Phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Chư Prông

04/05/2022
Ngày 27/04/2022, UBND huyện Chư Prông đã ban hành Kế hoạch 99/KH-UBND về việc phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Chư Prông  với nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 09/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Chư Prông như sau:
I. MỤC TIÊU
- Tập trung khai thác và phát huy tốt lợi thế phát triển ngành chăn nuôi của huyện theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục huy động và đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển chăn nuôi, xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi. - Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn huyện, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
- Thu hút đầu tư, tập trung phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện trong giai đoạn tới, đồng thời phát triển hệ thống đồng cỏ nhằm tận dụng diện tích đất đai còn trống, vùng đất đai khó canh tác các loại hoa màu và cây trồng khác để cung cấp thức ăn thô xanh cho các trang trại chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện. Phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước để phát triển ngành thủy sản đồng bộ các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyển dịch hình thức nuôi trồng theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển đổi số, chú trọng phát triển các đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế... nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.
- Phát triển thủy sản gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng thị trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới.
- Đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; nâng cao nhận thức về vai trò phát triển thủy sản, thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản.
II. NHIỆM VỤ
1. Chăn nuôi

- Chăn nuôi lợn: Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại tập trung. Tổng đàn lợn đến năm 2025 khoảng 265.300 con; trong đó chăn nuôi theo hướng công nghiệp đạt 60%.
- Tổng đàn gia cầm đến năm 2025 ước đạt 313.000 con (trong đó: đàn gà khoảng 300.000 con, đàn thủy cầm 13.000 con); Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại, công nghiệp trong đó khoảng 50% đàn gà và 25% đàn thủy cầm được nuôi theo phương thức công nghiệp.
- Tổng đàn bò đến năm 2025: Đạt khoảng 51.000 con. Tỷ lệ bò lai đạt 50%.
- Đàn trâu duy trì ổn định khoảng 350 con.
- Vật nuôi khác: ngoài tập trung phát triển các gia súc, gia cầm chủ lực trên, cần quan tâm, khuyến khích phát triển các loài vật nuôi khác phù hợp với điều kiện và quy hoạch của huyện như: Ong, hươu, nuôi chim yến...
- Kiểm soát dịch bệnh: Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế và thanh toán được các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây lan sang người, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.
- Giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: UBND các xã, thị trấn quan tâm đầu tư; thu hút, kêu gọi các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, nhà máy chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phục vụ người tiêu dùng.
- Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm vật tư và sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát vi sinh vật, chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm. - Kiểm soát môi trường: Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi đều phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo…
- Riêng đối với các hộ chăn nuôi là người đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu đến năm 2025 đạt một số chỉ tiêu sau:
+ Công tác giống: Tỷ lệ lai tạo đàn bò đạt 50%, bên cạnh việc chăn nuôi các giống bản địa có sử dụng các giống heo ngoại, giống dê lai giúp nâng cao năng suất.
+ Phương thức chăn nuôi: Phấn đấu đến năm 2025 xóa 100% hình thức chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, chăn thả dựa hoàn toàn vào tự nhiên.
+ Tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi bò và heo có nền xi măng đạt tỷ lệ 50% và 50% các hộ chăn nuôi có hệ thống thu gom, xử lý chất thải.
2. Thủy sản
- Ưu tiên xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện: Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản,...; Đề án đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản,...
- Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ để phục vụ phát triển thủy sản. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành thủy sản.
- Nuôi trồng thủy sản: Sử dụng giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cao gắn với các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống/thức ăn, nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP). Xây dựng và triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi nuôi trồng thủy sản. Xây dựng, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.
- Khai thác thủy sản: Tổ chức khai thác thủy sản theo mô hình tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản.
III. GIẢI PHÁP
1. Khoa học công nghệ và hợp tác

- Tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi.
- Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.
- Nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
2. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường
- Triển khai có hiệu quả việc xây dựng các chương trình kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi trọng điểm; kiểm soát và phòng, chống kháng thuốc.
- Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ra vào huyện, chú trọng kiểm soát biên giới hai xã Ia Mơ và Ia Púch bảo đảm hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch bệnh; thiết lập hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.
- Áp dụng công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường.
- Áp dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản... góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
3. Công tác phát triển Giống vật nuôi, tổ chức sản xuất
- Xây dựng chính sách phù hợp, kịp thời để khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn có hiệu quả. Cùng với việc nhập và nhân rộng bổ sung các nguồn giống cao sản, giống chất lượng, tiến hành bảo tồn các giống bản địa có nguồn gen tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân, lai tạo giống thương phẩm phù hợp với nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
- Chọn tạo nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với từng vùng, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường; hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, sản phẩm sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới. Đồng thời, chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu của địa phương.
- Phát triển chăn nuôi gia súc lớn:
+ Mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, tiếp tục chương trình cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò theo hướng lai hoá trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo.
+ Chọn lọc trong sản xuất các giống bò và bổ sung một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu của huyện để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò thịt chất lượng cao.
+ Bình tuyển, chọn lọc đàn trâu, đàn dê trong sản xuất, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống trong 5 sản xuất, thực hiện tốt giải pháp đảo đực giống giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.
- Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm
+ Quản lý giống lợn, giống gia cầm gắn với từng vùng sản xuất, từng thương hiệu sản phẩm.
+ Nhân thuần, chọn lọc nâng cao, cải tiến năng suất, chất lượng giống lợn, gia cầm bản địa có nguồn gen quý hiếm làm nguyên liệu lai tạo với các giống cao sản; nhập bổ sung giống gốc lợn, gia cầm cao sản địa phương chưa có hoặc còn thiếu.
+ Cần có biện pháp nhằm động viên, thúc đẩy doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các giống tiên tiến. Đồng thời tiến hành đầu tư các trang trại, dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn trên địa bàn huyện.
+ Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung, cần quản lý tốt chất lượng lợn đực giống; đực giống sử dụng sản xuất tinh nhân tạo nhất thiết được kiểm tra năng suất trước khi khai thác tinh thương phẩm nhằm mục đích tuyển chọn được các giống đảm bảo chất lượng, giúp cải tạo năng suất, chất lượng đàn lợn, đàn gia cầm trên địa bàn huyện.
4. Giải quyết nhu cầu thức ăn chăn nuôi
- Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm.
- Giải quyết nhu cầu thức ăn thô xanh cho trâu, bò:
+ Xây dựng các mô hình trồng cỏ thâm canh có nước tưới. Hướng dẫn cách chế biến cỏ khô, ủ chua để dự trữ thức ăn.
+ Nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn chăn nuôi để giảm tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
+ Phát triển sản xuất cây thức ăn thô xanh và khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ và thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ.
+ Các trang trại chăn nuôi bò tập trung phải bố trí diện tích trồng cỏ năng suất cao và có phương án dự trữ lượng thức ăn thô đầy đủ, những cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ cần phải có diện tích đất để trồng cỏ thâm canh thích hợp với quy mô đàn. Tập trung chuyển đổi một số vùng đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và dài ngày năng suất thấp sang trồng cỏ thâm canh hoặc cải tạo thành bãi chăn thả để cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn trâu bò.
5. Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi
- Tổ chức hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hoá, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
- Cùng với các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp cần tăng cường các biện pháp quản lý đối với công tác giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
IV. NGUỒN VỐN VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
1. Nguồn vốn, kinh phí thực hiện

- Hàng năm, phòng Tài chính và Kế hoạch tham mưu UBND huyện xem xét, bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản theo từng năm, nhằm cụ thể hóa, sát thực tế và mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động thủy sản.
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo đúng phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, mô hình, dự án, nâng cao năng lực quản lý ngành và đào tạo nguồn nhân lực.
- Nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác.
- Nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ chế tài chính:
Hàng năm, các phòng ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này chủ động xây dựng chi tiết, cụ thể các nguồn kinh phí (báo cáo phòng Tài chính - Kế hoạch) để triển khai các nội dung thuộc Kế hoạch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Tài chính và Kế hoạch:

Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn Chư Prông.
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, theo dõi, tham mưu UBND huyện các giải pháp, phương án triển khai có hiệu quả nội dung kế hoạch này. Định kỳ tham mưu UBND huyện sơ kết, tổng kết.
- Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hướng dẫn và tạo điều kiện giao khoán mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa mục tiêu. Đồng thời, triển khai các phương án cân đối nguồn nước tưới vừa đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản; cập nhật và thông báo, cảnh báo kịp thời tình hình thời tiết, mực nước các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn huyện phục vụ nuôi trồng khai thác thủy sản.
- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn hỗ trợ các tổ chức, đơn vị thực hiện các mô hình phát triển hợp tác xã, các chuỗi liên kết liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Thực hiện công tác xúc tiến thương mại, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có yêu cầu sản xuất sản phẩm theo hướng sản xuất tốt như VietGap, GlobalGAP, GMP....
- Tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch… phát triển chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp, đề xuất, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3. Phòng Kinh tế - Hạ tầng:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên thị trường, đặc biệt là nhóm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao; phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý buôn bán các sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị, kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong quá trình chế biến thực phẩm thuộc ngành quản lý, triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy, phát triển mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
- Tham mưu, phối hợp với ngành điện, các đơn vị được giao quản lý công trình thủy điện trên địa bàn huyện và các đơn vị có liên quan: hướng dẫn, tổ chức quản lý hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn cơ quan chuyên môn và tổ chức, cá nhân có liên quan đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ theo hướng khai thác đa mục tiêu; đề xuất triển khai các biện pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa việc sử dụng tài nguyên và ổn định môi trường đa dạng sinh học tự nhiên.
4. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn quản lý tốt việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn môi trường chăn nuôi và môi trường sống.
- Căn cứ nội dung Kế hoạch, các dự án đã được phê duyệt hướng dẫn, giám sát các nhà đầu tư về nội dung liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đánh giá tác động môi trường đảm bảo theo đúng quy định của Pháp luật.
5. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao:
Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản, phổ biến các quy trình kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nêu gương các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Ban Chỉ huy Quân sự huyện:
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã thực hiện có hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm sang người; trên các tuyến đường mòn lối tắt qua biên giới.
7. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp:
- Tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước.
- Đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình chăn nuôi nông hộ tiên tiến, dự án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đánh giá kết quả và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các chương trình, Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 201-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Chư Prông.
8. UBND các xã, thị trấn:
- Căn cứ các nội dung của Kế hoạch này, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan, triển khai hiệu quả Kế hoạch trên địa bàn quản lý; giám sát các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất chăn nuôi, thủy sản bảo đảm đúng theo quy định của nhà nước. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, nông hội, tổ hợp tác...để triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi (đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số) thực hiện chăn nuôi đúng theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan chăn nuôi và thủy sản, tham gia xây dựng và phản biện các định hướng kế hoạch, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi, thủy sản; tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Tiếp tục rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ diện tích mặt nước lớn của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đến các chủ hồ có khả năng nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng, tiềm năng, xác định mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển ngành thủy sản trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hướng dẫn, vận động các chủ đập, chủ hồ chứa quan tâm đầu tư hoặc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa. 
Quản trị hệ thống
Nguồn: Kế hoạch 99/KH-UBND ngày 27/04/2022

 
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png