BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03/2019

11/03/2019
Một số chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 3/2019

1. Áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước mới từ ngày 5/3
Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg.
Bộ tiêu chí bao gồm 19 tiêu chí như: Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; Bảo đảm tính khách quan và tính công bằng; Bảo đảm tính minh bạch; Bảo đảm cam kết chất lượng thống kê; Bảo đảm sự phù hợp giữa hiệu quả và chi phí…
Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng thống kê, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động thống kê Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thống kê, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê Nhà nước.
Từ 2020, hàng năm các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng thống kê theo Bộ tiêu chí nêu trên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tự đánh giá chất lượng thống kê thuộc phạm vi phụ trách.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.
2. Hệ số lương tăng thêm so với lương cơ bản tối đa là 1,0
Ngày 21/01/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 04/2019/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 08/03/2019.
Theo đó, hệ số lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với mức chênh lệch thu trừ chi (Hln) như sau: mức chênh lệch dưới 03 tỷ, Hln  tối đa bằng 0,3; mức chênh lệch từ 03 đến dưới 05 tỷ thì Hln tối đa bằng 0,5; mức chênh lệch từ 05 đến dưới 10 tỷ thì Hln tối đa bằng 0,7; mức chênh lệch từ 10 tỷ trở lên thì Hln tối đa là 1,0.
Mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách được tính bằng: Lương cơ bản + lương cơ bản nhân hệ số lương tăng thêm.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về thang lương, bảng lương, phụ cấp; quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương, phân phối tiền lương, tiền thưởng... 
3. Thưởng đến 5 triệu/lần cho người có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy
Ngày 22/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-TTg về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm, có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
Quỹ Phòng, chống tội phạm là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành; Quỹ cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và quản lý, điều hành.
Về nội dung chi, định mức chi của Quỹ, Thủ tướng quy định: Cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy sẽ được thưởng đột xuất với mức tối đa 05 triệu đồng/người/lần khen thưởng và 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
4. Sửa quy định về nộp bản sao chứng thực đối với TTHC lĩnh vực Văn hóa, thể thao
Ngày 30/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2019/NĐ-CP  Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực 15/3/2019.
Theo đó, Chính phủ đã bỏ quy định bắt buộc phải nộp bản sao có công chứng, chứng thực, cụ thể: Đối với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vũ trường; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú”  trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, nghệ sĩ ưu tú”; giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…Thì cá nhân, tổ chức có quyền nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).
5. Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ việc làm, bảo trợ xã hội
Ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về việc quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, quy định nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; được hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế nếu thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh; được hưởng chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật…
Đồng thời, con của nạn nhân bom mìn vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèohoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập. Bên cạnh đó, Nghị định cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bom mìn vật nổ hoặc mua bán các loại vật liệu, phế liệu sau xử lý bom mìn vật nổ trừ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, an ninh.
6. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Ngày 11/01/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, có hiệu lực 15/3/2019. Theo đó, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…
7. Người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên
Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành  Thông tư 49/2018/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực 15/3/2019.
Theo đó, người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, trưởng khoa xét nghiệm sẽ là người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc nếu phân công bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm ký kết quả xét nghiệm thì người đó phải có trình độ đại học trở lên.
8. Nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đến
Ngày 24/01/2019, Bộ Nội vụ ban hành 01/2019/TT-BNVThông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức, có hiệu lực 10/3/2019. Theo đó, nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đến điện tử như sau:
- Tất cả văn bản đến cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống.
- Số đến của một văn bản đến là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đến của cơ quan, tổ chức.
- Xác nhận văn bản đến đúng địa chỉ.
- Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết văn bản đến của cơ quan, tổ chức tiếp nhận văn bản.
- Giải quyết văn bản đến kịp thời, đúng thời hạn quy định.
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png