Kết qủa 5 năm xây dựng nông thôn mới của huyện Chư Prông

22/10/2015
Với vị trí địa lý đặc thù, nằm phía tây nam tỉnh Gia Lai, tổng diện tích đất tự nhiên 169.551,56 ha, trong đó có 73.800 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 43,5% diện tích đất tự nhiên. Dân số toàn huyện có 26.688 hộ; với 116.867 khẩu (05/2015). Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47% dân số toàn huyện. Huyện có 19 xã, 01 thị trấn; với 180 thôn, làng, tổ dân phố; 117 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số; có 7 xã khu vực I; 9 xã khu vực II và 4 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III). 


            Kế thừa những thành quả quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 03 (KHÓA XII) của Ban thường vụ Huyện ủy Chư Prông về xây dựng nông thôn mới theo hướng Công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đó là: Công tác định canh, định cư; phát triển hệ thống giao thông; thủy lợi; điện sinh hoạt; mạng lưới y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin liên lạc; sản xuất nông nghiệp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở. Đó là những mục tiêu và nội dung không khác so với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay.
            Việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện được bắt đầu từ công tác phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới; về các nội dung, quan điểm, mục tiêu cần đạt được trong chương trình để người dân hiểu, đồng thuận và cùng tham gia thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, từ việc thành lập các Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo tổ chức thực hiện tại địa phương. Những nội dung theo yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thông tin rộng rãi.
            Một trong nhưng yếu tố tích cực để tuyên truyền phát động đối với quần chúng nhân dân là tổ chức các phong trào; trong 5 năm qua, UBND huyện đã tổ chức 03 đợt phát động lớn về phong trào thi đua "Chư Prông cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Hưởng ứng các đợt phát động, 19/19 xã với 171/171 thôn, làng làm lễ ra quân hưởng ứng và tham gia xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện những phần việc, tiêu chí chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước như chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm chuồng trại nhốt gia súc, mắc điện chiếu sáng trước cổng nhà, đóng góp kinh phí làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác. Qua các đợt tuyên truyền và phát động đã góp phần quan trọng giúp cán bộ và nhân dân có nhận thức đúng về Chương trình, thay đổi nếp nghĩ, khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại; khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
            Trong chỉ đạo điều hành, Huyện ủy, UBND huyện thống nhất thành lập Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gồm 19 thành viên, đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó hướng dẫn thành lập các Ban theo quy định tại 19 xã.
            Hàng năm, việc củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo cấp huyện, xã được tiến hành để đảm bảo trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình. Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm và phân công các thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách thôn, làng, tổ chức họp dân triển khai các nội dung của bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổ chức các đợt phát động, vận động, tuyên truyền thực hiện những phần việc chưa cần có sự đầu tư của Nhà nước.
            Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong 5 năm qua hàng loạt các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã và các thôn, làng trên địa bàn huyện đã được tổ chức. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 84 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 4.200 lượt cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, hầu hết cán bộ cấp xã, thôn, làng đã được tìm hiểu về kiến thức cơ bản, như: Chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước liên quan đến xây dựng nông thôn mới; bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nội dung và các bước thực hiện xây dựng nông thôn mới; quy trình quản lý tài chính nguồn ngân sách cấp xã…
            Tiếp theo các bước chuẩn bị thì việc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện đúng trình tự. Việc lập đề án và đồ án quy hoạch được triển khai thực hiện theo đúng trình tự hướng dẫn của các Bộ, ngành, Trung ương; trên cơ sở đánh giá hiện trạng thực tế của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án và đồ án quy hoạch, Ban chỉ đạo luôn bám sát thực tiễn kịp thời có ý kiến điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
            Có thể nói bên cạnh chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thì việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là yếu tố then chốt, là xương sống của quá trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, huyện đã tích cực huy động nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế với số tiền trên 600,131 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 19,351 tỷ đồng (Vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình nông thôn mới); Ngân sách địa phương: 14,74 tỷ đồng; Vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 435 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 30,266 tỷ đồng; Vốn Doanh nghiệp: 10,102 tỷ đồng; Vốn đóng góp của người dân: 90,73 tỷ đồng (chỉ tính nguồn vốn nhân dân đóng góp trực tiếp tiền, ngày công, hiến đất để làm các công trình công cộng phục vụ cộng đồng, không tính các nguồn vốn nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, làm nhà ở..). Nhìn chung các nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai minh bạch, đúng cơ chế phân cấp chủ đầu tư.
            Cụ thể về nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án: Huyện đặc biệt chú trọng theo hướng tập trung các nguồn lực ưu tiên, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án đã đầu tư 435 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm, về giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế và văn hóa. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 165 km đường giao thông, 154 phòng học, 4 trạm y tế xã và 6 nhà văn hóa xã. Ngoài ra, các công trình như đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng được người dân chủ động tham gia tự nguyện đóng góp. Sự đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hoàn thiện dần các tiêu chí  xây dựng nông thôn mới. 
            Chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn các xã trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến, các chương trình hỗ trợ đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có điều kiện sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm, từ nguồn vốn ngân sách địa phương cộng với nguồn vốn của các chương trình, dự án với tổng kinh phí 29.056 triệu đồng đã hỗ trợ cho hơn 10 ngàn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 từ 27,32% đến năm 2015 ước còn 10,35 %; thu nhập bình quân đầu người tăng dân qua các năm, năm 2011 là 13,5 triệu đồng/người/năm đến năm 2015 ước đạt 28,2 triệu đồng/người/năm.
            Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cho nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế được chú trọng thực hiện. Trong 5 năm đã triển khai thực hiện được 34 mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khoa học công nghệ, công nghệ sinh học…. Trong đó: Lĩnh vực trồng trọt triển khai 17 mô hình, trong chăn nuôi triển khai 12 mô hình, trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ sinh học đã triển khai 5 mô hình. Các mô hình triển khai đã tập trung chủ yếu vào các cây trồng, vật nuôi chính như: Cà phê, hồ tiêu, bơ, cao su, lúa, bò, heo, gà và các mô hình ứng dụng công nghệ và công nghệ sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các mô hình đều bám sát mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất nhằm từng bước phát triển sản xuất, ổn định kinh tế giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn kết với triển khai thực hiện mô hình kinh tế giúp người dân nắm bắt và áp dụng các kỹ thuật trực tiếp vào sản xuất. Hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong 5 năm, đã chỉ đạo tổ chức triển khai được 257 lớp tập huấn, với 12.850 lượt người tham dự. Nội dung tập huấn chủ yếu phổ biến các kiến thức kỹ thuật về trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng chính trên địa bàn, như cây hồ tiêu, cà phê, cao su, cây lúa nước. Hiện nay trên đại bàn huyện, hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ sản xuất không còn là cá biệt.
            Về một số tiêu chí quan trọng của các ngành: Về giáo dục và đào tạo: Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn huyện hiện có 06  trường đạt chuẩn quốc gia; có 19/19 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay có 18/19 xã đạt tiêu chí về trường học và 9/19 xã đạt tiêu chí về giáo dục. Về Y tế: Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và kiện toàn tổ chức, bộ máy, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 75,9%; có 3/19 xã đạt tiêu chí về Y tế. Về văn hóa: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được triển khai sâu rộng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân  không ngừng được nâng cao; dự kiến năm 2015, số thôn, làng, TDP văn hóa đạt tỷ lệ 50%; số gia đình văn hóa đạt 50,4%. Đến nay có 7/19 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và 12/19 xã đạt tiêu chí về văn hóa. Về môi trường: Công tác bảo vệ môi trường được các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn quan tâm thực hiện; Công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn đã được quan tâm, cải thiện; thường xuyên tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn kiến thức về môi trường gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88%; có 15/19 xã đạt tiêu chí về môi trường.
            Công tác xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị các cấp được nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nội quy và quy ước của các thôn, làng quy định rõ các nội dung về giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Nên những năm qua, an ninh văn hóa nông thôn an toàn, lành mạnh. Đến nay có 7/19 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị và 11/19 xã đạt tiêu chí về an ninh trật xã hội vững mạnh.
            Năm 2011, kết quả đánh giá hiện trạng trước khi tiến hành triển khai lập đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã theo 19 tiêu chí: Có 1 xã đạt 4 tiêu chí; 6 xã đạt 3 tiêu chí; 10 xã đạt 2 tiêu chí; 02 xã đạt 1 tiêu chí. Sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả rà soát các tiêu chí của các xã tính đến thời điểm hiện nay: Có 05 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 03 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2015 có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Ia Drăng, xã Bàu Cạn); đến năm 2020 phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm xã Ia Boòng, Ia Phìn, Ia Băng), các xã còn lại mỗi năm phấn đấu tăng thêm 1 tiêu chí trở lên.
            Bài học được rút ra sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Chư Prông là: Quán triệt sâu rộng trong nhân dân chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới. Để người dân nắm bắt mục đích ý nghĩa của chương trình; phát huy dân chủ, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được tham gia đóng góp và người dân hưởng thụ. Qua thực tế cho thấy ở những xã nào cấp ủy Đảng, chính quyền có sự quan tâm sâu sắc, Đảng bộ xã đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, trong sạch vững mạnh, làm tốt công tác chỉ đạo thì nơi đó kết quả triển khai chương trình đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện chương trình cần bám sát nội dung hướng dẫn của các sở, ban, ngành và thường xuyên phối hợp với các đoàn thể từ huyện, xã, tới thôn, làng. Phát huy vai trò của UBMTTQ và các đoàn thể, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền. Chương trình xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài do đó công tác chỉ đạo triển khai phải được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thường xuyên, liên tục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn chặt với những đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; kịp thời có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp nhằm động viên, khích lệ phong trào. Đúc rút kinh nghiệm hay, mô hình tốt, làm điểm cho các xã học tập, làm theo; tạo phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn./.
 
                                                                                                          Hà Huy Văn
                                                                             (Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Chư Prông)
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png