Tìm “chữ” trong đêm.

14/11/2023
      Thời gian qua, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, đêm nào cũng vậy, tại các điểm trường trên địa bàn 16 xã của huyện Chư Prông lại vang lên tiếng đọc vần đều đặt theo hướng dẫn của giáo viên. Đây là những lớp xóa mù chữ do Ngành giáo dục huyện Chư Prông triển khai thực hiện theo chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Chư Prông.
 

Mot-buoi-hoc-xoa-mu-chu-tai-điem-truong-lang-Po-xa-Ia-Kly.jpg
Một buổi học xóa mù chữ tại điểm trường làng Pó xã Ia Kly
 
     Chị Rơ Lan Choát, làng Mui, xã Bình Giáo cũng như các học viên khác của lớp xóa mù chữ ở huyện Chư Prông, sau một ngày bộn bề lo toan cuộc sống, chiều về lại nhanh chóng cơm nước cho gia đình để đến lớp kịp giờ học. Vì có con nhỏ, gia đình khó khăn, mỗi lần đến lớp, chị Choát vừa phải địu con vừa đi bộ hơn 2 cây số, tuy vất vả, nhưng chị không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản, thay vào đó, với chị, mỗi ngày biết thêm con chữ là một niềm vui. Chị Rơ Lan Choát xúc động chia sẻ: “Tôi thích đi học để có kiến thức, hiểu biết thêm trong cuộc sống. Nhưng gia đình khó khăn, con còn nhỏ, đi học phải cõng con theo”.
 
 
Niềm vui khi đến lớp học xóa mù chữ của chị Rơ Lan Choát - Làng Mui, xã Bình Giáo
 
      Nhằm triển khai hiệu quả chương trình Xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tiểu dự án 1- Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện Chư Prông. Ngành giáo dục huyện phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, thống kê người mù chữ, tái mù chữ. Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt danh sách người học xóa mù chữ trên cơ sở đề nghị của các xã, thị trấn. Bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm dạy học. Kịp thời tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy học Chương trình Xóa mù chữ. Chuẩn bị đảm bảo về cơ sở vật chất lớp học, bàn ghế, thiết bị dạy học. Tổ chức mở các lớp học phù hợp với đối tượng học viên, linh hoạt thời gian học tập, đa dạng hóa các hình thức học tập. Tính đến nay, huyện đã mở 30 lớp tại 16 xã với 823 học viên, trong đó học viên người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 99%. Các lớp này đều tổ chức vào ban đêm và dạy học 5 buổi trên tuần.
 
      Ông Trương Minh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa mù chữ xã Bình Giáo cho biết: “Khi nhận được kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện cũng như Phòng Giáo dục thì Ủy ban nhân dân xã đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xóa mù chữ của xã giai đoạn năm 2023-2025. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên rà soát các đối tượng nằm trong diện được xóa mù chữ”.
 
      Ông Lê Quang Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường TH Trưng Vương xã Bình Giáo cũng cho biết: “Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu Ủy ban xã công tác vận động học viên ra lớp rồi đến nội dung xây dựng các chương trình, kế hoạch đảm bảo theo quy định. Đặc biệt nhà trường cũng đã phân công một giáo viên tâm huyết, đang sống tại địa phương, từ đó nhà trường đã mở được 1 lớp với 32 học viên tại điểm trường làng Kành”.

 

Ban Chỉ đạo xóa mù chữ xã Bình giáo cùng Ban giám hiệu trường TH Trưng Vương và hệ thống chính trị làng Kành
rà soát, thống kê người mù chữ và động viên người mù chữ đi học lớp xóa mù chữ.
 
      Công tác duy trì sĩ số hết sức quan trọng, đặc biệt ở lớp xóa mù chữ, hầu hết học viên đều lớn tuổi, thậm chí có người đang độ tuổi xế chiều. Họ là lao động chính, hàng ngày như “thân cò lặn lội bờ ao” mưu sinh, kiếm thu nhập cho gia đình, nhất là vào mùa thu hoạch, nhiều người phải ở lại nương rẫy. Đồng thời, với tâm lý e ngại hoặc do ảnh hưởng bởi hủ tục, tập quán lạc hậu đã có thời điểm một số học viên thường xuyên vắng học… Khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục cũng như các địa phương đã có những giải pháp động viên, khích lệ để giúp học viên hiểu được sự cần thiết của việc học, chủ động đến lớp, do đó, đến nay các lớp học đều có tỉ lệ chuyên cần đạt 97% trở lên. 
 
      Ông Rơ Lan In - Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Kành, xã Bình Giáo nói: “Chúng tôi thường xuyên trực tiếp vận động học viên để đảm bảo sĩ số. Nếu trường hợp học viên bỏ học thì nhà trường cũng báo cho tôi để tôi trực tiếp tới nhà vận động học viên đến trường đầy đủ”.
 
      Cô Phan Thị Thanh Thúy - Giáo viên trường TH Trưng Vương, xã Bình Giáo tâm sự: “Biện pháp chủ yếu nhất đó là lòng nhiệt tình, thật là nhiệt tình với học viên, gần gũi, động viên rồi chia sẻ với họ. Rồi phân tích cho họ thấy được muốn làm gì cũng phải biết chữ và dần dần họ hiểu được rằng phải biết chữ thì mới dạy dỗ được con cháu, phải biết chữ mới làm được những việc lớn lao hơn và họ cũng cố gắng học tập, thấy được niềm vui khi biết chữ, hiểu được ích lợi của việc biết chữ và mỗi ngày đều có tiến bộ nên họ rất là vui, có hôm trời mưa rất to nhưng học viên họ vẫn đi học rất đều đặn.
 

Học viên lớp xóa mù chữ ở xã Bình Giáo đi học chuyên cần, đầy đủ
 
      Mặc dù có kinh nghiệm dạy học và đã qua tập huấn xóa mù chữ, nhưng khi trực tiếp đứng lớp, giáo viên vẫn gặp không ít khó khăn. Nhất là luyện chữ cho học viên, tiết học nào cũng vậy, giáo viên đều phải cầm tay viết nắn nót từng chữ một cách chậm trải, kiên trì để đôi bàn tay học viên thường ngày quen với cái cuốc, cái cày, công việc đồng áng thích ứng với việc cầm bút. Tiếp đến là giúp học viên nắm chắc kiến thức “vỡ lòng”, đọc thành thạo bảng chữ cái, đánh vần bài thơ, đoạn văn trôi chảy. Việc này đòi hỏi tốn kém thời gian cũng như công sức, bởi hầu hết học viên chưa thông thạo tiếng phổ thông, thiếu vốn từ vựng, phát âm thường sai dấu. Để học viên đạt được kết quả, người giáo viên phải thật sự nhẫn nại, tận tâm, nhiệt huyết, đam mê với với nghề thì mới đủ sức đảm đương công việc dạy xóa mù chữ. Và hơn ai hết, mỗi học viên phải là những học trò giàu nghị lực, tự tin vượt qua những khó khăn, thay đổi nhận thức, nếp nghĩ để sớm gặt hái được thành công trên con đường học tập.
 

Thầy Võ Chí Tâm – Trường TH và THCS Kim Đồng nhiệt tình hỗ trợ giúp vợ là cô giáo Phan Thị Thanh Thúy
– Trường TH Trưng Vương hướng dẫn học viên lớp xóa mù chữ xã Bình Giáo tập đọc chữ.
 
      Thầy Nguyễn Tích Thiện - Giáo viên trường TH và THCS Nguyễn Khuyến, xã Ia Kly cho biết: “Tôi thấy rằng với tinh thần học tập siêng năng, tích cực của các học viên. Các anh chị cũng thể hiện được sự nhiệt tình, sự nỗ lực và đã thu được kết quả và bây giờ đối với học viên lớp tôi thì đa phần các học viên cũng đã biết đọc những bài cơ bản và biết tính toán những phép tính đơn giản để phục vụ cho cuộc sống. Tôi nghĩ là học viên với tinh thần học tập tốt như thế này thì cũng hy vọng là theo những giai đoạn đó thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của quá trình học tập của lớp xóa mù”.

 

Thầy Nguyễn Tích Thiện - Giáo viên trường TH và THCS Nguyễn Khuyến, xã Ia Kly luyện viết chữ cho học viên.
 
      Bằng nỗ lực, quyết tâm, sau giờ lên lớp ở trường, hằng đêm, các thầy, cô giáo lại tiếp tục hành trình “gieo chữ” xóa mù. Và với sự chịu thương, chịu khó trong học tập, những con chữ xa lạ ngày nào, giờ đây đã hiện hữu trên những trang vỡ của học viên. Nay sách đã là bạn đồng hành cùng học viên đi đến những chân trời mới với hy vọng về cuộc sống “như phép màu nhiệm” xóa đi mặc cảm, tự ti là người từng mù chữ. Có lẽ gánh nặng về cơm áo, gạo tiền cũng sẽ được vơi bớt phần nào khi học viên biết đọc, biết viết, biết tính toán và đặc biệt có thêm nhiều cơ hội trang bị kiến thức từ những thông tin trên sách, báo để làm hành trang cho cuộc sống, được tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương pháp làm ăn để lao động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn.   

      Chị Kpă Prách - Làng Lân, xã Ia Kly xúc động cho biết: “Tôi thấy thầy, cô giáo chỉ dạy rất nhiệt tình, từ hướng dẫn đọc đến viết từng con chữ. Không khí lớp học cũng rất sôi nổi, hầu hết các anh, chị học viên như tôi đều cố gắng học tập. Bây giờ đã biết đọc, biết viết, tôi rất vui. Tôi cũng đã biết tính toán trong mua sắm, chi tiêu để phục vụ cho cuộc sống của gia đình”.

      Ông Kpuih Huy - Làng Pó, xã Ia Kly bày tỏ: “Bản thân tôi cũng muốn đi học, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên không thể đi học. Nay địa phương, Nhà trường tạo điều kiện đi học, tôi rất mừng. Xin cảm ơn địa phương, nhà trường và giáo viên đã giúp tôi biết cái chữ để tôi thuận tiện hơn trong cuộc sống, công việc”.

 

Học viên Rơ Lan Ngăk – làng Mui xã Bình Giáo chăm chỉ học thêm khi ở nhà.
 
      Theo Phòng Giáo dục huyện Chư Prông, dự kiến đến giữa tháng 11 năm 2023, các lớp sẽ hoàn thành Chương trình kỳ 1, giai đoạn 1. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm đánh giá chất lượng đào tạo cũng như kiến thức thu được của học viên qua quá trình học tập. Đây cũng là nền tảng quan trọng giúp học viên học tập tiến bộ hơn thời gian tới, từ đó tự tin làm chủ những con chữ, phép tính phục vụ đời sống thường ngày, đồng thời, chủ động khám phá cái hay, cái đẹp trong kho tàng tri thức ngôn ngữ sách, báo./. 
 Bài: Rơ Lan Viện
 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png