quatrinhhinhthanhphattrien-(1).png
 
     I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
     1.Vị trí địa lý.
     Trung tâm xã nằm ở thôn Hoàng Tiên, trên trục đường tỉnh lộ 663, cách trung tâm huyện 5 km. Phía đông Ia Phìn giáp xã Ia Băng, phía tây giáp xã Thăng Hưng và xã Ia Drăng, phía nam giáp xã Ia Kly và thị trấn Chư Prông, phía bắc giáp xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông.
     Hệ thống giao thông qua xã Ia Phìn có tổng chiều dài trên 109 km. Trong đó có tỉnh lộ 663 đoạn qua xã Ia Phìn dài 8 km, qua các thôn Hoàng Ân (1 km), Hoàng Yên (1,8 km), Hoàng Tiên (1,2 km), Bản Tân (1,5 km), Grang I (1km), Grang II (1,5 km). Hiện  nay đây là tuyến giao thông quan trọng nhất đối với cư dân Ia Phìn. Đường tỉnh lộ xuyên qua trung tâm xã, mở lối thông thương thuận lợi giữa xã với thị trấn Chư Prông (huyện lỵ Chư Prông) và thành phố Pleiku, trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có đường liên xã đi Ia Băng dài 11,9 km; đường trục liên thôn, liên làng được bê tông hóa một phần, có chiều dài 13,7 km; đường ngõ, xóm dài 32,9 km; các trục đường chính nội đồng dài 48,3 km.
Hệ thống đường giao thông của Ia Phìn từng bước được qua tâm đầu tư. Đến thời điểm cuối năm 2011, đường giao thông của xã được cứng hoá hoặc nhựa hoá 10,8 km, đường đất cấp phối 1,8 km, đường đất 98,2 km.
     Với địa bàn có tỉnh lộ  663 chạy qua, gần trung tâm huyện lỵ, hệ thông giao thông liên xã, liên thôn, giao thông nội đồng phát triển, đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc xã Ia Phìn trong việc giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội. Những năm gần đây, việc trao đổi hàng hoá nông sản, kinh doanh, buôn bán, dịch vụ của người dân trong xã rất thuận lợi. Do thuận lợi về giao thông nên hàng hóa nông sản của bà con nông dân trong xã sản xuất không bị tư thương ép giá, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện đáng kể.
     Đến nay xã Ia Phìn có 8 thôn gồm: Hoàng Ân, Hoàng Yên, Hưng Tiến, Hoàng Tiên, Bak 1, Bak 2, Làng Grang, Bản Tân. Xã Ia Phìn được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 06-11-1978. Cũng trong ngày này, đồng chí Kpă Ó, người con dân tộc Jrai của quê hương Ia Phìn, nguyên là Trung đội trưởng du kích E5, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
     2. Tài nguyên thiên nhiên
     Xã Ia Phìn nằm trên cao nguyên Pleiku. Nền địa chất của vùng cao nguyên Pleiku tương đối đồng nhất, chủ yếu là đá bazan màu xám đen. Do bazan có cấu trúc dạng khối nên rất dễ bị phá hủy và tạo nên lớp vỏ, phong hóa dày, hình thành trên nó lớp đất dày, tơi xốp, màu mỡ. Đất đai vùng Ia Phìn chủ yếu là loại đất feralit nâu đỏ, nâu vàng trên đá bazan và đen xám. Thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét ít, chứa hàm lượng limom và cát mịn cao, mùn nhiều ở tầng mặt, giàu chất lân và kali phù hợp với các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn và dài ngày như đậu đỗ các loại, mè, lạc, cao su, cà phê, hồ tiêu…
     Đến thời điểm năm 2013, tổng diện tích đất tự nhiên của xã Ia Phìn là 4.180,9 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 3.772,38, chiếm 90,24%; đất phi nông nghiệp 329,75 ha, chiến 7,88%; đất chưa sử dụng 78,77 ha, chiếm 1,88%. Trên địa bàn xã có nông trường cà phê Ia Phìn được thành lập vào năm 1986.... Đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào các dân tộc của xã phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế.
     Tài nguyên nước của xã tương đối dồi dào. Trên địa bàn Ia Phìn có hồ Hoàng Ân, nằm phía đông nam của xã, thuộc thôn Hoàng Ân, có diện tích mặt nước 93 ha, được xây kè kiên cố, có hệ thống kênh mương chia ra các thôn, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Ngoài việc cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ sản xuất cho nhân dân trong vùng, hồ Hoàng Ân còn là nguồn cung cấp nước cho các đập thủy điện Ia Drăng 1, Ia Drăng 2 (công suất 1.200KW), Ia Drăng 3...
     Chảy qua địa bàn xã có 2 con suối chính. Suối Grang bắt nguồn từ sườn tây của núi Hàm Rồng, chảy theo hướng đông nam, đi qua phía đông trung tâm xã, sau đó chảy qua thị trấn Chư Prông, xã Ia Drăng, Ia Bòng, Ia Puch đổ về phía huyện Đức Cơ có nguồn nước dồi dào. Riêng diện tích mặt nước qua địa bàn Ia Phìn khoảng 4 ha. Suối Ia Mua bắt nguồn từ thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn chảy theo hướng tây nam, đến thôn Grang 2 là suối nhỏ, phục vụ cho diện tích cà phê gần suối.
     Khí hậu xã Ia Phìn mang đặc tính chung của khí hậu vùng cao nguyên Pleiku. Nhiệt độ trung bình năm của xã là 22,5oc, nhiệt độ trung bình thấp nhất giao động từ 8-10oc, nhiệt độ trung bình cao nhất là 35-38oc. Lượng mưa trung bình năm ở Ia Phìn từ 2.200 - 2.300 mm, số ngày mưa bình quân năm 142 đến 147 ngày. Độ ẩm không khí trung bình trong năm khoảng 80%. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mưa rất tập trung, nhất là từ tháng 6 đến tháng 10, nên có tình trạng quá ẩm và thừa ẩm. Với thời gian 6 tháng mùa mưa kéo dài trong năm, nên lượng mưa trên địa bàn vào mùa mưa chiếm 90% lượng mưa cả năm và có độ ẩm khá cao. 
     Mùa mưa chấm dứt khá đột ngột, chuyển sang thời kỳ khô hạn. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong đó, có 2 tháng chuyển tiếp là tháng 4 đầu mùa mưa và tháng 11 cuối mùa mưa. Bốn tháng từ tháng 12 đến tháng 3  năm sau là mùa khô hạn gay gắt. Vào mùa khô do lượng mưa thấp, độ ẩm giảm, bên cạnh đó chế độ gió đông và đông bắc thổi mạnh nên lượng bốc hơi nước lớn, Ia Phìn thường thiếu nước, gây khô hạn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
     Tài nguyên đất ở Ia Phìn có 3 nhóm chính: đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá Granit, đất nâu tím trên đá bazan, đất nâu đỏ trên đá bazan.
     II. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI
Tính đến cuối năm 2019, xã Ia Phìn có 1.632 hộ, với 6.423 nhân khẩu, trong đó dân tộc Kinh có 1.434 hộ, 5.568 khẩu; Jrai có 189 hộ, 818 khẩu; dân tộc khác có 9 hộ, 37 khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,3% dân số toàn xã. Ia Phìn là xã có dân số đông thứ 5 của huyện Chư Prông, chỉ sau thị trấn Chư Prông và các xã Ia Lâu, Ia Piơi, Ia Đrăng. Mật độ dân số của xã là 153,6 người/km2, gấp 2,5 lần so với mật độ bình quân chung của huyện (61,4 người/km2).
     Người dân trên địa bàn xã Ia Phìn theo 4 tôn giáo chính. Đến cuối năm 2014, trên địa bàn xã có 1.198 người theo đạo và 5 chức việc hoạt động. Trong đó, có 210 hộ, với 1.220 nhân khẩu theo Công giáo (1.117 là người Kinh, 103 người Jrai); 462 tín độ phật giáo (người Kinh là 432 và 30 người Jrai); 7 hộ, 30 nhân khẩu theo Tin lành miền Nam Việt Nam; 7 hộ, 30 nhân khẩu theo đạo Cao Đài. Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn xã trong thời gian gần đây chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo.
     Nghề nghiệp chủ yếu của người dân xã Ia Phìn là làm nông nghiệp. Các ngành nghề khác như công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn lao động của xã tương đối dồi dào, số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 50% tổng dân số của xã. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là số lao động đã qua đào tạo của xã chiếm tỉ lệ không cao, một bộ phận lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức, kỹ năng lao động còn hạn chế, nên còn khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất và đời sống.
     III. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
     Về phương thức sản xuất, ngày nay, dưới tác động của khoa học - kỹ thuật và phương thức sản xuất mới, trình độ sản xuất của đồng bào Jrai Ia Phìn được nâng lên đáng kể. Việc sản xuất chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển. Tuy nhiên, những đặc điểm của phương thức sản xuất dựa vào tự nhiên vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế của đồng bào Jrai ở địa phương.
     Trồng trọt của đồng bào Jrai ở Ia Phìn trước kia phổ biến là rẫy, vườn và một ít ruộng nước ở ven các suối Grang, Ia Mua. Trước kia đồng bào còn tình trạng du canh, làm rẫy theo lối phát rừng, đốt cây khô, rồi chọc lỗ trỉa hạt, làm cỏ, thu hoạch…dưới hình thức du canh, di chuyển canh tác trong địa vực cư trú của mỗi làng. Công cụ sản xuất rất thô sơ, đơn giản là cuốc, cào, dao, rựa, rìu,... Sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong những năm đổi mới, được sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện, trên địa bàn Ia Phìn có hồ Hoàng Ân rộng 93 ha và gần 20 km kênh mương, trong đó kiên cố hoá là 12 km, nhờ đó, đồng bào dân tộc Jrai ở xã phát triển sản xuất, chủ yếu trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu.... Ngày nay việc phá rừng làm nương rẫy ở Ia Phìn không còn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phát triển với sự giúp đỡ khuyến khích của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, nhiều hộ người Kinh và một số hộ gia đình đồng bào Jrai ở Ia Phìn đã làm kinh tế trang trại, nên có thu nhập khá cao.
     Chăn nuôi trước kia của đồng bào Jrai ở Ia Phìn tuy phát triển, nhưng chưa được áp dụng sức trâu, bò vào sản xuất rộng rãi. Sản xuất nông nghiệp cổ truyền chủ yếu bằng dụng cụ thô sơ và bằng tay. Trước kia người Jrai ở Ia Phìn rất chú trọng việc chăn nuôi trâu, bò, heo, gà... nhưng không phục vụ sản xuất, hay chế biến thực phẩm, mà chủ yếu sử dụng vào việc cúng tế trong các ngày lễ hội. Ngày nay việc chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu, bò ở Ia Phìn bị thu hẹp, do không quy hoạch được đồng cỏ, nhân dân mở rộng diện tích trồng cây cà phê, diện tích cỏ bị thu hẹp. Đến đầu năm 2015[1], xã Ia Phìn có 9 con trâu, 924 con bò, đàn heo có 1.586 con, đàn gia cầm trên 15.000 con. Một số hộ nông dân đã nuôi cá, nhằm nâng cao đời sống, cải thiện bữa ăn hàng ngày.
     Để có thêm lương thực, thực phẩm, săn bắn, hái lượm là một việc làm rất phổ biến trong khu vực người Jrai Hdrung nói chung và cư dân Jrai khu vực Ia Phìn nói riêng. Trước kia người Jrai có 2 hình thức săn bắn khá phổ biến là săn tập thể và săn cá nhân. Nhưng ngày nay, do địa bàn Ia Phìn rừng bị thu hẹp, nên chỉ có một số cá nhân người Jrai, người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc săn bắn đơn lẻ. Vũ khí chính để đi săn của những người đàn ông Jrai là những chiếc ná. Thú săn được nếu là thú lớn thường được đem về chia đều cho dân làng. Ngoài ra, người đồng bào còn tự làm ra một số loại bẫy lớn, nhỏ khác nhau để bẫy thú. Phụ nữ và trẻ em thường đi hái lượm. Nằm bên hồ thủy lợi Hoàng Ân và một số con suối lớn chảy qua, cùng nhiều hồ nhỏ, nên việc đánh bắt cá ở khu vực Ia Phìn tương đối phổ biến.
     Trong nền kinh tế tự cấp, tự túc tồn tại lâu đời, người Jrai ở Ia Phìn có một số nghề thủ công là: dệt, đan lát, mộc, rèn...Nghề thủ công của đồng Jrai Hdrung tương đối phát triển thể hiện qua công trình kiến trúc nhà rông, nhà sàn. Với công cụ thô sơ là chiếc rìu nhỏ, những ngôi nhà rông cao vút được dựng lên, những ngôi nhà sàn ngắn, dài hình thành với hàng rui mè là những cây gỗ dài cả chục mét đứng vững vàng trước các mùa mưa bão của vùng cao nguyên. Sự khéo léo của đôi bàn tay những nghệ nhân bản địa, tài hoa thể hiện qua hoa văn trang trí trên mái nhà, sự trang trí tấm đan lót mái tranh, liếp vách, đầu hồi, những nét chạm trổ điêu khắc độc đáo trên cột nhà, cầu thang; cây nêu trong lễ hội, những chiếc gùi được sử dụng hàng ngày. 
     Là cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất cao nguyên Pleiku hùng vỹ, người Jrai ở Ia Phìn có truyền thống văn hóa đậm nét bản sắc riêng của dân tộc mình. Sau này, khi người Kinh và các dân tộc khác đến định cư, sinh sống đã mang đến những truyền thống văn hóa riêng của từng dân tộc. Từ đó, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa của các dân tộc ở Ia Phìn, vừa mang những nét riêng của văn hóa dân tộc từng miền, từng vùng và vừa có sự  thống nhất trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
     Văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai ở Ia Phìn thể hiện qua cấu trúc đơn vị làng, khu vực cư trú, cấu trúc nhà ở, nghệ thuật chạm trổ, kỹ thuật điêu khắc, những họa tiết trang trí trên rui mè và bên trong nhà sàn, nhà rông, trên bậc cầu thang lên xuống, qua các tượng nhà mồ, các đồ đan lát như gùi, các hoa văn trên trang phục váy, khố và những nền văn hóa mang giá trị phi vật thể như văn hóa nghệ thuật dân gian, âm nhạc.
     Người Jrai có tập quán sống thành từng làng. Làng của Jrai thường ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất. Quy mô của làng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống cụ thể gắn với cảnh quan địa hình và trình độ kinh tế. Làng của cư dân Jrai ở khu vực Ia Phìn thường có quy mô trên dưới một trăm nóc nhà.
     Làng Jrai cổ truyền thường có hàng rào bao quanh và có 2 cổng. Cổng trước để giao tiếp với thế giới của người sống (để dân làng ra ngoài làng và đón khách vào làng), còn cửa phía sau để giao tiếp với thế giới người chết (cổng ra nghĩa địa). Ngoài khu vực đất cư trú, làng của người Jrai ở Ia phìn bắt buộc phải có khu đất - rừng dành cho sản xuất, đất nghĩa địa, đất chăn thả gia súc...
     Đồng bào Jrai ở Ia Phìn, ngay từ khi lập làng đã chọn một khu đất dành riêng cho việc xây dựng ngôi nhà chung của làng mà đồng bào gọi là nhà Rông. Nhà rông mỗi làng to hay nhỏ phản ánh điều kiện kinh tế của dân cư trong làng. Đây là nơi dân làng tổ chức những lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng của cộng đồng. 
     Nhà rông là công trình điển hình thể hiện tài năng và nghệ thuật kiến trúc của đồng bào Jrai, với mái lá cao vút vươn lên giữa trời xanh và vô vàn họa tiết trang trí độc đáo. Ngôi nhà rông chính là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nơi tổ chức các lễ thần linh, lễ hội, xử phạt theo luật tục và cũng là nơi lưu giữ những vật thiêng của dòng họ, cộng đồng.
     Những ngôi nhà sàn trong một làng Jrai cổ truyền thường quây quần gần nhau và bố trí theo định hướng bắc - nam. Nhà trong làng được dựng theo một trật tự nhất định. Đối với đồng bào Jrai ở Ia Phìn nhà mở cửa bên hông và cửa chính thường mở về hướng bắc. Tuy nhiên, hiện nay do quy hoạch bố trí dân cư thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, nên đa số nhà dân ở Ia Phìn được bố trí ven các trục đường tỉnh lộ, liên xã, liên thôn và đường nội bộ trong các thôn, nên hướng nhà của đồng bào Jrai không còn được duy trì như nhà sàn trong làng cổ truyền.
     Về tín ngưỡng dân gian, với quan niệm vạn vật hữu linh, nên từ xưa đến nay người Jrai tin rằng trong thế giới tự nhiên muôn hình muôn vẻ, có một lực lượng vô hình tác động đến mọi mặt đời sống con người. Lực lượng vô hình ấy được gọi chung là Yang (thần linh). Tất cả mọi việc có liên quan đến đời sống hàng ngày của con người đều được người Jrai tin là đang có Yang cai quản, trông nom.
     Theo quan niệm của ngươi Jrai có rất nhiều Yang. Người Jrai có yang hma (thần ruộng rẫy), yang ktăn (thần sét), yang pin ia (thần bến nước), yang chư (thần núi), yang phun bơnú (thần cây đa), yang plin (thần khổng lồ hình người), yang sang (thần nhà), yang bôn (thần làng), yang kông (thần vòng tay hoặc vòng chân), yang blah (thần chiến tranh), yang hri (thần lúa), yang pơtao (tù trưởng lớn), yang prin tha (thần người sinh ra dòng họ)... Trong các Yang đó, đồng bào Jrai xem trọng hơn cả là yang sang (thần nhà), yang bôn (thần làng), yang pin ia (thần bến nước), yang bhet tơngia (thần bản mệnh trẻ em) và yang pơtao (thần gọi mưa).
     Trong cuộc sống trước đây của người Jrai, những yang này luôn được nhắc đến trong tất cả các lễ cúng hàng năm hoặc nhiều năm theo định kỳ. Ngoài những thần cao siêu, người Jrai còn quan niệm có những thần là động vật, cây cối, đồ dùng... mà con người có thể kết thân được. Ngoài ra, đồng bào cũng tin rằng, xung quanh mình có cả ma (atâu) là hồn của những người đã chết.
     Lễ hội cổ truyền của người Jrai Hdrung ở Ia Phìn nói riêng và đồng bào Jrai nói chung có hai hệ thống chính: lễ hội trong vòng đời người và lễ hội trong một chu kỳ canh tác nương rẫy.
     Lễ hội trong vòng đời người gồm những nghi lễ cầu sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi trong thời kỳ người phụ nữ mang thai. Nghi lễ được tiến hành trong thời kỳ này không lớn, lễ vật thường chỉ có gà và rượu. Hành động và lời khấn thể hiện việc cầu thần tốt phù hộ, đuổi ma xấu ra khỏi cơ thể người mẹ, người Jrai gọi chung là buăh drang. Lễ hội từ khi đứa bé sinh ra đến khi con người về với thế giới “ông - bà” hiện còn phổ biến là: lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cầu sức khỏe, lễ tạ ơn thần linh mang lại sức khỏe cho người già (tương đương như lễ mừng thọ). Tất cả những lễ này đều nhằm tôn vinh, dâng lễ vật cho yang mang lại sức khỏe cho con người. Lễ hội sau khi chết gồm một hệ thống các lễ hội liên quan đến: tang ma, cúng tháng, ăn tắm, bỏ mả (pơthi). Trong những lễ hội theo vòng đời người, người Jrai coi trọng nhất là lễ thổi tai và lễ bỏ mả.
     Những lễ hội trong chu kỳ canh tác nương rẫy (chủ yếu được tính theo chu kỳ canh tác lúa rẫy) được tiến hành từ khi chọn đất phát cây, gieo hạt, lúa trổ bông, cho đến khi hoàn thành việc thu hoạch. Ngoài ra, còn có những lễ hội liên quan đến cộng đồng như: lễ cúng bến nước, thực hiện vào dịp đầu năm mới, lễ cầu mưa, lễ đón năm mới ... Mục đích chính của những lễ hội này là nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, hoặc cầu sức khỏe cho con người. Thời gian lễ hội của đồng bào Jrai ở vùng Ia Phìn tiến hành nhiều nhất là vào tháng cuối cùng của năm (tương đương với tháng hai, tháng ba dương lịch) mà đồng bào gọi là tháng ning nơng. Đây là khoảng thời gian người Jrai giành cho việc nghỉ ngơi, tiến hành các lễ hội lớn như: lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần sức khỏe…
     Đối với người Jrai Hdrung ở Ia Phìn, Chư Prông nói riêng và đồng bào Jrai, Bahnar ở Gia Lai nói chung, trong các lễ hội cổ truyền lớn nhất thường có trâu làm vật hiến sinh. Trong phạm vi cộng đồng, những lễ hội thường có tế trâu là: lễ hội mừng chiến thắng; lễ cầu xin sự yên bình cho dân làng sau nhiều mùa vụ thất bát; lễ khánh thành nhà rông… Trong phạm vi gia đình, người ta cũng hiến sinh trâu để cầu thần linh phù hộ cho các thành viên của gia đình khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi; trâu cũng là lễ vật trong lễ bỏ mả để chia của cho người thân đã chết…
     Thông qua hệ thống lễ hội, đã phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người trong cộng đồng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ buôn làng. Ngày nay lễ hội của đồng bào Jrai ở Ia Phìn vẫn được duy trì, giảm bỏ những yếu tố tiêu cực, phát huy yếu tố tích cực, từ đó góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú của địa phương. Văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai Hdrung ở Ia Phìn được lưu giữ, từng bước giao thoa, hòa nhập trong sự phát triển chung của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
     Trong các lễ hội, cồng chiêng luôn hiện hữu, là một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Jrai. Cũng như bao dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người Jrai ở Ia Phìn vẫn giữ nếp truyền thống đánh cồng chiêng, múa soang vào những dịp lễ hội của làng như lễ mừng lúa mới, nhà mới, cầu mưa và dịp lễ tang, lễ cưới...Với đồng bào Jrai, lễ hội không chỉ nhằm cầu xin sự trợ giúp của thần linh, mà còn là dịp thể hiện nghệ thuật âm nhạc dân gian dưới hình thức diễn xướng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại từ ngày 25-11-2005. Người Jrai Hdrung ở Ia Phìn tự hào văn hóa cồng chiêng của mình cũng là một bộ phận làm nên một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đến thời điểm cuối năm 2012, tại 3 làng Bak 1, Bak 2, Grang 1 ở Ia Phìn, đồng bào Jrai còn lưu giữ được 14 bộ cồng chiêng. Xã có hai đội cồng chiêng và một đội văn nghệ tổng hợp, trong đó có cồng chiêng, thường xuyên tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của địa phương.
     Trang phục truyền thống của người Jrai Hdrung ở Ia Phìn được dệt bằng thổ cẩm với kiểu cách đơn giản. Đàn ông để khố (toai), có lúc mặc áo hoặc khoác tấm choàng (aban). Phụ nữ mặc váy quấn tấm (eng) với áo chui không cổ. Màu trang phục của người Jrai Hdrung ở Ia Phìn chủ yếu là màu đen, có sọc vàng nhỏ xen kẽ. Dải hoa văn trang trí trắng, đen, đỏ tươi nên thường sặc sỡ hơn trang phục của nhóm Jrai khác, mô típ hoa văn chân rết, ô trám, hình người dắt nhau.
     Kho tàng văn học dân gian của đồng bào Jrai ở Ia Phìn có sử thi, truyện cổ, nói vần, kể khan, ca dao... được lưu truyền trong cộng đồng, đây là các loại hình văn chương truyền miệng, là nền tảng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào. Sử thi (thể loại hát kể có vần, có điệu, kể khan), có thể coi là biên niên sử của đồng bào Jrai nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi làng thường có từ một đến hai nghệ nhân thuộc lòng những câu chuyện và kể vào những dịp nông nhàn, mừng lúa mới. Nghệ thuật múa (soang), hát nói cũng là đặc trưng của nghệ thuật dân gian Jrai, phản ánh những nét lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Luật tục của đồng bào Jrai ở Ia Phìn không được ghi thành văn, nhưng được ghi nhớ và thực hiện trong cộng đồng, đó chính là kho tàng tri thức của người dân rút ra từ kinh nghiệm thực tế phong phú trong dân gian truyền miệng độc đáo và là di sản văn hóa còn được lưu giữ trong cộng đồng đến ngày nay.
     Người Jrai Hdrung ở Ia Phìn có truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Trước năm 1975, việc giao lưu văn hóa của đồng bào còn hạn chế. Khi đất nước hòa bình thống nhất, thực hiện chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, đồng bào Kinh từ các vùng miền, các tỉnh đồng bằng miền Trung và miền Bắc đến Gia Lai, trong đó có Ia Phìn sinh sống. Cùng với xu thế chung, văn hóa của đồng bào dân tộc Jrai ở Ia Phìn đã có sự giao lưu và ảnh hưởng sâu sắc, có sự đan xen, hòa trộn giữa các nền văn hóa vừa đa dạng, vừa mang bản sắc riêng của từng dân tộc. Trong quá trình giao lưu văn hóa, đồng bào tại chỗ được tiếp thu những giá trị văn hóa mới, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của đồng bào từng bước đổi thay. Từ sự giao lưu đó đã góp phần thúc đẩy phát triển và quan hệ văn hóa, gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc của xã. Giao lưu, hòa quyện, nhưng văn hóa của đồng bào Jrai ở Ia Phìn vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những giá trị văn hóa độc đáo riêng biệt vẫn được lưu giữ, bảo tồn, cùng phát triển trong sự thống nhất, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
     IV. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC, CHỐNG THỰC DÂN, ĐẾ QUỐC VÀ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
     Vào nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp dùng vũ lực quân sự xâm lược nước ta. Đến năm 1884, bằng một hòa ước đầu hàng bán nước của triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp đã căn bản đặt ách đô hộ toàn bộ Việt Nam.
     Năm 1884 thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân thám sát lên Gia Lai, Kon Tum theo nhiều hướng và tiến hành các cuộc hành quân “đánh giặc Mọi”. Đánh chiếm tới đâu, chúng thiết lập đồn binh trấn giữ, tăng cường bắt lính người địa phương để chiếm giữ các vị trí trọng yếu và trấn áp các cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc trong vùng.
     Ngay từ tháng 10-1898, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ đưa yêu sách đòi triều đình Huế để cho nước Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế toàn vùng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Năm 1899, triều đình Huế buộc phải nhượng bộ yêu sách đó của Pháp.
     Chiếm Tây Nguyên, Pháp tăng cường các cuộc khai thác thuộc địa, cướp đất đai, tuyển nhân công, lập đồn điền, khai thác tài nguyên đất rừng màu mỡ nơi đây. Một loạt đồn điền ở Gia Lai, vùng tây đường 14 được lập lên. Năm 1923, Công ty nông nghiệp chè và cà phê tỉnh Kon Tum - An Nam (Compagnie Agricole Des Thés et cafés de KonTum - Annam, viết tắt là CATECKA) - tức là đồn điền Bàu Cạn ra đời. Để thu nguồn lợi lớn từ miền cao nguyên, Pháp tăng cường chính sách bóc lột, khai thác thuộc địa.
     Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền thực dân áp dụng hàng loạt các loại xâu, thuế. Chế độ xâu thuế đã đẩy người dân lâm vào cảnh khốn cùng, nghèo đói. Ngoài ra chính quyền thực dân còn thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm sự phát triển văn hóa của người dân nơi đây, nhằm đẩy họ vào vòng tăm tối lạc hậu. Chế độ cai trị thực dân tàn bạo đã dẫn đến mâu thuẫn gay gắt trong xã hội.
     Có áp bức, có đấu tranh. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đồng bào dân tộc Jrai ở Ia Phìn và vùng lân cận, cùng với các vùng khác ở Tây Nguyên đã liên tiếp nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào nổ ra tự phát từ một làng, lan đến nhiều làng, chống các cuộc hành quân càn quét, chiếm đất lập đồn điền, chống bắt lính, đi xâu, chống sưu thuế...
     Ngày 3-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Mặc dù trong điều kiện lúc bấy giờ còn muôn vàn khó khăn, nhưng ánh sáng cách mạng của Đảng đã soi rọi và lan tới vùng cao nguyên xa xôi này, thông qua việc đi vô sản hoá hoặc tránh sự truy lùng của mật thám Pháp, các đảng viên cộng sản từ Sài Gòn, Huế đã lên đồn điền Bàu Cạn hoạt động, từ đó đã tích cực tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng trong tầng lớp công nhân, nhân dân các dân tộc quanh vùng, trong đó có đồng bào Jrai ở vùng Ia Phìn ngày nay.
     Từ 1930 đến 1945, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền Bàu Cạn phát triển mạnh với mục tiêu đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi dân sinh dân chủ, chống sự hà hiếp của chủ sở, đã ảnh hưởng đến khắp vùng, trong đó có đồng bào Jrai ở vùng Ia Phìn. Những năm 1944-1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cách mạng, đoàn thanh niên, nhân dân vùng Ia Phìn, huyện Chư Ti đã hưởng ứng cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đứng lên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 thắng lợi, giành quyền làm chủ cho dân tộc mình.
     Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi, đồng bào Jrai vùng Ia Phìn, huyện Chư Ti hăng hái tham gia xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập và tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng. Với tinh thần quyết tâm vượt mọi gian khó, đồng bào Jrai ở địa phương đã cùng với nhân dân các dân tộc trong huyện góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ.
     Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, nước ta tạm chia thành hai miền. Miền Nam sống dưới ách cai trị của bọn Mỹ-ngụy. Đồng bào dân tộc Jrai xã E5 (xã Ia Phìn ngày nay) phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, tiếp tục nêu cao tinh thần và ý chí đấu tranh, vượt mọi khó khăn gian khổ, cùng nhân dân các dân tộc huyện 5 đương đầu với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Từ trong gian khổ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhân dân xã E5 vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững từng tấc đất, thôn làng, cùng quân và dân trong huyện, trong tỉnh và toàn miền đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn và các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần cùng cả nước thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
     Sau giải phóng, nhân dân Ia Phìn bắt tay vào công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền  xã. Bước vào thời kỳ xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh, Ia Phìn tập trung ổn định tình hình, tổ chức cứu đói cứu đau, tổ chức sản xuất, phát động phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng sản xuất nông nghiệp, tiếp nhận lao động, phân bố lại dân cư. Thành tựu nổi bật nhất trong 10 năm đầu sau giải phóng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Ia Phìn là nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, phát triển cây hoa màu, cây ăn quả, bước đầu trồng cây công nghiệp, cơ bản đảm bảo tự túc được lương thực trên địa bàn.
     Năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Chư Prông, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Ia Phìn đã vượt qua những khó khăn thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới vào điều kiện cụ thể của địa phương, từng bước tạo được bước ngoặt quan trọng về kinh tế, chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền sản xuất hàng hóa, trên cơ sở phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sản xuất nông nghiệp ở Ia Phìn tăng trưởng cả về qui mô và năng xuất, cơ cấu cây trồng thay đổi theo hướng mở rộng vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, tiêu…Đời sống nhân dân các dân tộc trong xã được cải thiện cơ bản.
     Sau gần 40 năm giải phóng và hơn 25 năm đổi mới, bằng những nỗ lực không ngừng, với sự đoàn kết nhất trí cao, sự vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của đảng, nhà nước; cấp ủy, chính quyền xã Ia Phìn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những thành tựu đạt được của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã E5-Ia Phìn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống mới là nền tảng, tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Phìn anh hùng vững bước trên con đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp.
     Bước sang năm 2000, để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng theo Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 22-5-2000 của Bộ Chính trị, trong hai ngày 4 và 5-9-2000, Đại hội Đảng bộ xã Ia Phìn lần thứ XI nhiệm kỳ 2001-2005 được tổ chức. 36 đảng viên trên tổng số 37 đảng viên của các chi bộ trong Đảng bộ tham dự Đại hội.
     Đại hội đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa X (nhiệm kỳ 1996-2000) trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2001-2005. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2000-2005), gồm 9 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng ủy xã gồm 03 đồng chí, đồng chí Phạm Văn Vinh được bầu làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Chí Khiên là Phó Bí thư thường trực và Rahlan Thôn là Phó Bí thư.
     Sau Đại hội, toàn Đảng bộ có 41 đảng viên với 4 chi bộ, trong đó: chi bộ 1 có 10 đảng viên; chi bộ 2 có 22 đảng viên; chi bộ dân quân có 4 đảng viên và chi bộ nhà trường có 5 đảng viên.
     Đến năm 2001, thành lập thêm 2 chi bộ, tổng số đảng viên của Đảng bộ là 46 đồng chí, sinh hoạt ở các tổ đảng, chi bộ thôn làng. Còn 2/10 thôn làng trắng đảng viên.
     Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XI, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy xã chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa IX, các nghị quyết hội nghị Trung ương, Nghị quyết Đại hội XII, Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng bộ huyện và Nghị quyết XI Đảng bộ xã theo kế hoạch, hướng dẫn của huyện ủy Chư Prông.
     Năm 2001, Đảng ủy xã tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình theo hướng dẫn của Đảng bộ huyện trong cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo thực hiện đổi mới và chỉnh đốn tổ chức Đảng về tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực tham ô, tham nhũng, lãng phí, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
     Trong lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, Đảng ủy xã đã có những biện pháp tích cực và đổi mới. Sau Đại hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa XI đã phân công nhiệm vụ cho từng ủy viên phụ trách từng lĩnh vực cụ thể.  Cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở, đi sâu vào đời sống nhân dân, nắm chắc diễn biến tư tưởng trong nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng, từ đó rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực, có những định hướng kịp thời trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống tư tưởng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng bộ quán triệt mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bằng những hành động cụ thể, nghị quyết gắn liền với thực tế, tích cực tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
     Đảng bộ luôn chú trọng xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, của địa phương. Xây dựng quy chế làm việc toàn khóa và triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động.
     Nhận thức đúng đắn quan điểm của Đảng về công tác tổ chức cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong đánh giá, đề bạt, quy hoạch cán bộ. Quan tâm chỉ đạo công tác bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ xã và các thôn làng nhằm nâng cao năng lực, đảm nhiệm nhiệm vụ được phân công phụ trách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Để củng cố đội ngũ cán bộ xã, thôn làng, hàng năm cấp ủy, chính quyền xã tổ chức tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ giai đoạn 2005-2010, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho số cán bộ đương chức, cán bộ nguồn. Trong nhiệm kỳ đã đề nghị 7 đồng chí đi học lớp trung cấp lý luận chính trị tại huyện. Tổ chức sắp xếp lại cán bộ các ban ngành đoàn thể, bố trí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thực tế của địa phương. Các thôn, làng đã tổ chức bầu thôn trưởng của 10 thôn làng theo quy định.
     Công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ được triển khai thường xuyên, nhằm đánh giá cán bộ về phẩm chất đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và uy tín đối với quần chúng nhân dân. Kịp thời chấn chỉnh số cán bộ chưa thực sự là nòng cốt trong các phong trào, chưa nhiệt tình trong công tác và có biện pháp xử lý những cán bộ sai phạm quy định của Đảng; quan tâm chú trọng công tác phát triển đảng viên mới, đến năm 2005, toàn Đảng bộ có 47 đảng viên.
     Nhiệm kỳ 2001-2005, Đảng bộ xã Ia Phìn đã nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ xã đến các thôn, làng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, đảm đương vai trò trách nhiệm tuyên truyền vận động, đưa đường lối chủ trương của Đảng đến với nhân dân, vận động quần chúng tích cực sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
     Đảng bộ Ia Phìn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ chính trị của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền xã từng bước được kiện toàn về số lượng, nâng cao chất lượng về năng lực quản lý, điều hành. Mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư được phối hợp chặt chẽ.
     Ủy ban mặt trận xã Ia Phìn nhiệm kỳ 2000-2005 có 21 thành viên chính thức, trong đó có 3 nữ, 7 dân tộc thiểu số, 8 đảng viên. Mặt trận và 10 ban công tác mặt trận ở các thôn làng với 39 thành viên, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác hòa giải, tuyên truyền nhân dân ở các thôn làng, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy ước, hương ước, tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo gia đình chính sách, vận động đóng góp ủng hộ các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Phối hợp với khối dân vận phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh chính trị, tật tự an toàn xã hội trên địa bàn, vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo.
     Đảng ủy quan tâm lãnh đạo tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã. Nhiệm kỳ 2000-2005, Đoàn thanh niên xã Ia Phìn có 11 chi đoàn với 150 đoàn viên ở các thôn làng, luôn phát huy vai trò trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, thanh niên lập nghiệp, phong trào đoàn, đội. Ban chấp hành đoàn xã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức thi tìm hiểu về “Tư tưởng Hồ Chí Minh” cho cán bộ đoàn. Công tác tuyên truyền giáo dục đã đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho đàn viên, thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy xã, đoàn thanh niên Ia Phìn đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng và củng cố tổ chức đoàn, hội, phong trào thanh thiếu nhi ngày càng vững mạnh. Tích cực hưởng ứng chiến dịch mùa hè xanh tình nguyện (năm 2004) do đoàn viên thanh niên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp triển khai. Đoàn viên, thanh niên xã tích cực tham gia các phong trào thi đua đi đầu trong học tập và tiến quân vào khoa học công nghệ, như Thanh niên thi đua học tập rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, Thanh niên thi đua tình nguyện lao động sản xuất, Thanh niên thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thi đua tình nguyện vì cộng đồng...đạt được hiệu quả cao, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh.
     Hội phụ nữ với 11 chi hội và 560 hội viên luôn duy trì sinh hoạt với các hoạt động nhằm xây dựng thôn làng. Qua công tác tuyên truyền vận động của hội và chi hội, chị em phụ nữ các thôn làng tích cực tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện chính sách Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
     Hội Nông dân xã có 600 hội viên ở 10 chi hội thôn làng, sinh hoạt nền nếp. Hội đi đầu trong việc tuyên truyền vận động nông dân trên địa bàn thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng giống mới, thực hiện liên doanh liên kết với nhà máy, doanh nghiệp trong việc cung cấp giống, phân bón phục vụ cho sản xuất. Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hội viên đạt 6 chuẩn mực, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
     Hội Cựu chiến binh xã có 6 chi hội với 105 hội viên, luôn nêu cao phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới. Hội cựu chiến binh thực sự là nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách, động viên con em ở địa phương thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
     Hội Người cao tuổi ở Ia Phìn năm 2000 có 356 hội viên ở 10 thôn làng. Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động hội người Cao tuổi, nhằm phát huy vai trò, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn đời sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện gia đình ba thế hệ “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
     Sau 5 năm bước triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2000-2005, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, công cuộc đổi mới ở địa phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
     Ngày 25, 26-8-2005, Đảng bộ xã Ia Phìn tổ chức Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 2005-2010). 47 đảng viên thuộc 10 chi bộ trực thuộc tham dự Đại hội. Đại hội đã đánh giá kết quả lãnh đạo nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhiệm kỳ 2000-2005; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã (nhiệm kỳ 2005-2010) gồm 11 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 02 đồng chí, đồng chí Lê Quang Dũng, Nguyễn Huy Hoạt được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy.
     Đến tháng 02-2006, Huyện ủy Chư Prông đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Quang Dũng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Lý Văn Hường được bầu vào Thường trực Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
     Ngày 16-6-2008, đồng chí Lý Văn Hường được Huyện ủy điều động sang đảm nhiệm công tác khác, đồng chí Phạm Hồng Phái, Đảng ủy viên, Trưởng Công an xã được bổ sung vào Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Phìn.
     Đến năm 2010, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Ia Phìn có 10 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ có 03 đồng chí. Các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy xã và Ban Chấp hành Đảng ủy đều có trình độ từ THCS trở lên, 02 đồng chí có trình độ THPT. Trong Ban Chấp hành có 04 đồng chí trình độ lý luận sơ cấp chính trị và 03 đồng chí trình độ trung cấp chính trị, 01 cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 10%), 02 cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm 20%). Đến năm 2010, Đảng bộ có 85 đảng viên, trong đó có 11 đảng viên dự bị, sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc tại các thôn làng, cơ quan, ban quân sự, trường học.
     Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, trong nhiệm kỳ 2005-2010, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã chủ động sáng tạo, vận dụng linh hoạt các nghị quyết của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã, kinh tế- xã hội của địa phương từng bước đạt được kết quả, đời sống nhân dân trên địa bàn từng bước phát triển vững chắc, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định.
     Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tập trung đẩy mạnh lãnh đạo chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Chú trọng triển khai tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh và nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ huyện Chư Prông, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ xã trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
     Ngày 07-11-2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về việc tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Đến năm 2009, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên trong toàn Đảng. Thực hiện kế hoạch hướng dẫn của huyện ủy, cấp ủy xã đã triển khai thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chủ động có kế hoạch triển khai tổ chức học tập theo chủ đề hàng năm. Cấp ủy Đảng chỉ đạo các đoàn thể tổ chức các hoạt động triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức như thi tìm hiểu, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chọn cá nhân tham gia các hội thi do huyện tổ chức.
     Qua việc học tập nghị quyết của Đảng và nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo sự chuyển biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện phấn đấu trong mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu và vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức Đảng và trong hệ thống chính trị.
     Trong nhiệm kỳ, công tác phát triển Đảng được cấp ủy thường xuyên chú trọng. Nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ xã kết nạp được 33 đảng viên, xóa 2 thôn làng trắng đảng viên. Đến năm 2010, toàn Đảng bộ có 10 chi bộ trực thuộc, tăng 2 chi bộ so với đầu nhiệm kỳ, trong đó 1 chi bộ quân sự, 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ cơ quan và 5 chi bộ thôn làng.
     Để nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, Đảng bộ xã chú trọng chỉ đạo sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng ở 10 chi bộ thôn làng. Các chi bộ đảm bảo sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Đảng quy định, đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt, đảm bảo thông tin 2 chiều giữa thường vụ, Đảng ủy và các chi bộ. Đảng viên trong các chi bộ được phân công phụ trách hộ dân cư, cụm dân cư theo địa bàn cư trú để phát huy vai trò lãnh đạo, tăng cường sự gần gũi, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng, từ đó có phương pháp lãnh đạo chỉ đạo hiệu quả.
     Đảng bộ xã chú trọng công tác kiểm tra giám sát theo chương trình kế hoạch của cấp ủy, góp phần làm trong sạch nội bộ, nâng cao chất lượng của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình, tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Qua kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ, đã kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật 05 trường hợp, khiển trách 01 trường hợp, cảnh cáo khai trừ 01 trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng.
     Công tác xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng được Đảng bộ quan tâm chú trọng. Cấp ủy Đảng tăng cường chỉ đạo củng cố, xây dựng và đổi mới hoạt động Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhằm nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, sử dụng và quy hoạch cán bộ theo chức danh, tiêu chuẩn.
     Qua các nhiệm kỳ, hoạt động của hội đồng nhân dân xã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác giám sát. Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân xã qua các nhiệm kỳ được đổi mới và nâng cao. Nội dung, chương trình các kỳ họp hội đồng nhân dân xã ngày càng đạt hiệu quả, chủ động cụ thể hóa nghị quyết của các cấp ủy Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hội đồng nhân dân phối hợp với mặt trận xã, Ủy ban nhân dân xã trong công tác tiếp xúc cử tri theo từng cụm thôn làng và trong việc tham gia xây dựng chính quyền.
     Hoạt động của Ủy ban nhân dân xã ngày càng được củng cố, đi vào hoạt động có chiều sâu, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, điều hành khoa học, đúng luật định, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ủy ban nhân dân xã chủ động tham mưu đề xuất các kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân. Trong hoạt động đã bám sát các chủ trương, định hướng của cấp ủy để xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, thực hiện cơ chế một cửa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những bức xúc trong nhân dân không để tồn đọng kéo dài, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
     Hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, mặt trận xã và cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng, giám sát và bảo vệ chính quyền; vận động nhân dân thực hiện các phong trào hành động cách mạng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ.
     Hội nông dân khóa III (nhiệm kỳ 2002-2007) xã Ia Phìn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Qua đó, cổ vũ, động viên các tầng lớp quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và chính quyền địa phương, tích cực tham gia sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
     Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ hội, chi hội và hội viên hăng hái tham gia trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Nông dân tham gia bảo vệ quốc phòng- an ninh. Kết quả đạt được trong phong trào hoạt động của hội nông dân xã đã góp phần thúc đẩy hội viên nông dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình ngày càng vững mạnh. Phong trào trồng cà phê đã giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên, đời sống kinh tế dần phát triển. Từ trong phong trào nhiều gia đình đã thoát nghèo, đã xuất hiện những điển hình tiên tiến như ông Đào Quang Long, chi hội Hoàng Tiên; Trần Ngọc Anh, chi hội Grang 2...là những nông dân có thành tích trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng cho hiệu quả kinh tế cao. Hội viên nông dân trong xã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Hội nông dân xã phối hợp với các thành viên Ban công tác mặt trận vận động nhân dân các thôn làng đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng thôn làng văn hóa, vận động con em đến tuổi đến trường lớp, tham gia vệ sinh môi trường thôn làng, thực hiện kế hoạch hóa gia đình để bảo đảm sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Với sự tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành trong xã, nhân dân các thôn làng tích cực tham gia phong trào bảo vệ quốc phòng an ninh, nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia bảo đảm ổn định trật tự xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn; động viên con em đến tuổi chấp hành luật nghĩa vụ quân sự, bảo vệ tổ quốc. Tuy còn có những hạn chế trong triển khai công tác của Hội trên một số mặt, nhưng với kết quả đạt được của Hội nông dân xã đã góp phần cùng địa phương thúc đẩy kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
     Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XI, Hội phụ nữ xã Ia Phìn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chị em tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đối giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, “Gia đình hội viên phụ nữ 3 không, 3 sạch” [2]. Nhiều gia đình chị em đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi, từng bước phát triển kinh tế gia đình, góp phần trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương. Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hội phụ nữ xã triển khai các hoạt động theo chủ trương của Hội phụ nữ tỉnh, gắn với nhiệm vụ của xã. Hội tuyên truyền phát động chị em thực hiện xây dựng hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm, nuôi heo đất, mái ấm tình thương...nhằm giúp đỡ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường tín chấp vay vốn tạo điều kiện cho nhội viên phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong sinh hoạt, đã gắn ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, vận động hội viên chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chống tệ nạn xã hội, tội phạm. Qua nhiệm kỳ, hoạt động của hội phụ nữ xã đã có nhiều chuyển biến, đổi mới về nội dung, theo phương châm hướng về cơ sở thôn làng, đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Tổ chức bộ máy hội phụ nữ thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
     Tổ chức Đoàn thanh niên xã luôn chú trọng phát huy vai trò đi đầu trong các phong trào thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ tham gia bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng địa phương phát triển vững mạnh. Hội cựu chiến binh xã phát huy phảm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường tham gia tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 
     Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa XII (nhiệm kỳ 2005-2010), ngày18 -5-2010, Đại hội Đảng bộ xã Ia Phìn lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010-2015) được tổ chức. Trên cơ sở đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị qua 5 năm triển khai Nghị quyết khóa XII, Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, nhiệm kỳ (2010-2015) của Đảng bộ xã.
     Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí, đồng chí Lê Quang Dũng được bầu làm Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Nguyễn Huy Hoạt, Phạm Hồng Phái được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Phìn.
     Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2010 - 2015, kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng có bước phát triển. Nền kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh. Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội cơ bản vượt và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đời sống vật chất, văn hóa ngày một cải thiện, trình độ dân trí của nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng an ninh ngày càng được củng cố vững chắc. Thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang địa phương. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ xã đã đạt được những bước tiến nhất định.
     Về công tác xây dựng Đảng, đến năm 2015, toàn Đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc, tăng 6 chi bộ so với đầu nhiệm kỳ với 110 đảng viên. 10/10 thôn làng có đảng viên, đã xóa được tình trạng trắng đảng viên ở các thôn làng, trường học. Trong xây dựng Đảng, cấp ủy tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
     Đảng bộ xã luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, quan tâm phát triển đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp được 29 đảng viên, xóa 5 thôn làng trắng đảng viên. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quy hoạch, cán bộ nguồn, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra giám sát nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
     Công tác dân vận được cấp ủy quan tâm. Đảng ủy, chính quyền xã thường xuyên củng cố, kiện toàn khối dân vận, lấy Mặt trận và các đoàn thể nhân dân làm nòng cốt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân, tham gia phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao cảnh giác, đấu tranh với mọi âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong việc xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
     Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết, các quan điểm, mục tiêu, nội dung chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đẩy mạnh biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cùng chung sức xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, nêu cao vai trò nghĩa vụ của người công dân đối với Đảng, nhà nước, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền ở cơ sở. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể hướng về cơ sở, gần dân sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ, phát huy tinh thần “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền địa phương. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn xã, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố, mối quan hệ giữa dân với Đảng gắn bó hơn,  dân gần Đảng, Đảng gần dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng -an ninh, trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
     Đến năm 2015, trên địa bàn xã có 4 tôn giáo với 1198 tín đồ, 5 chức việc[3], trong đó có 2 tôn giáo hoạt động mạnh. Qua công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua, các tôn giáo đều sinh hoạt theo pháp lệnh tín ngưỡng, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đồng bào theo đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị, đồng thời đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng và chính quyền cách mạng.
     Công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc được đẩy mạnh. Xã có 3 làng đồng bào dân tộc, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn khó khăn. Cấp ủy, chính quyền xã tăng cường chỉ đạo mặt trận và các ban ngành, đoàn thể hướng về cơ sở, bám thôn làng, tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tận người dân, vận động đồng bào tham gia các phong trào ở địa phương, cùng nhân dân các dân tộc trong xã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống, tham gia xây dựng thôn làng ngày càng phát triển đi lên, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.
Tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy chỉ đạo việc triển khai Chỉ thị 03 ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, qua giao ban hệ thống chính trị, hệ thống loa truyền thanh không dây và các hội thi. Các chi bộ trực thuộc, cơ quan, ban ngành sinh hoạt theo chuyên đề hàng năm. Trong hội thi “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có 06 chi bộ của xã tham gia, từ đó lựa chọn để tham gia thi cấp huyện. Việc ghi chép Sổ tay làm theo gương Bác được Đảng bộ xã quán triệt và các đảng viên chấp hành nghiêm túc. Qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức đến hành động, việc làm cụ thể theo tấm gương đạo đức của Bác, thể hiện qua tinh thần, trách nhiệm trong phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, được nhân dân tin yêu, một số đồng chí là tấm gương sáng để nhân dân học tập và noi theo. Từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Trần Văn Gác, thôn Grang II, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen năm 2013.
     Năm 2012, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", triển khai hướng dẫn của Huyện ủy Chư Prông, Đảng ủy xã Ia Phìn đã chỉ đạo tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên, các ban, ngành đoàn thể theo đúng kế hoạch, tổ chức hội nghị kiểm điểm phê bình và tự phê bình Ban Thường vụ Đảng ủy đảm bảo đúng trình tự các bước tiến hành theo yêu cầu của Bộ chính trị. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) nghiêm túc, bám sát vào ba vấn đề cấp cách của Nghị quyết đề ra. Sau hội nghị kiểm điểm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã  tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm bức xúc theo đúng quy trình; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các chi bộ, cơ quan, đơn vị đoàn thể triển khai thực hiện nghị quyết đảm bảo lộ trình  thời gian, mục đích, yêu cầu của Nghị quyết.
     Sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ xã ngày càng được khẳng định, nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
     Công tác xây dựng chính quyền được đẩy mạnh. Hoạt động của HĐND xã thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác giám sát. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đúng luật định, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị trong nhân dân để kịp thời xử lý và phản ảnh tới các cơ quan chức năng giải quyết. Các kỳ họp đã cụ thể hóa Nghị quyết của cấp ủy Đảng và HĐND cấp trên; nội dung, chương trình các kỳ họp được tổ chức ngày càng khoa học và hiệu quả hơn.
     Hoạt động của UBND xã ngày càng được củng cố, đi vào hoạt động có chiều sâu, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, điều hành khoa học, đúng luật, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của địa phương. UBND xã chủ động tham mưu, đề xuất kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính, đồng thời rút ngắn thời gian, thủ tục giải quyết tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
     Đảng ủy tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố về tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân. Chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt theo tinh thần Nghị quyết của Huyện ủy. Qua đó hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động hướng về cơ sở. Tăng cường xây dựng và củng cố tổ chức hội cơ sở, nâng cao năng lực quản lý địa bàn khu dân cư. Tích cực vận động, tập hợp quần chúng tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
     Trong giai đoạn 2000-2015, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Chư Prông, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Ia Phìn đã nắm bắt thời cơ, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã các nhiệm kỳ 2000-2010, 2011-2015 đề ra. Kinh tế- xã hội của địa phương đạt được nhiều thành tựu nhất định. Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng chăn nuôi, cơ cấu hạ tầng được đầu tư, lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm chú trọng. An ninh chính trị được ổn định và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được chú trọng, đổi mới, nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Quan hệ giữa dân với Đảng, Đảng với dân ngày càng được củng cố, từng bước tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo được sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng bộ xã đã vận dụng đúng đắn các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đồng thời đổi mới nhận thức tư duy trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó đề ra các biện pháp lãnh đạo triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, đưa nền kinh tế địa phương từng bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ổn định và phát triển. Sự thay đổi và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh của địa phương trong những năm qua, chính là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Ia Phìn tiếp tục vững bước đi lên trên con đường thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.
 

[1] Theo số liệu báo cáo số 57, ngày 30-12-2014 của UBND xã Ia Phìn.
[2] “Gia đình hội viên phụ nữ 3 không, 3 sạch”. 3 không là: Không có chồng, con, em tham gia hoạt động tin lành Đê Ga; Không mắc các tệ nạn xã hội và phạm tội; Không vi phạm pháp lệnh dân số.
3 sạch là: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
[3] Báo cáo tình hình thực hiện công tác năm 2014, chư[ng trình công tác năm 2015 của UBND xã Ia Phìn, số 57, ngày 30/12/2014.
Quá trình hình thành và Phát triển >> Cơ cấu tổ chức  >>
Thành tựu giai đoạn 2010-2015 >>  Định hướng phát triển giai đoạn 2015-2020 >> 
   
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 16 Trần Phú, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3843 680
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png