Để tiếng cồng chiêng mãi mãi âm vang.

09/12/2021
Tây Nguyên mùa lễ hội, gió núi mênh mang, nắng vàng trải mật khắp các thung lũng, triền đồi. Tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp các buôn làng, kết nối những mái nhà rông, thúc giục lòng người.

Hôm nay làng Ó xã Ia Vê mở hội, Lễ hội “Mừng lúa mới” để tạ ơn các thần  linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Ngay từ sáng sớm  bà con dân làng đã tụ tập đông đủ chuẩn bị tham gia lễ theo phong tục truyền thống. Những nhịp cồng chiêng nổi lên mời hồn lúa về kho (Ngă Yang Hry), báo tin với tổ tiên (Yang Prin tha) và báo với thần núi cầu mong mưa thuận gió hòa cho những vụ mùa bội thu.


Làng Ó xã Ia Vê tổ chức lễ hội Mừng lúa mới để tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no
 
 Đội cồng chiêng của làng Ó có 16 thành viên, họ có mặt sớm nhất, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất vì cồng chiêng là linh hồn của lễ hội, là tinh túy ngàn đời nền văn hóa của người Ja Rai. 2 chiếc cồng, hơn chục chiếc chiêng cùng nhau hòa nhịp. Chiêng to do người già nhiều kinh nghiệm, chiêng bé giao người trẻ, cứ thế đánh theo nhịp hợp nhất thành điệu, thành bài. Âm trầm, âm cao, âm vang tới những vách núi rừng xa xa, tới tận cổng trời, đánh động tới cõi lòng của Yàng. Những chàng trai vạn vỡ, lưng trần đóng khố, những cô gái da nâu trong đồ thổ cẩm tươi tắn như những bông hoa rừng; Những ghè rượu cần cứ vơi lại đầy, tiếng cồng chiêng vang vọng mãi không thôi, những vòng xoang uyển chuyển, nhịp nhàng, tay cầm tay đan kín quanh gốc cây nêu. Người tỉnh-người say, người thức- người ngủ; trời đất như giao hòa, lòng người nhẹ bẫng.
Đã đi qua 70 mùa rẫy nhưng tất cả thanh âm từng bài chiêng, điệu xoang hay luật tục đẹp của cộng đồng người Ja Rai ở làng Ó Ia vê, Chư Prông này như neo lại, bám rễ vững sâu trong tiềm thức già làng Siu Jo, với già làng thì tâm nguyện lớn nhất của ông khi cuối đời chính là việc làm sao truyền dạy được cồng chiêng cho càng nhiều người trẻ càng tốt. Già làng Siu Jo – làng Ó xã Ia Vê cho biết: “Chúng tôi không bao giờ quên cồng chiêng từ thời cha ông để lại. Cùng với làm ăn, phát triển kinh rế thì chúng tôi cũng luôn giữ gìn cồng chiêng và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bây giờ tỉnh, huyện rất quan tâm đến bảo tồn, phát huy cồng chiêng, chúng tôi rất vui mừng và cố gắng truyền dạy cho thế hệ trẻ. Người già chúng tôi muốn thế hệ trẻ luôn phát huy những điều tốt đẹp của văn hóa dân tộc, trong đó có cồng chiêng”. 


Già làng Siu Jo – làng Ó xã Ia Vê truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ thuộc đội cồng chiêng của làng.
 
Ở Chư Prông hình ảnh những em nhỏ độ tuổi chỉ từ 6 đến 9 thành thạo, tự tin tham gia biểu diễn cùng các đội cồng chiêng đã không còn hiếm. Các em có thể biểu diễn cồng chiêng, có thể hóa thân vào những nhân vật một cách rất sinh động, vô tư, nhuần nhuyễn. Việc chuyền dạy Cồng, Chiêng cho những người trẻ ở Chư Prông diễn ra đa dạng. Thanh, thiếu niên các làng đồng bào Ja Rai thường xuyên được các già làng, nghệ nhân, người hiểu biết cồng chiêng chỉ dạy. Ngành Văn hóa cũng phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX tổ chức các lớp cồng chiêng. Đoàn thanh niên từ huyện đến cơ sở cũng có những mô hình hoạt động để thanh niên người Ja Rai thường xuyên được học hỏi, giao lưu cồng chiêng. Anh Rơ Lan Ky – làng Ó xã Ia Vê cho biết: “Tôi học cồng chiêng cũng lâu rồi. Bên thôn trưởng, già làng và các anh đi trước chỉ lại cho tôi. Tôi học để biết và để còn truyền lại cho con cháu sau này”.


Không chỉ người lớn tuổi hay thanh niên mà các em thiếu niên các thôn làng của người Jrai cũng đã biết biểu diễn cồng chiêng thành thạo từ khi còn nhỏ.
 
Những năm qua để khích lệ tinh thần bảo tồn và phát huy cồng chiêng trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huyện Chư Prông đã trích ngân sách cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng, tiêu biểu như các năm từ 2019 đến 2021, huyện đã trích ngân sách hơn 300 triệu đồng  để mở 9 lớp dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên Ja Rai,  cùng với đó một số tổ chức, các Mạnh Thường Quân đã ủng hộ mua tặng  cồng chiêng cho các làng. 
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Prông hiện có 371 bộ cồng chiêng, với 6.747 chiếc (2.531 chiếc chiêng bằng, 4.216 chiếc chiêng núm); loại chiêng chủ yếu là chiêng Arap của đồng bào Jrai. Trong đó, gia đình, dòng họ để lại 149 bộ, tự mua, trao đổi 213 bộ, được tặng cho 9 bộ; phần lớn các bộ chiêng còn tốt, sử dụng được.
 

Trẻ em người Jrai tại làng Ó xã Ia Vê được tiếp cận cồng chiêng ngay từ khi còn nhỏ.
 
Ông Võ Văn Lương – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông cho biết: “Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chư Prông rất quan tâm công tác bảo tồn và gìn giữ các nét truyền thống, văn hóa của người Jrai. Cụ thể, đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng Tây Nguyên. Từ năm 2019 đến năm 2021 đã tổ chức được 6 lớp truyền dạy cồng chiêng với số lượng 305 học viên. Những lớp như thế này được Trung tâm mời các nghệ nhân cồng chiêng trong và ngoài huyện có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Cùng với đó, một số địa phương đã có những việc làm rất thiết thực như hỗ trợ kinh phí cho các thôn làng và các thôn làng cũng thực hiện xã hội hóa góp phần mua cồng chiêng cho thôn làng mình. Bên cạnh truyền dạy cồng chiêng cho người lớn tuổi, chúng tôi cũng chú trọng việc đào tạo cồng chiêng cho thanh – thiếu niên. Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng chũng tôi cũng đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cần mở thêm các lớp khác như chỉnh chiêng, tạc tượng, cùng với việc mở lớp thì cũng nên có chính sách quan tâm đến các nghệ nhân trên địa bàn huyện, để giúp họ có điều kiện hoạt động nghệ thuật và góp phần vào việc gìn giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.


Ông Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang Tây Nguyên năm 2021 cho các học viên tại xã Ia Drang.
 
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ còn của riêng người Jrai, Ba Na, Sê Đăng ….nữa, cũng không chỉ còn của riêng vùng đất Tây Nguyên đại ngàn mà nó đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của cả nhân loại từ năm 2005.


Xã Ia Vê tổ chức liên hoan cồng chiêng năm 2020.
 
Như một cách giữ lửa cho nghệ thuật cồng chiêng, hàng năm các địa phương trong huyện Chư Prông đều tổ chức Liên hoan Cồng chiêng. Đây là dịp để người dân trong xã có dịp tìm hiểu, thưởng thức các tiết mục cồng chiêng, hiểu biết thêm về những lễ hội, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Jrai xung quanh không gian văn hóa cồng chiêng; là dịp để các đội công chiêng của các làng so tài, giao lưu, học hỏi lẫn nhau từ đó thắt chặt tình đoàn kết. Thông qua Liên hoan Cồng chiêng cũng là dịp để các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở nhìn nhận, đánh giá đúng, thực chất sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của người Ja Rai ở Chư Prông, từ đó có những quyết sách, những sự đầu tư thỏa đáng, hợp lý cho công tác bảo tồn cồng chiêng.         
                                 
                      Bài: Khánh Linh
                     Ảnh: Rơ Lan Viện
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png