Hiệu quả các mô hình thuộc dự án chương trình Nông thôn Miền núi tại huyện Chư Prông.

06/06/2022
Triển khai dự án thuộc chương trình Nông thôn Miền núi, từ năm 2019 đến nay, huyện Chư Prông đã xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu, bơ tại 6 xã của huyện là: Ia Bang, Ia Drang, Ia Kly, Ia Phìn, Ia Boòng và Ia Pia. Qua thực hiện, các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, giảm công lao động, tăng sản lượng, năng xuất cây trồng gắn với bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.


Các hộ dân tham quan, học hỏi mô hình tái canh cà phê vối kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm tại vườn cà phê anh Rơ Mah Hyoéch xã Ia Kly.
 
Gia đình anh Rơ Mah Hyoéch xã Ia Kly là một trong những hộ được dự án chọn tham gia mô hình tái canh cà phê vối kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm với diện tích 1ha. Theo anh Hyoéch, từ khi áp dụng mô hình, anh được các chuyên viên kỹ thuật hướng dẫn tận tình từ khâu canh tác đất, trồng và chăm sóc cà phê theo hình thức tái canh. Qua đó, anh đã biết vận dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm góp phần đáng kể trong tiết kiệm công chăm sóc cũng như chi phí phân bón, không lo chống hạn cho cà phê như trước đây. Anh Hyoéch phấn khởi cho biết: “Mô hình đã hỗ trợ cho tôi về hệ thống ống nhỏ giọt tiết kiệm nước, giống cà phê và phân bón tôi rất cảm ơn. Tôi thấy tiết kiệm được rất nhiều về công chăm sóc cũng như phân bón, vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt từ khi áp dụng mô hình này”.

Mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP của gia đình ông Trần Văn Đáng làng Thung xã Ia Kly.
 
 Với diện tích 0,5 ha, mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng VietGAP được huyện Chư Prông chọn triển khai tại gia đình ông Trần Văn Đáng làng Thung xã Ia Kly đang hứa hẹn một mùa bội thu. Hiện tại, những trụ tiêu của gia đình ông phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh hại, các nhánh tiêu đều trĩu bông. Từ thành công này, ông Đáng rất vui mừng và mong muốn, khi có thêm điều kiện thì gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng vườn tiêu theo mô hình này và phấn đấu sớm đạt chứng nhận VietGap, tạo thương hiệu riêng cho vườn tiêu nhà ông. Ông Trần Văn Đáng cho hay: “Làm theo cách mới này chủ yếu dùng bằng hữu cơ thì đất đai phì nhiêu hơn, tơi xốp và cây cối xanh, bền vững hơn. Do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên cây đỡ sâu bệnh. Phòng Nông nghiệp họ cũng rất quan tâm đến người nông dân, tận tình hướng dẫn bắt tay chỉ việc và những kỹ thuật gì mình không biết thì họ chỉ cho và làm được vườn đẹp như thế này thì trước hết cũng cảm ơn cán bộ phòng nông nghiệp huyện Chư Prông đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho chúng tôi hôm nay có được vườn xanh tốt và đẹp, tôi cũng muốn nhân rộng ra mô hình này nhiều hơn nữa cho những bà con khác nữa để kinh tế càng ngày càng phát triển và để bà con có nền kinh tế vững chắc hơn”.

Mô hình trồng xen và cải tạo vườn tạp bằng các giống bơ mới trái vụ tại xã Ia Phìn.

Nhằm giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại các thôn, làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, huyện Chư Prông đã triển khai các mô hình trồng xen canh và cải tạo vườn tạp. Từ mô hình này, người dân đã biết tận dụng quỹ đất trống trong vườn nhà để trồng bơ trái vụ hoặc trồng bơ trái vụ xen canh với các giống cây trồng có giá trị kinh tế khác. Qua đó, giúp tăng thêm thu nhập cho mỗi hộ gia đình cũng như tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Chư Prông đã xây dựng được 5 mô hình tái canh cà phê vối, áp dụng giống mới và hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước, mỗi mô hình có diện tích 1 ha; năng suất bình quân trong giai đoạn kinh doanh dự kiến đạt hơn 3 tấn nhân/ha và chu kỳ kinh doanh là 20 năm. Mô hình sản xuất tiêu an toàn theo hướng Viet GAP thì huyện xây dựng được 4 mô hình, trong đó mỗi mô hình có diện tích 0,5ha. Năng suất bình quân trong suốt thời kỳ kinh doanh từ 10 đến 15 năm dự kiến đạt từ 5 đến 6 tấn tiêu đen/ha. Đối với các mô hình trồng xen và cải tạo vườn tạp thì huyện đã triển khai với tổng diện tích 20 ha, gồm 15 ha trồng xen và 5 ha cải tạo vườn tạp, năng suất dự kiến tăng từ 25 - 30 % tương đương với năng suất vườn cây thời kỳ đầu kinh doanh đạt 10 tấn/ha/năm và vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 7 trở đi đạt trên 16 tấn/ha/năm. Cùng với đó, huyện cũng triển khai sản xuất và chuyển giao giống mới tại vườn ươm của Công ty TNHH MTV Đông Đô Gia Lai có vườn ươm tại Xã Bàu Cạn và vườn ươm của Công ty TNHH MTV Tuyết Trúc có vườn ươm tại Thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông. Các giống cây trồng áp dụng trong các mô hình là những giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các Viện nghiên cứu cây trồng công nhận đạt chuẩn. Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ thụ hưởng đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật tư, chi phí lắp hệ thống sản xuất và chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Song song với đó, Ban quản lý dự án nông thôn miền núi của huyện Chư Prông cũng chỉ đạo các thành viên thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với đơn vị Hỗ trợ ứng dụng công nghệ triển khai công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ của dự án. Đồng thời, tổ chức 3 hội thảo đầu bờ với hàng trăm lượt người tham dự. Anh Rơ Châm Dung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng cho biết: “Qua tham quan mô hình, tôi thấy cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Cái mới là so với cà phê trước đây thì khâu chăm sóc rất ít mà áp dụng tưới nước tiết kiệm rất thuận tiện nên đề nghị Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân để nhân rộng mô hình này để được áp dụng rộng rãi trong nhân dân”.
 
Ông Nguyễn Văn Luyến – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chư Prông cũng thông tin: “Đến nay dự án trên địa bàn huyện đã đảm bảo tiến độ đề ra. Với tổng kinh phí của dự án là 8 tỷ, trong đó vốn đối ứng của người dân là 4 tỷ và vốn hỗ trợ của sự nghiệp khoa học công nghệ của Trung ương là 1 tỷ 950 triệu đồng. Đến nay cơ bản đã giải ngân và đảm bảo theo tiến độ đề ra. Được tham gia dự án, mô hình giúp người dân hưởng lợi rất nhiều về kỹ thuật, khoa học và các quy trình sản xuất. Tất cả các mô hình đã được cơ quan nghiệm thu của Sở Khoa học Công nghệ kiểm tra theo từng chu kỳ và đánh giá rất cao”.


Chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, cà phê, bơ cho các hộ dân tại xã Ia Bang.
 
Tuy mới được triển khai trong vài năm gần đây, nhưng các mô hình thuộc dự án Nông thôn Miền núi đã bước đầu phát huy hiệu quả, thực sự làm thay đổi nhận thức, cách làm của người nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ trong lao động sản xuất, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp góp phần cải thiện đời sống cho người dân và thúc đẩy nền kinh tế huyện Chư Prông thêm phát triển bền vững.                                
Bài, ảnh: Rơ Lan Viện
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png