TÀI LIỆU PHỔ BIẾN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

03/12/2020
1. Thực trạng
Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Nó không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài. Những hậu quả lâu dài biểu hiện từ nhẹ đến những rối loạn rất nặng. Những rối loạn này không chỉ liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh.  Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Tại các tỉnh Miền trung và Tây nguyên : Theo kết quả báo cáo của TAND các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 và 2017, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng hoặc/và bị xâm hại nhiều lần nhưng gia đình và nhà trường không nắm bắt được, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Từ ngày 01/10/2015 đến 30/9/2017, TAND các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã thụ lý mới trên 70 vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, các tỉnh khu vực Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất như  Đắk Lắk 23 vụ, Gia Lai 19 vụ, Phú Yên thụ lý tăng so với năm trước là 11 vụ.
Trên địa bàn huyện Chư Prông, theo Kiến nghị số: 01/KN-VKS-HS ngày 16/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện thì tình hình tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp, các vụ việc có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
 
 
2. Nguyên nhân
- Nguyên nhân chủ quan từ phía người xâm hại: do chịu ảnh hưởng từ các văn hóa phẩm đồi trụy (như phim, ảnh, sách báo có nội dung không lành mạnh); do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tha hóa; do nghiện sex; do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng pháp luật của người xâm hại (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số). Một số trường hợp người xâm hại là người chưa đủ 18 tuổi nhưng không có sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người lớn, nhà trường và xã hội.
- Nguyên nhân khách quan từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân: do sự chủ quan của gia đình nạn nhân khi phó mặc các cháu cho nhà trường mà không để ý đến sự phát triển tâm sinh lý của các cháu ở lứa tuổi dậy thì, hoặc chủ quan đối với những mối nguy hại ngay bên cạnh các cháu mà cha mẹ thiếu quan tâm, định hướng cho các cháu. Đối với nạn nhân trong các vụ án “Giao cấu với trẻ em”, các nạn nhân bắt đầu bước vào tuổi mới lớn, các cháu luôn cần có sự quan tâm, định hướng của gia đình nhưng do nhận thức chưa đầy đủ, do tâm lý e ngại, do điều kiện sống khó khăn… nên các bậc phụ huynh thường ít quan tâm, không trực tiếp trao đổi với các cháu về các nguy cơ có thể xảy ra. Các cháu có tâm lý muốn khám phá cơ thể mình và trong một số trường hợp, muốn khẳng định mình không chỉ bằng việc học hành thi cử mà khẳng định bằng cách có người yêu sớm. Trong các vụ án này, nạn nhân thường là người chủ động trong việc yêu cầu bị cáo quan hệ tình dục với mình, do tò mò, do muốn khẳng định mình hoặc do sự thôi thúc của bản năng... Các cháu thường dậy thì sớm, cơ thể phát triển tương đối hoàn chỉnh nhưng sự phát triển về nhận thức còn hạn chế. Một phần các cháu do tò mò nên vô hình trung đã bị lợi dụng mà không hay biết và trở thành nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm này. Do đó, việc giáo dục nhận thức cho các cháu là vô cùng quan trọng và các bậc cha mẹ phải chủ động trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em từ khi các cháu còn nhỏ.
Đối với nạn nhân trong các vụ án “Dâm ô đối với trẻ em”, gia đình nạn nhân thường chủ quan đối với những mối nguy hại xung quanh các cháu. Thủ phạm có thể là người quen, hàng xóm  hay một số người mà ngay cả gia đình nạn nhân cũng không ngờ tới như những người có mối quan hệ ruột thịt hoặc có mối quan hệ nuôi dưỡng (pháp luật hình sự quy định đây là tình tiết tăng nặng “có tính chất loạn luân”và tình tiết “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh” trong một số điều luật của BLHS).
 3. Giải pháp
Nhận thức thế nào là xâm hại tình dục trẻ em?
Xâm hại tình dục trẻ em là người lớn dùng sức mạnh hay quyền lực, lợi dụng sự ngây thơ và lòng tin của trẻ em để buộc các em tham gia vào hoạt động tình dục.
Đối tượng xâm hại là ai?
+ Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
+ Người không quen biết.
+ Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
Các mức độ xâm hại tình dục
+ Động chạm, sờ mó.
+ Phô trương làm thỏa mãn.
+ Kích thích.
+ Quan hệ.
+ Bị xâm hại tình dục nghiêm trọng…
Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục
+ Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
+ Hay bị giật mình.
+ Thoáng vui, thoáng buồn.
+ Khóc lóc, gặp ác mộng.
+ Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…
+ Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu…
Tác hại của việc xâm hại tình dục
+ Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ.
+ Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
+ Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
+ Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
Cách xử lý khi trẻ bị xâm hại tình dục
+ Cố gắng gần gũi trẻ, khuyến khích trẻ cởi mở tâm trạng.
+ Tùy vào mức độ của mối quan hệ với trẻ, có thể nói chuyện với trẻ về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định.
+ Không để cho trẻ có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
+ Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
+ Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
Lưu ý:
+ Không làm ầm ĩ và quá lên mức độ trầm trọng của việc sẽ khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn. 
+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những trẻ em khác.
Cách tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục
+ Nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…
+ Không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện.
+ Gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113…
+ Không cho bất kỳ ai đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ;
+ Không làm theo các yêu cầu đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trê cơ thể của bất kỳ ai; 
+ Không cho bất kỳ ai chụp hình, quay phim, vẽ những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ.
     + Khi có ai đó cố gắng đụng chạm những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ, hoặc yêu cầu trẻ đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thế của họ, hoặc muốn chụp hính/quay phim, vẽ những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ thì hãy nói:"KHÔNG". Đồng thời, hãy chạy đến tìm một người đáng tin cậy và kể cho người đó nghe những chuyện vừa xảy ra.
+ Không đi chơi lang thang hoặc nằm ngủ ở những nơi không kin đáo và không an toàn.
+ Không nên đi vào nhà vệ sinh công cộng một mình.
+ Hãy ăn mặc kín đáo.
+ Không nhận tiền, qùa của bất kỳ người lạ nào….
Chúng ta nên quan tâm đến các em nhiều hơn và chủ động trang bị cho các em  kiến thức tự bảo vệ để tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện bị xâm hại tình dục như: sợ hãi, khóc lóc, hay gặp ác mộng, sống khép mình….thì chúng ta nên dùng tình cảm, sự yêu thương của mình động viên trẻ nói ra sự thật từ đó giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh nhất.
4. Quy định pháp luật có liên quan
* Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016 được sửa đổi, bổ sung năm 2018.
- Điều 1:Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.
- Điều 8 :
1- Trẻ em được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan.
2- Nghiêm cấm việc ngược đãi, làm nhục, hành hạ, ruồng bỏ trẻ em; bắt trộm, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; kích động, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm những việc có hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
*Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
Điều 25. Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin
1. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc (sau đây gọi là nơi tiếp nhận thông tin). Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được yêu cầu.
3. Trường hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 26. Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; chuyển ngay thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
3. Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Nghị định này.
*Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương;
b) Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em;
c) Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn, ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại;
d) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
*Các quy định của Bộ Luật hình sự về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
 
 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 16 Trần Phú, huyện Chư Prông
, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3843 680
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269)......
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức | Liên hệ | Site map icontop.png