Chư Prông: giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng

25/03/2021
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức Unesco thế giới công nhận vào năm 2005, đây là văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào người Jrai nói riêng và các dân tộc Tây nguyên nói chung. Để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa này, trong những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Chư Prông đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào người Jrai tiếp tục luyện tập, gìn giữ, không để văn hóa cồng, chiêng mai một.


Ông Ksor Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang Tây nguyên năm 2021 cho các học viên học đánh cồng, chiêng và múa xoang
 
Vào một buổi chiều nắng đẹp, trời  trong xanh của tháng 3 Tây Nguyên, chúng tôi có dịp đến nhà văn hóa xã Ia Drang tham dự buổi lễ bế giảng lớp truyền dạy đánh cồng, chiêng và múa xoang do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông tổ chức. Tại đây, các học viên của lớp đã trình diễn cho chúng tôi xem các bài cồng, chiêng. Khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên  hòa quyện với những điệu múa xoang nhịp nhàng uyển chuyển khiến lòng người không khỏi đắm chìm với đất và người Tây Nguyên.
 

Các học viên lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang Tây Nguyên trình diễn những tiết mục cồng chiêng và múa xoang
 
Lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang Tây Nguyên tại xã Ia Drang được mở trong thời gian 15 ngày, có 64 học viên là dân làng Xung Beng ở độ tuổi từ 7-45 tham gia. Để đảm bảo thời gian học tập, lao động sản xuất cho học viên cũng như chất lượng đào tạo, Trung tâm GDNN-GDTX đã bố trí lịch học liên tục trong một khóa, mỗi buổi lên lớp bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 21 giờ tối hàng. Do đó, các học viên đều tham gia đầy đủ, chấp hành tốt nội quy, quy chế lớp học đề ra. Chất lượng đào tạo đảm bảo, 100% học viên đã thành thục trong cách đánh cồng, chiêng, múa xoang cũng như biểu diễn tốt các bài cồng chiêng được truyền dạy.

Bà Lê Thị Hoan – Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông cho biết: “Làng Xung Beng xã Ia Drang hiện có 160 hộ dân sinh sống và 100% đều là người dân tộc thiểu số Jrai. Do đó, chúng tôi đã chọn ngôi làng này để đào tạo, nhìn chung trong thời gian truyền dạy các học viên đều tiếp thu nhanh nội dung bài học, chất lượng đầu ra đảm bảo”.

Nghệ nhân Rơ Châm Lui người trực tiếp truyền dạy đánh giá: “Tôi nhận thấy học viên đều đam mê với cồng chiêng, khả năng thẩm âm và tiếp thu rất tốt, đặc biệt do chấp hành tốt lịch học nên việc truyền dạy đạt hiệu quả cao, học viên đều có thể thực hiện được các kỹ năng diễn tấu cồng chiêng từ cơ bản đến nâng cao”.

Học viên Rơ Mah Thuyết làng Xung Beng xã Ia Drang bày tỏ: “Tôi rất hứng thú với khóa học này, vì khóa học đã giúp tôi và dân làng gìn giữ được truyền thống, văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc mình”.

Ông Trịnh Quốc Thanh – Chủ tịch UBND xã Ia Drang cho biết: “Toàn xã hiện có 4 làng đồng bào dân tộc Jrai, trong đó mỗi làng đều có một đội cồng chiêng, các làng này đều duy trì luyện tập cồng chiêng thường xuyên, tuy nhiên để tiếp tục phát huy tốt văn hóa cồng chiêng tại xã, những năm qua chúng tôi vẫn chú trọng tạo mọi điều kiện cho dân làng thường xuyên rèn luyện kỹ năng đánh cồng chiêng, múa xoang và hỗ trợ mua cồng chiêng cho các làng”.
 

Những điệu múa xoang đẹp mắt của các học viên là cô gái Jrai làng Xung Beng xã Ia Drang
 
Không chỉ đào tạo tại xã Ia Drang, trong năm 2020, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông đã mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang Tây nguyên tại xã Ia Pia, với 50 học viên tham gia. Lớp học này cũng có chất lượng đào tạo tốt. Nói về việc mở rộng lớp đào tạo cồng chiêng và múa xoang, Bà Lê Thị Hoan cho biết thêm: “Năm 2021, ngoài xã Ia Drang, chúng tôi cũng dự kiến mở thêm 5 lớp ở các xã Ia Me, Ia Bang, Ia Púch, Ia Mơ và Ia Băng, trong đó, mỗi lớp học có khoảng 50 đến 60 học viên”.

Trong những năm qua, huyện Chư Prông luôn chú trọng bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. Hàng năm, các cấp chính quyền cùng các hội đoàn thể đều thường xuyên tuyên truyền người dân tiếp tục duy trì luyện tập đánh cồng, chiêng và múa xoang, đặc biệt chú trọng việc đào tạo, truyền dạy cồng ,chiêng và múa xoang cho thế hệ trẻ. Trong các sự kiện văn hóa – văn nghệ của huyện, xã hay các lễ hội ở thôn, làng đồng bào người Jrai đều được biểu diễn cồng, chiêng và múa xoang.   

Ông Ksor Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Không gian văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào không chỉ người dân huyện Chư Prông nói riêng mà còn là niềm tự hào của vùng đất Tây nguyên nói chung. Để tiếp tục duy trì, phát huy không gian văn hóa này, trong những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện luôn nỗ lực vận động các thôn làng duy trì tốt việc tâp luyện cồng chiêng. Các thế hệ đồng bào Jrai ngày nay hầu hết đều đam mê với cồng chiêng và xem đây là món ăn tinh thần vô giá, không thể thiếu của dân làng”./.
                                                                                       Bài, ảnh: Rơ Lan Viện
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)....
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: thanghung.chuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png