đến 2 sân bóng chuyền, hố nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép, cử tạ, bàn bóng bàn…
Có thể nói cùng với sự đổi thay mọi mặt của đời sống xã hội, phong trào thể dục, thể thao của huyện trong những năm qua phát triển tương đối đều và rộng khắp. Nhân dân đã phần nào thay đổi trong đánh giá vai trò của thể dục, thể thao đối với sức khỏe. Các loại hình hoạt động thể thao; công tác xã hội hóa được người dân quan tâm đầu tư, tập luyện.
Phong trào thể dục, thể thao của huyện đã có bước phát triển. Tuy nhiên, chưa thực sự đạt yêu cầu: Phong trào chưa thực sự phát triển mạnh, rộng khắp; sân, bãi, cơ sở vật chất còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu tập luyện thể dục thể thao.
Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí hạn chế, nên việc đầu tư xây dựng sân bãi, tổ chức các giải thi đấu chưa đáp ứng dẫn đến chưa kích thích được phong trào tập luyện, thi đấu của quần chúng nhân dân. Tại các xã, nguồn kinh phí không đủ để tham gia các giải thi đấu do huyện tổ chức.
Trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được tác dụng to lớn của thể dục thể thao đối với việc nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật; khỏe để lao động sản xuất, khỏe đẻ học tập công tác; khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đúng như lời Bác Hồ kêu gọi: Làm việc gì cũng cần có sức khỏe.
Tăng cường, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về thể dục thể thao: Hiện nay, công chức có chuyên môn về thể thao ở cấp huyện (đại học thể thao) có 01 biên chế; làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Các trường học đều có giáo viên thể thao được đào tạo đạt chuẩn. Tại các xã, thị trấn Công chức Văn hóa – Xã hội chịu trách nhiệm tham mưu UBND xã quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở.
Có cơ chế quản lý chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp; đặc biệt là nội dung thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao. Các cấp ủy Đảng, địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực, quy định kinh phí hàng năm của các cấp giành cho thể dục, thể thao với tỷ lệ phù hợp (kinh phí tính trên số dân); quy hoạch diện tích đất giành cho thể thao (mét vuông trên số dân), cùng với đó là đầu tư xây dựng sân bãi, tổ chức các giải thi đấu (số giải thi đấu/năm). Quan tâm giành nguồn lực, kết hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư, giúp đỡ các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, xã biên giới xây dựng cơ sở vật chất phát triển thể dục, thể thao…
Đưa quản lý thể dục thể thao vào nề nếp, khuyến khích công tác xã hội hóa, từ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức kinh doanh đến công tác vận đông tài trợ./.
Hà Huy Văn