Nhìn lại công tác giáo dục - đào tạo năm học 2022 – 2023 ở huyện Chư Prông

14/08/2023
Toàn ngành giáo dục huyện Chư Prông có 59 cơ sở giáo dục, trong đó 57 cơ sở giáo dục công lập, 02 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số lớp 902, với 30.178 học sinh ở các cấp học Mầm non (MN), Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS). Trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 14.870, chiếm 49,6%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đến thời điểm 31/7/2023 là 1.430 người. Toàn huyện có 29 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trong năm học toàn huyện có 42 giáo viên mầm non, 106 giáo viên Tiểu học được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 22/23 giáo viên cấp THCS được công nhận là giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện, 15 giáo viên Tổng phụ trách Đội được công nhận là giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi. Trong năm học chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc. Đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 tham gia cấp tỉnh đạt 39 giải (trong đó: 04 giải Nhất, 08 giải Nhì, 17 giải Ba, 10 giải Khuyến khích); đây là một trong những điểm sáng của giáo dục huyện nhà.

Cac-be-truong-Mau-giao-Sao-sang-Thi-tran-Chu-Prong-tham-gia-hoat-đong-cac-tro-choi-van-đong.jpg
Các bé trường Mẫu giáo Sao sáng - Thị trấn Chư Prông tham gia hoạt động các trò chơi vận động
 
Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp của huyện Chư Prông đạt 92% (tăng 5,2% so với năm học 2021-2022), trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ huy động ngoài công lập đạt 27,3%. Tỷ lệ huy động học sinh cấp Tiểu học đạt 98% (tăng 1%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; công tác duy trì sĩ số đạt 99,9% so với năm học 2021-2022. Tỷ lệ huy động học sinh cấp THCS ra lớp đạt 94,7% (tăng 2,1%) so với năm học 2021-2022, tuyển sinh vào trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS 70 học sinh/70 chỉ tiêu.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng – Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện cho biết: năm học 2022-2023, trung bình học sinh/lớp đối với cấp Mầm non là 33,2 trẻ/lớp; cấp Tiểu học 28,9 là học sinh/lớp; cấp THCS là 39,7 học sinh/lớp. Việc bố trí, sắp xếp được triển khai thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, do đó biên chế sĩ số học sinh/lớp của huyện không dàn trải, từ đó giảm được số giáo viên trên lớp. Vượt lên những khó khăn, tồn tại như điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non thiếu 25 người so với biên chế giao; thiếu 115 so với định mức. Năm học qua, đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên ngành học mầm non đã hết sức nỗ lực trong việc điều tra, thống kê; đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động đưa trẻ đến trường đạt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao 92% học sinh mẫu giáo từ 3-5 ra lớp.

Trẻ đến trường được chăm sóc nuôi dưỡng đảm bảo phát triển cả về trí tuệ, thể chất. Công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lễ giáo cũng được quan tâm. Kết quả tỷ lệ bé ngoan đạt 98% (tăng 0,3% so với năm học 2021-2022), Tỷ lệ bé khỏe bé ngoan đạt 90% (tăng 0,5% so với năm học 2021-2022), Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 395 trẻ, chiếm tỷ lệ 5,04% giảm 0,6% so với năm học 2021-2022; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 401 trẻ, chiếm tỷ lệ 5,11% giảm 0,5% so với năm học 2021-2022. 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần không có tai nạn thương tích và các bệnh dịch xảy ra. 100% lớp nhóm thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non và thực hiện Bộ chuẩn phát triển em 5 tuổi. 7841 trẻ đến trường, lớp được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ 100% (tăng 2,5%so với năm học 2021-2022).

Năm học 2022-2023, các trường Tiểu học trên địa bàn huyện tiếp tục sử dụng 02 bộ sách giáo khoa là Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống. Các môn học, hoạt động giáo dục được triển khai một cách đồng bộ. Môn học Tiếng Anh, môn Tin học và Công nghệ được đưa vào giảng dạy và trở thành môn học bắt buộc. Các trường tiểu học tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ học sinh dân tộc thiểu số theo Đề án 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ Tướng Chính phủ triển khai có hiệu quả. Các hoạt động thực hành, trải nghiệm, rèn kỹ năng vận dụng vào thực tiễn được các nhà trường quan tâm. Song song với đó là đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Kết quả đạt được năm học 2022-2023 ở bậc tiểu học: Về chất lượng giáo dục: Môn Toán đạt tỷ lệ 97,29%; Môn Tiếng Việt đạt tỷ lệ 96,89%. Mức đánh giá về học sinh hoàn thành chương trình lớp học, năng lực, phẩm chất, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt lệ từ 97 đến 100%.

Cũng như giáo dục Tiểu học. Đây là năm học thứ 2 triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6,7; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 8,9. Ngành giáo dục huyện Chư Prông đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông 2018; việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong tập huấn, bồi dưỡng cũng như tổ chức dạy học trực tuyến phát huy được hiệu quả. Các phần mềm EMIS, SMAS, cập nhật thông tin cở sở dữ liệu ngành, sinh hoạt chuyên môn trên trang “truonghocketnoi” ngày càng được tăng cường. Việc quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử, lịch báo giảng điện tử được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Ngành giáo dục đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; nhất là vụ mùa, cuối năm học. Phong trào thi đua chuyên đề “Huy động và duy trì sĩ số học sinh” được triển khai có hiệu quả. Kết quả xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2022-2023: Hệ Giáo dục phổ thông: đạt tỉ lệ 99,4%. Hệ Giáo dục thường xuyên: đạt tỉ lệ 100%.
 
Cac-em-thieu-nien,-nhi-đong-thoai-mai-sang-tac-tranh-trong-khuan-vien-quang-truong-cua-huyen.jpg
Các em thiếu niên, nhi đồng thoải mái sáng tác tranh trong khuân viên quảng trường của huyện
 
Trong năm qua, UBND huyện giao kinh phí mua sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 để bổ sung vào tủ sách dùng chung. 100% học sinh dân tộc thiểu số đến trường đều được mượn và có sách giáo khoa để học. Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS với kinh phí 950 triệu đồng. Mua sắm thiết bị phòng học bộ môn Tin học cho 24 đơn vị trường học với tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng. Đến nay 37/37 trường phổ thông đều được trang bị máy vi tính để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Năm 2022-2023, toàn huyện xây mới: 20 phòng học và phòng học bộ môn; đến nay đa số các trường đều có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp; các phòng học, phòng bộ môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Thầy giáo Đàm Quang Cường – Hiệu trưởng trường THCS Trần Quốc Tuấn xã Thăng Hưng huyện Chư Prông: “Trong năm học nhà trường được Phòng Giáo dục điều một giáo viên tin học trình độ đại học. Cho nên về mặt công tác giảng dạy được đảm bảo theo chương trình. Hiện tại cơ sở vật chất cũng đáp ứng theo yêu cầu. Về phương pháp giảng dạy thì giáo viên có sự tiếp cận, đổi mới với chương trình hiện tại”.

Cũng trong năm học, các trường học đã làm tốt công tác vận động, tài trợ từ các tổ chức cá nhân trong việc đóng góp xây dựng cảnh quan môi trường như làm hàng rào, sân bê tông, mái vòm, sân bóng đá; thư viện dựa vào cộng đồng trong các trường mầm non... tạo sân chơi cho học sinh. Năm học 2022-2023, Công ty TNHH Thagrico tiếp tục tài trợ 1.696 bộ sách giáo khoa lớp 3, trị giá 350 triệu đồng đủ cho 100% học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa để học tập. Ngoài ra các trường còn tiếp nhận rất nhiều sách, vở, quần áo, đồ dùng học tập của học sinh nguồn tài trợ khác.

Quang-canh-Lop-boi-duong-chinh-tri-he-cho-giao-vien-tai-điem-cau-chinh,-Hoi-truong-15-9-cua-huyen.jpg
Quang cảnh Lớp bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên tại điểm cầu chính, Hội trường 15.9 của huyện
 
Bà Phạm Thị Thu Hằng –Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học mới, ngành GD-ĐT huyện đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, như: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường đầu tư thiết bị giáo dục; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Cùng với đó, công tác bồi dưỡng chính trị; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được ngành GD-ĐT triển khai theo đúng kế hoạch và dưới nhiều hình thức khác nhau cả trực tiếp và trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo trước năm học mới".
 
Cac-chien-si-Ban-Chi-huy-QS-huyen-giup-don-dep-cac-điem-truong-chuan-bi-cho-nam-hoc-moi-2023-2024-(1).jpg
Các chiến sĩ Ban Chỉ huy QS huyện giúp dọn dẹp các điểm trường chuẩn bị cho năm học mới 2023 -2024
 
Với tinh thần chủ động chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới 2023 – 2024, hiện nay các cơ sở giáo dục đã và đang bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Theo đó, các trường học đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, kịp thời sửa chữa, khắc phục và xử lý các hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn. Sự chung tay trách nhiệm của lực lượng bộ đội, dân quân; của cả hệ thống chính trị trên đại bàn huyện sẽ cùng với ngành giáo dục huyện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy và học đã đề ra” - Bà Hằng cho biết thêm.
                                                               Bài, ảnh: Khánh Linh
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ:
16 Trần Phú, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: 02693.843.680
1478004801_fax-(1).png  Fax: 02693....
1478004004_Mail.png  Email: ubndchuprong@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về
UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: 
Ông Từ Ngọc Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép số: 04/GP-TTĐT ngày 26/6/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông


 Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png