Chư Prông bảo tồn và phát huy cồng chiêng từ những hoạt động ở cơ sở

01/12/2020
Những chàng trai vạm vỡ, lưng trần, đóng khố cuần cuận cơ bắp nhịp nhàng dồn cả tâm huyết, sức mạnh vào những nhịp chiêng, nhịp trống trầm hùng. Những cô gái da nâu, chân trần, tóc xõa, đôi mắt to tròn đang cười duyên, uyển chuyển trong điệu xoang huyền bí. Nắng vàng chan hòa quện màu thổ cẩm, in bóng cây nêu. Đó là khung cảnh của Liên hoan Cồng chiêng lần thứ I năm 2020 được xã Ia Vê tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2020. 


Ông Nguyễn Xuân Phùng Chủ tịch UBND xã Ia Vê khai mạc liên hoan Cồng chiêng của xã

Ông Nguyễn Xuân Phùng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc đã quan tâm chỉ đạo, khuyến khích động viên các nghệ nhân tham gia truyền dạy cồng chiêng cho nhân dân. Các đội cồng chiêng ở các thôn làng, luôn luôn tập luyện, để làm sao gìn giữ được bản sắc, nét đẹp văn hóa cồng chiêng. Sắp tới, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cũng đã có kế hoạch để nhân rộng thêm 2 đến 3 đội cồng chiêng và có những chương trình kế hoạch giao lưu, tiếp xúc, định hướng để đội cồng chiêng ngày càng nhiều nội dung và phát triển”.

 
Việc quan tâm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ được huyện đặc biệt quan tâm.
 
Đông đảo người dân trong xã đã có mặt từ rất sớm để được xem, được nghe, được hòa mình vào không gian cồng chiêng nhiều màu sắc. Tại đây mọi người được hiểu thêm về các phong tục, tập quán đẹp trong văn hóa của người Ja Rai như lễ Pơ Thị, Lễ hội mừng lúa mới…Liên hoan cồng chiêng còn là nơi để các nghệ nhân, thế hệ đi trước truyền lại nhiệt huyết, ngọn lửa đam mê cũng như những ý nghĩa tốt đẹp cho các thanh, thiếu nhi trong xã. Trong những lễ hội hay những liên hoan cồng chiêng được các địa phương trong huyện tổ chức, người xem không chỉ thấy các nghệ nhân lướn tuổi biểu diễn mà còn được mãn nhãn bởi những màn trình diễn đầy tính ngẫu hứng, vui tươi của các em thiếu niên.
 

Đội cồng chiêng ở thôn trong xã tham gia liên hoan tại xã Ia Vê

Nghệ nhân Rơ Chăm Luih – xã Ia Tô được mời làm thành viên Ban giám khảo của Liên hoan cồng chiêng do xã tổ chức. Ông cho biết: Bản thân ông và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi khi xã tổ chức Liên hoan cồng chiêng. qua xem xét 12 tiết mục của 6 đội cồng chiêng với 250 nghệ nhân tham gia biểu diễn ông đánh giá các đội nghệ nhân cồng chiêng của các thôn, làng xã Ia Vê, đã duy trì tốt nét văn hóa, bản sắc của mình như: trang phục, tiết mục cồng chiêng có chủ đề phù hợp với các lễ hội truyền thống. Ông mong muốn sau này Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm hơn nữa, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cho các thôn, làng thường xuyên duy trì các đội cồng chiêng hiện có để người dân tập múa xoang, tập đánh chiêng, đặc biệt truyền giữ ngọn lửa đam mê văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ..


Đội cồng chiêng ở thôn trong xã tham gia liên hoan tại xã Ia Vê
 
Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, những năm qua Chư Prông luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của người Ja Rai. Để văn hóa cồng chiêng phát huy trong đời sống cộng đồng, Phòng văn hóa và Trung tâm VHTT và TT huyện cùng với các xã, thị trấn đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao các dân tộc; một số xã như Ia Me, Ia Tôr, Ia Vê…duy trì được liên hoan văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với phục dựng các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào Ja Rai như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ bỏ mả và nhiều nghi lễ, lễ hội khác… góp phần nâng cao đời sống tinh thần, lòng tự hào, sự hiểu biết, đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng các các dân tộc ở Chư Prông.  
 

Những liên hoan, lễ hội cồng chiêng luôn được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng
 
Em Rơ Lan H’Hạnh – Lớp 8A trường THCS Ngô Gia Tự nói: “Là một người con của dân tộc Jrai, con mong muốn lớn lên sẽ là nghệ nhân cồng chiêng của dân tộc Jrai để giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương Chư Prông nói riêng, của vùng Tây nguyên nói chung”.
Ở Chư Prông đã có nhiều xã đã và đang tổ chức được các lớp học cồng chiêng cho thiếu nhi. Các tổ chức đoàn ở cơ sở cũng rất tích cực trong việc tổ chức, giới thiệu các Liên hoan, Lễ hội, sự kiện đến Đoàn viên, Thanh niên và nhân dân. Huyện đoàn Chư Prông cũng đặt mục tiêu mỗi thôn, làng người Jrai sẽ thành lập 01 đội công chiêng từ 25 – 40 ĐVTN và thanh thiếu nhi có độ tuổi từ 6 – 30 tuổi thường xuyên luyện tập vào các ngày thứ 7, CN. Sau khi thành lập và tập luyện các đội sẽ thường xuyên được tạo điều kiện để tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ qua đó giao lưu, học hỏi, nâng cao khả năng biểu diễn cồng chiêng. 
 

Liên hoan cồng chiêng tại Ia Vê

Có thể nói từ những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Liên hoan cồng chiêng; tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho thanh niên, học sinh hay việc thống kê, cấp phát cồng chiêng cho một số địa phương, thôn làng đã và đang góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Chư Prông thời gian qua.
                                                                                        Bài: Khánh Linh
                                                                                         Ảnh: Anh Xuân
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png