Chư Prông chủ động phòng tránh thời tiết cực đoan đầu mùa mưa

27/05/2020
        Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm 2020, tình hình thời tiết có những chuyển biến bất thường hơn so với các năm trước. Hiện nay, khu vực Tây nguyên đang bước vào giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, khả năng xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan như dông, lốc, sấm sét, mưa đá, gió giật mạnh…sẽ gia tăng. 

           Trong khi đó, nắng nóng vẫn không có dấu hiệu suy giảm, nhiều địa phương đạt mức nhiệt độ rất cao. Trời càng nắng nóng, càng dễ xuất hiện những trận mưa dông nhiệt có kèm theo lốc tố, sấm sét. Lốc tố xuất hiện trong các cơn dông cũng dữ dội như bão, nó có thể đổ cây, làm sập và phá hủy nhà cửa, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông, gây thương tích hoặc làm chết gia súc, gia cầm và cả người. Những ngày gần đây, Chư Prông đã đón những trận mưa dông đầu tiên, trong cơn mưa có gió giật mạnh kèm theo sấm sét… khiến cây đổ, phương tiện giao thông gặp bất trắc trên đường, và một số thiệt hại đối với cơ sở vật chất, kiến trúc của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện...Cụ thể, là trận mưa dông kèm theo sấm sét xảy ra vào chiều ngày 12/5/2020 và trận mưa dông kèm theo sấm sét đêm ngày 24/5 rạng sáng ngày 25/5/2020 đã xảy ra trên địa bàn các xã Ia Drang, Ia Phìn, Ia Kly, Thăng Hưng và thị trấn Chư Prông, tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 206 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Ngay từ đầu mùa mưa, bão, để chủ động, giảm thiểu và kịp thời khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện, UBND huyện Chư Prông đã ban hành các Văn bản số 549/UBND-NL, Văn bản số 566/UBND-NL, Văn bản số 619/UBND-NL, Văn bản số 837/UBND-NL. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, tránh thời tiết cực đoan như mưa dông kèm lốc xoáy, sét, mưa đá, gió giật mạnh và khắc phục kịp thời những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện trọng mùa mưa bão năm 2020.
            Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luyến – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết: Để giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai và các hiện tượng thời tiết xấu xảy ra khi chuyển mùa, hằng năm, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản cảnh báo. Cùng với đó hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai cơ sở, người dân về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lũ quét, sạt lở, nứt đất, sét đánh, lốc tố, cách phòng, chống cụ thể cũng được đẩy mạnh. Nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nguy hiểm, còn tâm lý chủ quan. Sự vào cuộc đồng bộ của ngành, đoàn thể, địa phương trong tuyên truyền vẫn chưa hiệu quả cao.
Trong năm nay, giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, thời tiết cũng sẽ có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sét, lốc, gió giật  mạnh. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. Do đó, các cấp, ngành, chính quyền và Nhân dân các địa phương cần chú ý đề phòng và chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại. Cụ thể như chằng chống nhà cửa, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng, vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện các phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, kiến trúc...
             Bên cạnh đó, ông Luyến cũng cho hay, đặc thù của các trận dông, sét là hình thành cực nhanh, chỉ khoảng 01 - 02 giờ, thậm chí là 30 - 40 phút, nên các bản tin thông báo thường khó đến được với người dân kịp thời. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp huyện, xã, các địa phương cần nghiên cứu để có phương thức truyền tin nhanh nhất đến với người dân, có thể thông qua các hệ thống truyền tin nhanh hiện nay như tin nhắn điện thoại, mạng xã hội Facebook, Zalo… để người dân phòng, chống kịp thời. Đồng thời, ông khuyến cáo người dân khi trời đang gặp mưa, có sấm sét thì không nên núp dưới tán cây cao, cột dẫn điện như thu lôi, truyền thanh, truyền hình, những cây rễ nhiều... Những cây đa, sồi, gòn, những gò đất, đỉnh núi nhô cao, vực sâu chứa nhiều hơi ẩm cũng không nên ẩn lấp. Trong lúc giông sét, bà con cũng không nên mang theo bên mình những vật làm bằng kim loại như sắt, thép và tìm chỗ khô ráo, trú vào những chỗ cây thưa, tầm thấp để tránh sét. Khi nghe tiếng sét, bà con thực hiện động tác nhón chân, tay ôm cổ, đầu úp vào 2 đầu gối, không được nằm xuống đất, không đứng thành nhóm người gần nhau. Trường hợp đang ở trong nhà, nếu dông lốc xảy ra, người dân cần hạn chế sử dụng nước để tắm hay sinh hoạt, đứng xa vị trí cửa sổ, rút phích cắm điện và tắt các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, tủ lạnh để tránh làm chập mạch điện trong trường hợp bị sét đánh trúng…nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
                                                                                                       Bài: Minh Anh
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: làng Hle, xã Ia Pia, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)....
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: iapia.chuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png