Huyện Chư Prông tổ chức hội thảo khoa học di tích chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965
Ngày 12/9, Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông tổ chức hội thảo khoa học di tích chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965 nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân chứng lịch sử để hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là việc làm cấp thiết, góp phần tôn vinh những chiến công vang dội của quân và dân ta trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; ghi công các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tuổi xuân, xương máu cho cuộc chiến chống Mỹ, ngụy dành độc lập dân tộc cho Nước nhà, đồng thời việc công nhận Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965 là di tích lịch sử không chỉ trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ mà còn là điểm kết nối các tuyến du lịch nhất là tìm hiểu về lịch sử địa phương thông qua các di tích trên địa bàn huyện, tỉnh và khu vực.
Toàn cảnh hội thảo khoa học di tích chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965.
Đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo có Đại tá Đặng Mỹ Hạnh - Phó trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; chuyên gia nghiên cứu Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân – Nguyên giám đốc Bảo tàng Gia Lai; nhân chứng lịch sử: Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm – Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1, Đại tá Hoàng Oanh – Phó Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1, đại diện Cựu chiến binh Trung đoàn 66 – Sư đoàn 1 cùng đại diện các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các phòng, ban ngành huyện và nhân chứng lịch sử của địa phương.
Đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phát biểu khai mạc
hội thảo khoa học di tích chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965.
Theo hồ sơ lý lịch thì di tích có tên gọi: Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965, thuộc loại hình di tích lịch sử, nằm ở khu vực làng Goòng, xã Ia Púch, sát Quốc lộ 14C cách UBND xã Ia Púch khoảng 5km về hướng đông bắc; cách trung tâm huyện Chư Prông khoảng 36km về hướng tây nam và cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 72km về hướng tây. Di tích được quy hoạch gồm 2 khu vực: Khu vực 1 dự kiến xây dựng nhà bia tưởng niệm có diện tích 30.000,9m2 nằm dưới chân núi Chư Pông, bên cạnh quốc lộ 14C, khu vực thứ 2 dự kiến xây dựng mô hình, trận địa… phục vụ du khách tham quan có diện tích 10.001m2 đối diện bên kia đường 14C.
Bản đồ Khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích: Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965.
Theo sách Một số trận đánh của các đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên tập 8 và 9: địa hình thung lũng Ia Drăng nằm trong khu vực tứ giác Pleime – Bàu Cạn – Đức Cơ – Ia Drăng, khu vực quyết chiến với quân Mỹ được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định là thung lũng Ia Drăng dưới chân núi Chư Pông, đây là một dãy núi độc lập, có đỉnh cao nhất khoảng732m nổi lên giữa một vùng rừng bằng cách đồn Pleime 25km về phía tây bắc, cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 9km về phía đông, vùng này có đường hành lang chiến lược Bắc – Nam của ta đi xuống miền Đông Nam Bộ. Nhìn chung khu vực tác chiến tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho cơ động, vận chuyển, chiến đấu của bộ binh cả ta và địch, tuy nhiên địa hình rừng thưa, bằng phẳng có những bất lợi cho ta khi phản tập kích, nếu trận đánh kéo dài dễ bị bom pháo địch sát thương lớn.
Trận đánh tại thung lũng Ia Drăng nằm trong giai đoạn lịch sử “Chiến dịch Pleime” (19/10/1965-26/11/1965), theo đó: Trận đánh diễn ra từ ngày 14/11/1965 đến ngày 17/11/965 với 4 trận đánh của Trung đoàn Bộ binh 66 và Tiểu đoàn Bộ binh 1 thuộc Trung đoàn Bộ binh 33 nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực ngụy, nếu Mỹ tham chiến thì cố gắng tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ. Qua các trận đánh, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch và 246 tên địch bị thương. Về phía ta, có 157 đồng chí hy sinh, 239 đồng chí bị thương. Ngày 19/11/1965 quân Mỹ rút khỏi thung lũng Ia Drăng. Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965 đã nhanh chóng vượt qua không gian một khu vực, trường tồn mãi với thời gian, làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới. Đã giải đáp được một vấn đề nóng hổi là Việt Nam có đánh được Mỹ không? Và khẳng định: chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định sẽ đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Trận đánh còn để lại nhiều bài học có giá trị về nghệ thuật quân sự. Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm – Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1 và là nhân chứng lịch sử trận đánh tại thung lũng Ia Drăng cho biết: “Trận đánh ở thung lũng Ia Drăng là nằm trong chiến dịch Pleime, trận đánh là một trận đánh then chốt quyết định vì sau trận này nó (quân đội Mỹ và ngụy) và nó rút khỏi chiến trường vì không còn sức để chiến đấu nữa. Trận thắng này có ý nghĩa rất to lớn, là một trận đánh chiến thuật trong chiến dịch và có tiếng vang kết thúc chiến dịch. Đồng thời, ảnh hưởng đến lịch sử nước Mỹ và quân đội Mỹ. Cám ơn nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh Gia Lai, của huyện Chư Prông đã làm nên chiến tích này cách đây 60 năm và đến hôm nay, chúng ta ngồi hội thảo ở đây chúng ta hình dung được các bước mà chúng ta đã làm nên chiến thắng cho nên trận đánh này xứng đáng được tôn vinh là một di tích lịch sử của địa phương, của tỉnh nói riêng và phải được nâng tầm lên chiến tích lịch sử của Quốc gia và xứng đáng phải được như thế”.
Nhân chứng lịch sử: Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm – Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1
kể về hồi ức trận đánh tại thung lũng Ia Drăng năm 1965.
Tại hội thảo, các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia nghiên cứu, cơ quan chuyên môn của tỉnh, đơn vị tư vấn lập hồ sơ di tích, đại diện Cục Tuyên huấn – Bộ Quốc phòng; lãnh đạo và cơ quan chuyên môn của huyện đã thảo luận để làm rõ những nội dung còn thiếu sót hoặc cần chỉnh sửa, bổ xung, hoàn thiện hồ sơ khoa học để hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận di tích Chiến thắng thung lũng Ia Drăng năm 1965 xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Chuyên gia nghiên cứu Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân – Nguyên giám đốc Bảo tàng Gia Lai
trao đổi, thảo luận để làm rõ những nội dung trong hồ sơ khoa học về lý lịch di tích.
Kết luận hội thảo, đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Qua báo cáo tham luận, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học, thay mặt lãnh đạo huyện Ban tổ chức có một số kết luận như sau: tên gọi di tích thống nhất là di tích lịch sử chiến thắng thung lũng Ia Drăng. Phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích có tổng diện tích là 40.000m2, gồm 2 khu vực: khu vực 1 – xây tượng đài tưởng niệm có diện tích 30.000m2, khu vực 2 – xây dựng mô hình trận đánh có diện tích 10.000m2. Về giá trị lịch sử chiến thắng thung lũng Ia Drăng tôi xin được tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, thảo luận tại buổi hội thảo hôm nay. Bổ xung các thông tin cơ bản, quan trọng mà các đồng chí đại biểu đã tham gia về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sau khi được cấp thẩm quyền xếp hạng thì UBND huyện sẽ cùng với các ngành của tỉnh tiếp tục hoàn thiện các bước tiếp theo”.
Tin: Rơ Lan Viện