Kỳ tích Plei Me: Nơi trận đầu thắng Mỹ ở Tây nguyên

16/11/2020
Những ngày này, chúng ta lại nhớ về những tháng năm lịch sử, ngày cách đây 55 năm (19/11/1965 – 19/11/2020), cũng ngay tại mảnh đất này đã diễn ra sự kiện lịch sử - Chiến thắng Plei Me.

Nhớ lại ngày 08/3/1965, những tốp lính Mỹ đầu tiên đặt chân xuống bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện Mỹ chính thức tham chiến tại chiến trường miền Nam, Việt Nam. Chỉ hơn 2 tháng sau đó, ngày 26/5/1965 bộ đội  Quân khu 5 tiến đánh quân Mỹ tại Núi Thành, Quảng Nam tiêu diệt gọn 01 đại đội lính Mỹ đóng quân tại đây. Ngày 18/8/1965, tại Vạn Tường, Quảng Ngãi, Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 tiếp tục làm thất bại “Cuộc hành quân Ánh sáng sao” (chiến dịch "tìm và diệt") của quân đội Mỹ, tiêu diệt hơn 900 lính Mỹ và nhiều phương tiện chiến tranh.               
Từ ngày 19/10 đến ngày 26/11/1965, bộ đội chủ lực của ta tại mặt trận Tây nguyên mở chiến dịch Plei Me chạm trán tực tiếp với lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của Hoa kỳ, đó là Sư đoàn Kỵ binh số 1 hay còn được biết đến với cái tên Sư đoàn Kỵ binh bay.
Chiến dịch Plei Me diễn ra từ ngày 19/10 đến 26/11/1965 là đòn đánh phủ đầu của bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên đối với đội quân viễn chinh Mỹ mà trực tiếp là Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1, “đứa con cưng” của Nhà trắng. Với biên chế 15.787 binh sĩ, 434 máy bay lên thẳng chở quân và máy bay lên thẳng vũ trang, 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo hạng nặng 105mm, 78 dàn rốckét với 1.872 ống phóng cỡ 70mm lắp trên máy bay lên thẳng vũ trang... Sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, khí tài trinh sát hiện đại là những ưu thế vượt trội, có thể tham chiến bất cứ lúc nào, đổ bộ ở bất kỳ đâu, bảo đảm cho sư đoàn này có một khả năng "mà không một lục quân nào khác trên thế giới ngày nay có được" như chính Mc Namara nhận xét. Tuy nhiên chỉ sau gần 10 ngày giao chiến (sư đoàn này chỉ tham chiến từ ngày 10 đến ngày 19/11) đã thất bại thảm hại trên chiến trường Plei Me. 55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của chiến thắng này cũng như tinh thần đoàn kết của quân dân các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị. Như lời đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Ta không có Huân chương nào cao hơn, vì vậy tặng một lúc hai Huân chương Quân công hạng Nhất để thưởng công cho thành tích tuyệt đối của Trung đoàn 66”.
Đầu tháng 10/1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện thông qua quyết tâm và kế hoạch chiến dịch Plei Me của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Phạm vi của chiến dịch được xác định không chỉ trung tâm huấn luyện biệt kích Plei Me mà diễn ra trên địa bàn rộng lớn trong tứ giác Plei Me – Bàu Cạn – Đức Cơ – Ia Drang với phạm vi không gian khoảng 1.200 km2. Khu vực quyết chiến với quân Mỹ được Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định là thung lũng Ia Drang dưới chân núi Chư Prông, cách đồn Plei Me 25 km về phía tây.
Nhiệm vụ của Chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận chủ lực Ngụy, nếu Mỹ tham chiến thì cố gắng tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ; củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa. Cách đánh được ta lựa chọn là "vây điểm, diệt viện", một lối đánh mưu trí và sở trường của quân đội ta. Nghĩa là đồn Plei Me được chọn làm điểm "khơi ngòi" nhử các đơn vị của địch phải thoát ly căn cứ, tới cứu viện, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Trung đoàn 320 được bố trí mai phục ven đường 21 (đường từ ngã ba Phú Mỹ vào Plei Me), đây là tuyến đường bộ duy nhất nối Pleiku với Plei Me. Trận địa phục kích có chiều dài khoảng 3 km. Trung đoàn 66 được bố trí tại thung lũng Ia Drang, đây là lực lượng chủ yếu tiêu diệt quân tiếp việ Mỹ. Trung đoàn 33 có nhiệm vụ bao vây đồn Plei Me và tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vi. Ngoài ra, chiến dịch còn có sự hỗ trợ của tiểu đoàn đặc công 952, 1 tiểu đoàn pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm và lực lượng vũ trang địa phương.
Trong những ngày chuẩn bị chiến dịch, các xã trên địa bàn huyện chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chi viện với bộ đội chủ lực từ chuẩn bị chiến trường, trinh sát địa hình, huy động vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống…phục vụ chiến trường.
Chiến dịch được chia làm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 19 đến ngày 26/10/1965: Đêm ngày 19/10, Chiến dịch Plei Me mở màn, các đơn vị đồng loạt nổ súng nghi binh trên một phạm vi rộng lớn từ Đức Cơ, Tân lạc; đồng thời khẩn trương củng cố công sự vây ép cứ điểm Plei Me và tiêu diệt tiền đồn Chư Ho. Suốt trong những ngày 20, 21 và 22/10, địch điều không quân, pháo binh đánh phá dữ dội quanh Plei Me. Sau 5 ngày dội bom đánh phá không phá vỡ được vòng vây của bộ đội ta, buộc địch phải đưa lực lượng từ Pleiku đến giải tỏa. Chiều ngày 23/10, sau những trận bom pháo dọn đường, lực lượng giải vây của địch lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 320. Ngay từ những phút đầu, Trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu một nửa số xe tăng, xe bọc thép của địch. Sau 10 giờ chiến đấu, Trung đoàn 320 đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt được Chiến đoàn 3 thiết giáp và 1 tiểu đoàn, 1 đại đội bộ binh địch. Ngày 26/10, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết đinh mở vây, sẵn sàng chờ đánh quân Mỹ tới cứu viện.


Quân mỹ đổ bộ xuống thung lũng Ia Drang trong Chiến dịch Plei Me. Ảnh: Tư liệu
 
Đợt 2, từ ngày 10 đến 26/11/1965, thua đau và bị vây ép càng kích thích sự hung hăng của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ lúc bấy giờ đóng căn cứ ở An Khê. Theo lệnh của Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền nam, sư đoàn này mở cuộc hành quân "lưỡi lê bạc" đánh vào khu vực phía tây đồn Plei Me hòng giải vây, đồng thời tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta hiện đang có mặt trên địa bàn chiến dịch.
Từ ngày 29/10 đến 19/11, địch cho máy bay lên thẳng đổ quân theo lối "nhảy cóc", sục sâu nhằm chuẩn bị bàn đạp, bãi đáp máy bay lên thẳng, thực hiện đòn đánh bất ngờ phía sau đội hình chiến dịch của ta. Phán đoán đúng ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn thung lũng Ia Drăng làm điểm quyết chiến tiêu diệt một bộ phận lực lượng Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ. Một lần nữa, tài nghệ điều hành cuộc chiến và sự dũng mãnh, mưu trí của bộ đội ta đã biến thành hiện thực.
Ngày 10/11, tướng Kina điều Lữ đoàn 3 kỵ binh đổ quân xuống Bàu Cạn và Plei Ngo. Ngay lúc địch triển khai thế trận, đêm 11/11, tiểu đoàn đặc công 952 và du kích xã E5 (Ia Phìn) và các chiến sỹ vũ trang biệt động thị xã Pleiku bất ngờ tập kích vào Sở chỉ huy hành quân và sân bay dã chiến. Ngay từ lúc địch đổ bộ, chưa thích ứng với trận địa đã ngay lập tức bị lực lượng của Trung đoàn 66 được bố trí trước đó tại thung lũng Ia Drang chặn đánh, tiêu diệt.
Một loạt trận đánh ác liệt diễn ra tại các vạt rừng dưới lòng suối cạn, ngay bãi đỗ máy bay lên thẳng, cả ở sở chỉ huy hành quân của lữ đoàn quân Mỹ... Ðịch bị dồn xuống thung lũng Ia Drăng. Tại đây, từ đêm ngày 16 và ngày 17/11, giữa ta và địch đã diễn ra những trận đánh quyết liệt, trong đó, có những trận "giáp lá cà". Trong nguy khốn, địch dùng 100 lần máy bay ném bom chiến lược B52 rải thảm, dùng xăng đặc đốt các cánh rừng và dùng pháo hạng nặng bắn tới 4.000 quả đạn để yểm trợ cho quân Mỹ hoặc để phi tang xác của đồng bọn.
Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, ngày 19/11/1965, số lính Mỹ sống sót được máy bay lên thẳng đưa về căn cứ ở An Khê, bỏ lại sau lưng cảnh hoang tàn, xơ xác của chiến tranh và hơn cả là sự thảm bại chua chát với xác lính Mỹ, máy bay lên thẳng, xe quân sự ngổn ngang... Chiến dịch còn tiếp diễn đến ngày 26/11/1965 mới kết thúc với sự tham chiến của quân ngụy.
Sau hơn một tháng chiến đấu, chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật "vây điểm, diệt viện", bộ đội chủ lực ta với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, mà chủ yếu là quân và dân huyện 5 (bao gồm huyện Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh ngày nay) đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.970 tên địch, trong đó có 1.700 lính Mỹ, diệt tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 Sư đoàn kỵ binh bay số 1, bắn rơi 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự và nhiều pháo, súng các loại.
Chiến thắng Plây Me đã chứng minh rằng quân ta có thể tiêu diệt tiểu đoàn lính Mỹ; phá chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng; đánh bại những đơn vị tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của Mỹ trong chiến tranh cục bộ ở Miền Nam. Chiến thắng Plei Me càng thôi thúc khí phách anh hùng, củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của đồng bào các dân tộc Gia Lai, huyện 5 nói riêng và chiến trường Miền Nam nói chung. Chiến thắng Plây Me còn thể hiện  sự mưu trí của Bộ chỉ huy điều hành chiến dịch và sức tiến công dũng mãnh của Bộ đội Cụ Hồ khiến kẻ thù kinh sợ. Nhưng hơn thế, trận đánh này đã giáng đòn quyết liệt vào uy thế quân đội Mỹ ngay từ những ngày đầu tham chiến, làm lung lay lý thuyết mới về chiến tranh hiện đại, bằng máy bay lên thẳng của Mỹ khi nó được vận dụng lần đầu vào chiến trường miền Nam.
 
                                                                                            Bài: Hà Huy Văn
 
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Huyện Chư Prông (1945-2010) Nhà xuất bản chính trị quốc gia – 2010, từ trang 273 – 281; Bài: Chiến thắng Plây Me của Ðại tá: Hồ Khang (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) Báo Nhân dân điện tử: Thứ Sáu, 17/09/2010, 03:08:00
 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Xã Ia O, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)....
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: iao.chuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png