Hội thảo khoa học về di tích lịch sử chiến thắng cứ điểm 711 (Làng Siêu) – cứ điểm 601 năm 1974

27/04/2022
Sáng 26/4, UBND huyện Chư Prông phối hợp với Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo di tích lịch sử “Chiến thắng cứ điểm 711(Làng Siêu) - 601 năm 1974”. Đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi hội thảo. Tham dự hội thảo có Trung tướng Khuất Duy Tiến – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320; đồng chí Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; các đồng chí Nguyên là lãnh đạo Sư đoàn 320; đại diện các sở, ban ngành tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Chư Prông qua các thời kỳ và các nhân chứng từng tham gia chiến đấu tại cứ điểm 711 (Làng Siêu) - 601 năm 1974.

Trước hội thảo, các đại biểu đã đến dâng hương viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chư Prông. Buổi dâng hương diễn ra trang nghiêm, thành kính tri ân các liệt sĩ đã hy sinh tuổi xuân cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc kháng chiến dành độc lập tự do cho dân tộc.
 
 
Đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Tại Hội thảo đã khái quát tình hình, diễn biến, kết quả và nêu bật ý nghĩa to lớn của chiến thắng cứ điểm 711 ở Làng siêu Xã Ia Me  - 601 năm 1974, nay thuộc thôn 4 xã Ia Tôr huyện Chư Prông. Mặc dù năm nay đã 91 tuổi, nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 cũng không quản ngại khó khăn và tuổi già sức yếu để đến tham dự hội thảo, đối với ông đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, trong bài phát biểu của mình tại hội thảo ông cho biết: “Di tích lịch sử mang giá trị vô cùng quan trọng không có gì có thể thay đổi được. Thông qua di tích lịch sử các thế hệ sau này sẽ thấy được và tự hào về những cống hiến, hy sinh và đóng góp của cha anh ta trong xây dựng, đấu tranh và bảo vệ quê hương đất nước. Do đó xác nhận di tích lịch sử, giá trị văn hóa di tích lịch sử là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Mong rằng hội thảo sẽ thành công và có thêm những di tích lịch sử văn hóa tại địa phương để thế hệ trẻ mãi mãi sau này sẽ luôn tự hào vê nguồn cuội, cống hiến của thế hệ đi trước và về quê hương, đất nước”.
 
 
Trung tướng Khuất Duy Tiến – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Phát biểu chào mừng Hội thảo
 
Theo tư liệu lịch sử, cứ điểm 711 (làng Siêu) nằm trên đường 21 (chạy từ Phú Mỹ đi Pleime) thuộc xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Phía bắc là đường 20 chạy qua bản Pleila. Cách cứ điểm 700m là bình độ 570, cây cối kín đáo, tiện cho việc tiếp cận địch và đặt pháo bắn thẳng, cối 82mm. Phía nam là bản Plei Seo và điểm cao 670 tiện cho việc quan sát. Ở đây có nhiều nương rẫy, xen kẽ là rừng non nên có thể giấu quân được. Phía đông (200m) là điểm cao 601 có giá trị khống chế khu vực nhưng bị địch chiếm giữ. Cách điểm cao 601 khoảng 1.000m có bản Plei Ngol Ho cũ. Trong bản có nhiều cây gạo lớn, địa hình bằng phẳng, cơ động cơ giới dễ dàng. Phía tây 601 có nhiều nương rẫy, có đường xe cũ nối liền đường 21 tiện cơ động binh khí kỹ thuật. Phía đông nam là điểm cao 700 có vạt rừng non tiện cho việc giấu quân; từ 300m trở vào là nương rẫy cũ trống trải. Phía tây nam có thể tiếp cận theo vạt rừng vào cách địch 100m. Suối Ia Meur bắt nguồn từ ngã ba Phú Mỹ chạy dọc phía tây đường cách từ 200m – 2.000m. Mặt suối rộng từ 3 – 5m, sâu 0,4 – 0,8m; lòng suối nhiều đoạn có đá, có thể kéo pháo qua. Suối la Thyoa ở phía đông đường 21 chạy từ bắc xuống nam, cách mặt đường và cử điểm 711 khoảng 1.000m – 2.000m, về mùa khô nước cạn có thể lội qua. Thời tiết, vào tháng tư đang cuối mùa khô, trời quang mây, tiện quan sát và cơ động chiến đấu. Tóm lại, địa hình trong khu vực có rừng non xen kẽ những vạt rừng già và nương rẫy cũ, thuận lợi cho ta trong việc giấu quân tiếp cận địch và bố trí hỏa lực. Địch chiếm giữ các điểm cao 711, 601 có giá trị khống chế toàn bộ khu vực. Cứ điểm 711 nằm trên trục đường 21 thuận lợi cho địch cơ động ứng cứu từ hai phía khi ta bị tấn công.
 
 
Các Đại biểu tham dự Hội thảo
 
Đầu năm 1974, quân ngụy Sài Gòn ở khu vực tây nam Gia Lai mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm, nhằm cải thiện thế phòng ngự, thực hiện đánh chiếm Đức Cơ, Chư Nghé, cắt hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Tháng 3/1974 Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 mở đợt tiến công ngắn ngày trên đường 20 và 21 tiêu diệt cứ điểm Lệ Ngọc, 711 (Làng Siêu) nhằm diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Sau khi Trung đoàn 64 đánh chiếm cứ điểm Lệ Ngọc, trong hai ngày 15 và 16/4, được hỏa lực pháo binh chi viện, Trung đoàn 48 đã nổ súng tiến công cứ điểm 711. Qua 2 ngày chiến đấu liên tục, quyết liệt, Trung đoàn Bộ binh 48 (Sư đoàn 320) và các đơn vị phối thuộc đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 711-601, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn 82 Biệt động quân, 1 Chi đoàn 3 thiết giáp Thiết đoàn 19 và lực lượng chi viện. Trong trận chiến này ta diệt tại chỗ 341 tên địch, bắt sống 76 tên địch, bắn cháy và phá hủy 17 xe M113, 12 xe GMC và xe kéo pháo; bắn rơi 6 máy bay địch, thu 1 pháo 155mm, phá hủy 1 pháo 155mm, 1 cối 106,7mm và nhiều phương tiện chiến tranh. Về quân ta, 19 đồng chí hy sinh và 118 đồng chí bị thương.
 

Đại tá Nguyễn Thế Tân - Trưởng ban chiến tích chiến trường, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Báo các chiến lệ trận đánh cứ điểm 711 (Làng Siêu) -  cứ điểm 601 Năm 1974
 
Đây là trận đánh tiêu biểu cho tinh thần tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường của Trung đoàn Bộ binh 48 và là trận đánh hay của toàn Mặt trận Tây Nguyên làm phá sản âm mưu chiếm lại Chư Nghé – Đức Cơ của Quân đoàn 2 ngụy. Đây còn là đòn trừng phạt thích đáng do hành động cố tình phá hoại Hiệp định Pari của chúng. Chiến thắng này thể hiện tính hiệu quả của thế trận tổng hợp, chiến tranh Nhân dân tạo thành pháo đài bất khả xâm phạm. Đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm giết giặc lập công giữ vững vùng giải phóng của quân và dân phía Tây Nam Gia Lai, tạo niềm tin vào ngày độc lập dân tộc. Chiến thắng cứ điểm 711 – 601 của Trung đoàn Bộ binh 48 và các đơn vị phối thuộc là địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Prông thực hiện các hoạt động về nguồn, tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ về những chiến công vang dội cuả quân và dân Tây Nguyên cũng như những tấm gương hy sinh anh dũng cho quê hương đất nước.
  
 
Các Đại biểu tham luận tại Hội thảo
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp, bổ sung thêm thông tin, tư liệu về chiến thắng lịch sử nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để cấp có thẩm quyền công nhận di tích. Theo đồng chí Bùi Viết Hội – Nguyên Tỉnh ủy viên, Nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thì trong những năm qua huyện Chư Prông luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trong đó, huyện đã chú trọng tôn tạo, tu sửa Nghĩa Trang Liệt sĩ huyện, duy tu bảo dưỡng các công trình nhà bia tưởng niệm và triển khai các thủ tục, hồ sơ để công nhận các địa danh, di tích lịch sử. Tham dự hội thảo di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” bản thân đồng chí cảm thấy tự hào và mong muốn huyện cùng các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hồ sơ và công nhận di tích; đồng thời, cần kiểm tra, sửa đổi một số thông tin về địa điểm, tên đường cho phù hợp với hiện nay; diện tích quy hoạch di tích cũng cần xem xét, mở ộng để đảm bảo khuôn viên cho di tích. Theo quan điểm cá nhân của đồng chí thì nên đặt tên di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” thành tên khác mang ý nghĩa về chiến tích và gắn liền với địa danh của địa phương như “Chiến thắng làng Siêu”. Đồng quan điểm với đồng chí Bùi Viết Hội, đồng chí Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng việc đặt tên cho di tích cần ngắn gọn, xúc tích, dễ gợi nhớ đó là điều cần thiết. Đồng thời, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị huyện cần sớm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để trình lên các cấp công nhận di tích. Không chỉ di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” mà theo Quyết định 312 năm 2018 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông có 5 di tích dự kiến lập hồ sơ. Do đó, huyện Chư Prông cần hoàn thiện hồ sơ di tích còn lại để sớm được xem xét, công nhận theo đúng kế hoạch…
 

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, trong phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Ksor Việt – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện thay mặt UBND huyện thống nhất đổi cách đặt tên di tích “Chiến thắng cứ điểm 711-601 năm 1974” thành tên ngắn gọn, mang ý nghĩa lịch sử và gắn liền với địa danh của địa phương hơn đó là di tích lịch sử “Chiến thắng làng Siêu”. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan chuyên môn, phối hợp với sở, ban ngành liên quan sớm hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích lịch sử trong thời gian sớm nhất.  
 
                                                                                                Tin: Rơ Lan Viện
                                                                                                       Ảnh: Anh Xuân
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Xã Ia O, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)....
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: iao.chuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png