Người lưu giữ nhiều hiện vật có tuổi đời cao nhiều và duy nhất tại Chư Prông

06/10/2016
     Nghe và biết về anh đã lâu, nhưng nay mới có dịp mục sở thị cái nơi cả nhà anh sinh sống. Chỗ anh ở cách trung tâm thị trấn Chư Prông khoảng 7 đén 8 km, nhưng đường đi vào thì không dễ chút nào. Cái được coi là nhà nhưng hết sức xoàng xĩnh; nó rộng khoảng 100m2 nhưng được chất đầy các hiện vật có tuổi đời cao. Anh là Nguyễn Văn Hưng; sinh năm 1971; dân tộc: Kinh; học vấn: Lớp 7 THCS; quê quán: An Tường, Yên Sơn, Tuyên Quang; hiện trú quán tại: Thôn 6, thị trấn Chư Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Nhân vật được cho là khùng khi giành hầu hết số tiền kiếm được vào việc sưu tầm đồ cổ.

     Anh Hưng từ quê vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1997. Năm 2002, anh xây dựng gia đình với chị Hà Thị Thủy (sinh năm 1978) cùng quê. Anh có 2 con gái, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ mẫu giáo; cả 2 vợ chồng đều làm nông. Cũng từ thời gian này (năm 2002), anh bỗng nhiên đam mê sưu tầm, tìm kiếm đồ cổ; tính đến nay đã hơn 14 năm. Phương thức sưu tầm chủ yếu thông qua mua bán bằng tiền của cá nhân. Kinh nghiệm và động lực là lòng đam mê, tự mày mò, tìm hiểu qua sách báo, tivi. Phạm vi anh sưu tầm, thu thập hiện vật chủ yếu trên địa bàn huyện Chư Prông, một số ở huyện Đức Cơ, Chư Sê và nguồn trôi nổi trong xã hội.
     Khó khăn là vậy, vất vả với cuộc sống mưu sinh; nhưng đam mê của anh, việc làm của anh không phải ai cũng làm được. Cuộc sống cả gia đình 4 khẩu trông chờ chủ yếu vào thu nhập từ 400 cây cà phê và 300 trụ tiêu; nhưng do thiếu vốn sản xuất, thiếu đầu tư nên thu nhập thấp; khoảng 4 đến 5 chục triệu đồng/năm; nguồn thu nhập này một phần giành cho tái đầu tư sản xuất, một phần thu thập, sưu tầm đồ cổ nên cuộc sống gia đình cực kỳ khó khăn.
     Với số lượng hiện vật tương đối lớn, theo đánh giá bằng cảm quan của chúng tôi thì các hiện vật anh Hưng sưu tầm được đều là những đồ vật có giá trị, mang ý nghĩa văn hóa cổ xưa. Đặc biệt ý nghĩa về khảo cổ và văn hóa bản địa người Jrai. Tuy nhiên các hiện vật cũ, mới bao lâu, giá trị đến đâu chúng tôi không thể xác định (vì là người không có chuyên môn). Chúng tôi và anh Hưng tạm chia số hiện vật thành 2 mảng chính:
     - Hiện vật đồ đá: Khối lượng khoảng 2 m3; bao gồm hiện vật tín ngưỡng, đồ trang sức; dụng cụ để bào, gọt, vót, chẻ, tách, đục, chặt, cưa, bàn mài, búa…và dụng cụ để chế tác các hiện vật trên. Các hiện vật này đều được chế tác qua bàn tay người cổ xưa.
     - Hiện vật bản địa Jrai: Khoảng 2.500 hiện vật, từ đồ trang sức đến ghè, ché, cồng chiêng; bằng cảm quan đánh giá mảng này nhiều hiện vật có giá trị nhất là đồ đồng, đồ sành, sứ; có 08 bộ cồng chiêng cổ có tuổi đời cao (trong đó có bộ cồng chiêng có chiêng cái đường kính 1mét)…
     Với những hiện vật bao năm tìm kiếm, sưu tầm; công sức cũng như chi phí là không hề nhỏ so với nguồn thu nhập của cá nhân, gia đình. Nguyện vọng của anh Hưng là muốn làm việc có ích cho địa phương, cho xã hội, phát huy hiệu quả của các hiện vật đã sưu tầm. Bằng cách tìm vị trí thích hợp ví như làng đồng bào Jrai truyền thống để xây dựng nhà trưng bày; kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Qua đó tạo công ăn việc làm cho anh cũng như cộng đồng từ làm dịch vụ du lịch.
     Chúng tôi thiết nghĩ, việc anh Hưng là người địa phương có nhiều năm sưu tầm đồ cổ đã được cơ quan Văn hóa và Thông tin cũng như nhiều cá nhân đơn vị làm việc trong ngành văn hóa (tỉnh, toàn quốc) biết đến. Tuy nhiên, việc xác định một cách bài bản, hệ thống công việc của anh Hưng cũng như xác định giá trị của các hiện vật lưu giữ thì chưa được thực hiện. Việc này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ, can thiệp của các cơ quan chức năng, các chuyên gia thông thạo về lĩnh vực văn hóa, khảo cổ.
     Cho đến nay các cấp, các ngành cũng chưa có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với việc làm của anh Hưng trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể. Việc anh làm hoàn toàn tự giác của cá nhân, do lòng yêu thích và đam mê.
     Các cấp, các ngành chức năng bằng những gì có thể từ chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa nên phối hợp giúp đỡ, khuyến khích anh Hưng trong việc lưu giữ các hiện vật được sưu tầm, càng sớm, càng tốt (bởi số hiện vật hiện nay được cất giữ trong nhà tạm, ẩm thấp, dột nát rất nhanh xuống cấp, hư hỏng). Nên chăng từ ý kiến đề xuất của anh Hưng “Xây dựng làng văn hóa Jrai truyền thống, kết hợp du lịch” ngành chức năng có thể xây dựng đề án thực hiện?
 

                                                                                                        Bài và ảnh: Hà Huy Văn

Phòng Văn hóa và Thông tin
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png